Đà Lạt: Đảm bảo môi trường để phát triển bền vững

17/03/2022 08:08 AM


Xây dựng các chính sách bảo vệ môi trường dài hạn, tăng cường đầu tư các công trình xử lý môi trường, Đà Lạt đang hướng đến sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững nhờ bảo vệ môi trường. 
 
Chất lượng môi trường đất tại Đà Lạt chưa có dấu hiệu ô nhiễm, thích hợp để canh tác nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Trong ảnh: Làm đất trong một nhà kính trồng hoa tại Phường 12, Đà Lạt
Chất lượng môi trường đất tại Đà Lạt chưa có dấu hiệu ô nhiễm, thích hợp để canh tác nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Trong ảnh: Làm đất trong một nhà kính trồng hoa tại Phường 12, Đà Lạt
 
• KIỂM SOÁT Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG 
 
Theo UBND TP Đà Lạt, các cơ quan chức năng thành phố định kỳ hàng năm đều tổ chức lấy mẫu phân tích chất lượng đất, nước, không khí làm cơ sở để theo dõi thường xuyên chất lượng môi trường, kiểm soát ô nhiễm, đưa ra các cảnh báo kịp thời những diễn biến bất lợi về môi trường.
 
Dựa trên kết quả lấy mẫu phân tích chất lượng môi trường trong những năm gần đây, Đà Lạt đến nay vẫn là một đô thị có chất lượng môi trường khá tốt.
 
Cụ thể, với môi trường đất, quan trắc cho thấy các chỉ tiêu như pH, độ ẩm, cacbon hữu cơ, tổng nitơ, tổng photpho, hàm lượng kali trong đất tại các vị trí lấy mẫu hàng năm đều thích hợp để phát triển nông nghiệp trên địa bàn. 
 
Kết quả phân tích cũng cho thấy hàm lượng Arsen và dư lượng DDT trong đất tại Đà Lạt hầu như không tồn tại, nằm dưới ngưỡng giới hạn cho phép theo các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về một số kim loại nặng và dư lượng hoá chất bảo vệ thực vật trong đất. Cho đến nay, chất lượng môi trường đất tại Đà Lạt vẫn chưa có dấu hiệu ô nhiễm, thích hợp để tiến hành canh tác nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
 
Với môi trường nước mặt, kết quả quan trắc tại 10 vị trí nước mặt cấp nước sinh hoạt khi so sánh với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho thấy giữa các vị trí có sự chênh lệch về hàm lượng không đáng kể. Hầu hết các thông số pH, NO2-, NO3-, N-NH4+, PO43-, Cl-, F-, Coliform của tất cả các vị trí lấy mẫu trong 2 đợt quan trắc trong năm vừa qua đều nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn hiện hành. Tuy nhiên, vào mùa khô vẫn còn một số vị trí có các thông số TSS, COD, BOD5 và E.Coli vượt quy chuẩn nhưng không nhiều.
 
Với nước mặt cung cấp cho nông nghiệp - tưới tiêu, phục vụ du lịch - cảnh quan, kết quả quan trắc cho thấy vẫn còn một số vị trí chất lượng nước mặt có những thông số vượt quy chuẩn đặc biệt, vào mùa khô, cụ thể như nguồn nước mặt tại cầu La Sơn Phu Tử, nước mặt tại thác Cam Ly, nước mặt suối cầu Lê Quý Đôn, nước mặt hồ Xuân Hương... Nguyên do nguồn nước này bị nhiễm bẩn từ nước mưa chảy tràn qua các khu có hoạt động sản xuất nông nghiệp sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hữu cơ, phân chuồng hoặc nguồn nước thu nhận nước xả thải từ các khu dân cư.
 
Với nước ngầm, tất cả các điểm quan trắc quan phân tích cho thấy các chỉ tiêu đều nằm trong giới hạn cho phép theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước dưới đất. Đến nay, về cơ bản, Đà Lạt chưa có dấu hiệu ô nhiễm nguồn nước ngầm. Tuy nhiên, theo ngành chức năng thành phố, các mẫu quan trắc có tính đại diện cho khu vực, cho các vùng và tương ứng với thói quen sử dụng nước của người dân, do đó khuyến cáo người dân trong khu vực khi sử dụng nguồn nước ngầm cho các mục đích khác nhau cần có các biện pháp xử lý tương ứng đối với từng mẫu riêng biệt trước khi đưa vào sử dụng.
 
Với môi trường không khí và tiếng ồn, kết quả quan trắc cho thấy hầu hết các thông số tại các vị trí quan trắc trên địa bàn thành phố đều nằm trong giới hạn cho phép theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. 
 
