Phong trào ''Người cao tuổi làm kinh tế giỏi'' đi vào cuộc sống

07/08/2023 10:03 AM


Mặc dù tuổi cao nhưng đội ngũ cán bộ, hội viên, người cao tuổi trong tỉnh đã thực sự phát huy vai trò gương mẫu, trở thành những tấm gương sáng cho con cháu noi theo. Họ đã xây dựng, thực hiện nhiều mô hình kinh tế giỏi, cho thu nhập ổn định và khá giàu, tạo việc làm, sinh kế bền lâu cho nhiều lao động. Đặc biệt, người cao tuổi làm kinh tế giỏi còn tích cực làm tốt an sinh xã hội, có trách nhiệm chung tay đóng góp, giúp đỡ người nghèo, cùng xây dựng quê hương Lâm Đồng giàu mạnh. 

Biểu dương, khen thưởng các điển hình người cao tuổi làm kinh tế giỏi

Theo số liệu thống kê, người cao tuổi chiếm khoảng hơn 9% dân số toàn tỉnh, hiện có 142 tổ chức hội cơ sở Người cao tuổi. Phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi là phong trào thi đua yêu nước mang tính chủ lực, xuyên suốt và thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, người cao tuổi tham gia tích cực, hiệu quả.

Toàn tỉnh hiện có 3.487 người cao tuổi làm kinh tế giỏi; trong đó, chủ trang trại, chủ doanh nghiệp 390 người; nông nghiệp 2.980; công nghiệp, xây dựng 93; dịch vụ, thương nghiệp 262; dịch vụ khác 152; tạo việc làm cho hơn 850 lao động, doanh thu 5 năm đạt trên 726,4 tỷ đồng; ủng hộ các loại quỹ 4,5 tỷ đồng; nộp thuế cho Nhà nước 13,97 tỷ đồng. Đây là con số ấn tượng mà lớp người cao tuổi trong tỉnh đã đạt được trong thời gian qua.

“Đặc biệt, trong số người cao tuổi sản xuất, kinh doanh giỏi, có những người đã 70, 75, 80 tuổi, nhưng luôn có ý chí vươn lên, cần mẫn, tìm tòi học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, tham gia các lớp tập huấn, sống mẫu mực, luôn khao khát làm giàu cho gia đình và xã hội”, ông Trần Đình Căn - Phó Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh cho biết. 

Điển hình về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ông Phạm Quốc Việt, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, có 4,8 ha đất sản xuất nông nghiệp, sản xuất, kinh doanh cây cảnh, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang các nước như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu; doanh thu 5 năm 59 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 30 lao động tại địa phương với thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng; cho hộ nghèo ở xã vay không lãi 400 triệu đồng, nộp thuế 250 triệu đồng. Ông còn là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau xã Tân Nghĩa.

Hay như ông Lưu Văn Hậu, xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, canh tác 5 ha cà phê, trồng dâu nuôi tằm, xen canh cây sầu riêng, doanh thu 5 năm hơn 8 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 10 lao động tại địa phương với thu nhập 9 triệu đồng/người/tháng; ủng hộ các loại quỹ cho xã 65 triệu đồng; bà Lê Thị Hằng, xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm, trồng 7 ha chuyên canh cây sầu riêng, doanh thu 5 năm 7 tỷ đồng. Đặc biệt, gia đình bà đã hiến 540 m2 đất làm đường giao thông.

Điển hình tại Cát Tiên có ông Trần Văn Đại, xã Quảng Ngãi, trồng 4 ha cà phê, 1,3 ha bưởi, 2 ha điều, 1,5 ha lúa nước, chăn nuôi 12 con bò sinh sản, doanh thu 5 năm 5,24 tỷ đồng.

Là tấm gương điển hình trong đồng bào DTTS, ông Ya Đoang, xã Pró, huyện Đơn Dương, có 1 ha đất sản xuất nông nghiệp, ông mạnh dạn vay vốn đầu tư mua 2 máy cày xới đất phục vụ sản xuất nông nghiệp và bà con nông dân trong xã, thu nhập 5 năm 3 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 6 lao động. 

Trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, chế biến, ông Trần Thanh Cảnh, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, giám đốc một công ty xây dựng; doanh thu 5 năm 53 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho từ 200 lao động tại địa phương với thu nhập từ 9 -12 triệu đồng/người/tháng; thực hiện nghĩa vụ thuế 5 năm 7,5 tỷ đồng. 

Một tấm gương được bà con ghi nhận, đánh giá rất cao như ông Ninh Văn Kiêm (80 tuổi), xã Đạm B’ri, TP Bảo Lộc, giám đốc công ty sản xuất vật liệu xây dựng, Bí thư Chi bộ có 30 đảng viên, doanh thu hằng năm từ 45 - 50 tỷ đồng. Công ty có 70 công nhân, có việc làm ổn định, thu nhập từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng, nộp ngân sách nhà nước từ 250 - 300 triệu đồng/năm…Tại TP Đà Lạt, phát huy vai trò tuổi cao - gương sáng, ông Trần Phú Lộc, Phường 3, chủ doanh nghiệp chế biến nông sản, chuyên sản xuất kim chi theo công nghệ Hàn Quốc và hồng treo Đà Lạt theo công nghệ Nhật Bản; doanh thu 5 năm 36,35 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 6 lao động; hợp đồng theo thời vụ 15 lao động với thu nhập 7,5 triệu đồng/người/tháng; nộp ngân sách nhà nước từ 5 năm 2,125 tỷ đồng. 

Tại huyện Di Linh có ông Lê Trọng Đoàn, xã Gia Hiệp, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Gia Thịnh, với 27 hộ thành viên, có diện tích đất nông nghiệp 50 ha, chủ yếu trồng cà phê, xen canh cây sầu riêng, bơ, hồ tiêu, doanh thu 5 năm 58 tỷ đồng, thành viên hộ gia đình thu nhập bình quân hàng năm 600 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 100 lao động, thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng. Tại TP Bảo Lộc, có bà Trần Thị Diện, Phường 2, Giám đốc Hợp tác xã Đan len Quý Anh, doanh thu 5 năm 40 tỷ đồng, có hơn 100 lao động với thu nhập từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng, nộp ngân sách nhà nước trong 5 năm 2,570 tỷ đồng; có 10 lao động là người dân tộc thiểu số. 

Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tổng hợp, ông Đặng Văn Sửu, thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, trồng 5 ha cà phê kết hợp làm dịch vụ tiệc cưới, mở Xưởng gỗ mỹ nghệ Ngọc Biên, doanh thu 5 năm 10,8 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 28 lao động tại địa phương với thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng, nộp ngân sách nhà nước 150 triệu đồng. Đặc biệt, gia đình ông có một chiếc xe cứu thương chuyên chở miễn phí giúp đỡ các bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh khó khăn từ Di Linh đi bệnh viện tuyến trên. 

Khắp các địa phương trong tỉnh còn rất nhiều tấm gương làm kinh tế giỏi mà chủ doanh nghiệp là người cao tuổi đều xứng đáng được tuyên dương. Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Lâm Đồng Đàm Xuân Đêu cho biết, khắc sâu lời dạy của Bác Hồ kính yêu, người cao tuổi tỉnh Lâm Đồng thực hiện các phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao - Gương sáng” luôn xứng đáng với 18 chữ vàng mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tặng người cao tuổi Việt Nam “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Tỉnh đã biểu dương, tôn vinh 38 cá nhân tiêu biểu đại diện cho 3.487 người cao tuổi làm kinh tế giỏi tỉnh Lâm Đồng. Trong đó có 7 cá nhân được UBND tỉnh tặng bằng khen; 13 cá nhân được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tặng bằng khen; 18 cá nhân được Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh tặng giấy khen. Hội cũng mong muốn Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách cho người cao tuổi được vay vốn từ các ngân hàng thương mại, nhất là từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất phù hợp, tạo điều kiện để người cao tuổi sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho gia đình và xã hội, thực hiện giảm nghèo bền vững tại địa phương. 

Báo Lâm Đồng