Niềm vui từ một mô hình

31/07/2023 10:02 AM


Nếu như những năm trước đây, nhắc đến nông nghiệp công nghệ cao, người dân xã Đà Loan, huyện Đức Trọng còn thờ ơ thì gần đây họ đã có sự thay đổi đáng kể trong cách làm nông nghiệp tại vùng đất này. Hôm nay, về với Đà Loan, ngoài những vườn cà phê đang ngậm mùa bội thu, nông dân vùng này đã tự tin kể cho tôi nghe về kỹ thuật làm nông nghiệp công nghệ cao. Lão nông Chu Văn Thời là một điển hình như thế.

Ông Thời bên vườn cà chua ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao
Ông Thời bên vườn cà chua ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao

Về Đà Loan, vào thăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao của nhà nông Chu Văn Thời tại thôn Đà Thành chúng tôi mới hiểu được sự đột phá trong chuyển đổi cây trồng, vươn lên làm giàu của người nông dân này. Vừa cắt tỉa những lá cà chua bị hư hỏng, ông Thời tranh thủ trao đổi: Mảnh đất 2.500 mcủa gia đình ông ngày xưa chỉ trồng cà phê. Giá cà phê bấp bênh, năm được năm mất, khi được mùa thì mất giá, khi được giá lại mất mùa. Với gia đình ông, cây cà phê ngày ấy mang theo sự thấp thỏm, có lúc thất vọng tràn trề vì loại cây này không lo đủ kinh tế cho gia đình. Trong cái khốn khó, cuối cùng ông cũng tự bứt phá, mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm. “Nhiều năm làm cà phê không mang lại hiệu quả, năm 2022, sau khi học hỏi một số mô hình ở địa phương, gia đình tôi quyết định phá bỏ cà phê, đầu tư 1 tỷ đồng để làm nông nghiệp công nghệ cao với 3 loại cây trồng chủ lực là cà chua, dưa leo và ớt chuông”, ông Thời trải lòng về sự mạnh dạn của mình trong chuyển đổi cây trồng.

Xác định khó khăn và phải nỗ lực gấp bội phần khi làm nông nghiệp công nghệ cao đó là những gì ông Thời tiên lượng được. Nếu như trước đây còn làm cà phê, gia đình ông chỉ vất vả trong thời gian ngắn, các phần việc chủ yếu tập trung vào những giai đoạn cụ thể như: cắt chồi, bón phân, tưới nước, thu hoạch thì nay trồng cà chua, ớt chuông, dưa leo buộc ông và gia đình phải “nâng cấp” tay nghề. Học hỏi liên tục từ thực tế, từ các mô hình của nông dân Đà Loan, cộng vào đó là những đêm thức khuya, ngủ muộn tìm tài liệu trên các phương tiện thông tin đại chúng để áp dụng một cách hiệu quả vào điều kiện của gia đình mình. Hiện nay, với vườn cà chua trĩu quả, điều này cho thấy chủ nhân của khu vườn đã thành thạo trong áp dụng kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Ông Thời bảo: “Cây cà chua của tôi được trồng trong nhà kính, giá thể để trồng là xơ dừa đã qua xử lý, mua từ miền Tây. Trong vườn có hệ thống tưới tự động, tất cả được điều khiển bằng điện thoại thông minh”. Từ một người còn “xa lạ” với nông nghiệp công nghệ cao trước đây thì nay ông Thời đã rành mạch khi áp dụng kỹ thuật hiện đại vào chăm sóc cây trồng. 

Ấn tượng của chúng tôi về vườn cà chua của nông dân Chu Văn Thời là sự thông thoáng, sạch sẽ và gọn gàng, làm nông nghiệp nhưng trong vườn rất ít bụi bẩn, hàng nối hàng, cây cà chua xanh mướt. Để tránh vi khuẩn gây hại cho cây cà chua, ông Thời lót bạt khắp dưới nền đất. Trên diện tích 2,5 sào, nhà nông này trồng 7.000 cây cà chua chia đều cho 50 hàng. Mỗi năm, gia đình ông trồng 2 lứa, cà chua con sau 20 ngày thì có thể đưa vào giá thể để chăm sóc. Sau hơn 2 tháng, cây cà chua đạt độ dài khoảng 1,8 m và bắt đầu cho thu lứa đầu tiên. 

Từ một người dò dẫm tìm hướng đi trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đến nay, mô hình trồng cà chua theo hướng công nghệ cao của ông Thời đã từng bước đem lại hiệu quả. Năm 2022, cây cà chua đã không phụ lòng người, trung bình một vụ ông Thời thu khoảng 55 tấn cà chua, một năm thu 2 vụ, với sản lượng hơn 100 tấn. Tùy vào thời điểm, có khi giá cà chua đạt mức 25.000 đồng/kg. Theo ông Thời, nếu giá cà chua với mức trung bình là 15.000 đồng/kg thì việc trồng cà chua trong nhà kính cũng hiệu quả hơn rất nhiều so với trồng cà phê. Ông Thời so sánh: “Trước đây, cũng trên diện tích này, khi trồng cà phê, tôi chỉ thu được 20 triệu đồng. Tuy nhiên, từ khi chuyển sang trồng cà chua theo hướng công nghệ cao thì hiệu quả kinh tế khác hẳn. Mỗi năm, mô hình này cho thu nhập 250 triệu đồng, gấp hơn 10 lần trồng cà phê”.

Nông nghiệp công nghệ cao đã giúp nông dân Chu Văn Thời tìm được lời giải cho bài toán trồng cây gì để phát triển kinh tế gia đình. Sau khi trồng xong cà chua, tận dụng giá thể xơ dừa, ông Thời thay đổi cây trồng khác như: dưa leo, ớt chuông. Điều này vừa giảm chi phí sản xuất đồng thời tăng hiệu quả kinh tế. Cách làm nông nghiệp này được tổ chức, đoàn thể địa phương đánh giá cao. “Việc trồng cà chua áp dụng công nghệ cao của ông Thời đã mang lại kinh tế rõ rệt, bởi làm trong nhà kính thì ít sâu bệnh, hạn chế ảnh hưởng của thiên tai. Sắp tới, Hội Nông dân xã sẽ giới thiệu mô hình này để cho nông dân học hỏi và áp dụng”, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đà Loan Đường Xuân Phước nhấn mạnh.

Từ một người còn lúng túng trong việc tìm hướng đi trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nhưng bằng sự kiên trì, chịu khó học hỏi, ông Thời đã thành công với cây cà chua. Với cách làm hiệu quả này, đây cũng là một địa chỉ để nông dân Đà Loan học và nhân rộng mô hình.

Báo Lâm Đồng