• TĂNG CƯỜNG XỬ LÝ RÁC VÀ NƯỚC THẢI 
 
Theo ước tính của ngành chức năng, trung bình mỗi ngày, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh tại Đà Lạt khoảng trên dưới 200 tấn - nhiều nhất trong tỉnh Lâm Đồng (thành phố Bảo Lộc đứng nhì tỉnh với lượng phát sinh khoảng 127 tấn/ngày); lượng nước thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn khoảng 45.169 m3/ngày đêm; lượng nước thải chăn nuôi phát sinh (được ước tính trên số lượng gia súc, gia cầm và hệ số phát sinh nước thải) khoảng 52 m3/ngày; chất thải rắn y tế nguy hại tại các cơ sở y tế phát sinh trên địa bàn khoảng 0,3798 tấn/ngày; lượng nước thải y tế khoảng 534 m3/ngày, đêm. 
 
Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Đà Lạt có nhiều nỗ lực lâu nay chính là công tác thu gom và xử lý chất thải. Cho đến nay, việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt của Đà Lạt đã vươn ra đến tận các xã vùng ven, tỷ lệ thu gom đạt đến khoảng 99%.
 
Như trong năm 2021 vừa qua, toàn thành phố đã thu gom được trên 91.784 tấn rác thải sinh hoạt tính đến cuối tháng 11/2021; thu gom và xử lý trên 8,7 tấn bao bì hóa chất bảo vệ thực vật. Hiện, nhà máy xử lý rác thải của Công ty TNHH Môi trường Năng lượng Xanh làm chủ đầu tư rộng 28 ha tại xã Xuân Trường đã từng bước khắc phục sự cố để tăng công suất xử lý rác thải lên mức 200 tấn/ngày theo thiết kế.
 
Đà Lạt trong những năm gần đây cũng đã nỗ lực mở rộng mạng lưới thu gom và xử lý nước thải tập trung đô thị. Nhà máy xử lý nước thải Đà Lạt do Chính phủ Đan Mạch tài trợ xây dựng, trong giai đoạn 1 trước đây đã hoàn tất 130 km đường ống thu gom nước thải, một trạm bơm chính, 7 trạm bơm nâng, thu gom nước thải sinh hoạt tại các Phường 1, 2 và một phần Phường 5, 6, 8 đưa nước thải về xử lý tại nhà máy với công suất thiết kế 7.400 m3/ngày đêm. Trong giai đoạn 2 vừa qua, nhà máy này đã sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới World Bank để mở rộng thêm 63 km đường ống thu gom nước thải, xây thêm 6 trạm bơm nâng, mở rộng phạm vi thu gom nước thải đến các Phường 3, 4, 7, 9, 10 và nâng công suất xử lý lên 12.400 m3/ngày đêm.
 
Đà Lạt lâu nay cũng kịp thời ban hành các quy định cụ thể trong bảo vệ môi trường; kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường; tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm soát ô nhiễm các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; khuyến khích các cơ sở sản xuất các đơn vị có nước thải áp dụng công nghệ mới theo hướng công nghệ sạch; chú trọng công tác quan trắc môi trường, tổ chức lấy mẫu giám sát môi trường. Thành phố cũng tăng cường trồng thêm cây xanh, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, tăng diện tích phủ xanh đô thị (nâng tỷ lệ đến nay lên 51,5%) cũng như thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong người dân và du khách. 
 
Riêng trong lĩnh vực du lịch - nền kinh tế mũi nhọn của Đà Lạt, chủ trương chung của thành phố lâu nay là phát triển du lịch phải luôn gắn liền với hoạt động bảo vệ môi trường. Đến nay, hầu hết các điểm, khu du lịch trên địa bàn cơ bản đều thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường theo quy định; có các yêu cầu và hướng dẫn về bảo vệ môi trường cho cán bộ, nhân viên của đơn vị; tổ chức trồng cây xanh, đặt các thùng thu gom rác ở nhiều vị trí trong khu du lịch; xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; có bảng hướng dẫn cùng các quy định cho du khách về bảo vệ môi trường.
 
Theo đánh giá của UBND thành phố Đà Lạt, nhận thức về bảo vệ môi trường của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các tầng lớp Nhân dân trong thành phố từng bước đã được nâng lên trong những năm gần đây; tạo nên những chuyển biến tích cực trong hành động của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân; góp phần không nhỏ để Đà Lạt trở thành một thành phố “xanh, sạch, đẹp”, phát triển bền vững về môi trường.
 
VIẾT TRỌNG

Báo Lâm Đồng