Nghị quyết 26 ''Bệ phóng'' để nông dân, nông thôn ''đổi đời''

02/09/2021 05:10 PM


Sau 13 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết số 26 khóa X của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” đã thực sự đi vào cuộc sống và đạt được những kết quả quan trọng trên địa bàn Lâm Đồng. Thu nhập bình quân đầu người của người dân nông thôn ước đạt 38 triệu đồng/người/năm, tăng 28,4 triệu đồng/người/năm so với năm 2008. Cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp có sự chuyển dịch tích cực, chăn nuôi và dịch vụ tăng trưởng tốt. Đến hết năm 2020, ngành trồng trọt còn 80,54%, chăn nuôi đạt 17,02%, dịch vụ 2,44%. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đạt 185,6 triệu đồng/ha/năm, tăng 4,1 lần so với năm 2008; tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm nhanh, an sinh xã hội ngày càng được bảo đảm. 
 
Những con số nêu trên khẳng định rằng, Nghị quyết số 26 sau 13 năm triển khai đồng bộ, quyết liệt đã như một “bệ phóng” góp phần thúc đẩy nông dân, nông thôn Lâm Đồng “đổi đời” bước sang một trang mới.
 
Ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 26, ngày 24/10/2008, Tỉnh ủy Lâm Đồng cũng ban hành Chương trình hành động số 68-CTr/TU để thực hiện nghị quyết này và cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, định hướng trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đồng thời, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, lộ trình triển khai thực hiện tại địa phương. UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định số 31/QĐ-UBND, ngày 7/1/2009 về kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình số 68-CTr/TU; trong đó, phân công nhiệm vụ cho từng sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố để xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể. 
 
Công tác tuyên truyền, học tập, quán triệt nghị quyết được Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện đồng bộ, nghiêm túc từ cấp tỉnh đến cơ sở. Tỉnh ủy, các đảng ủy trực thuộc, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh nhanh chóng tổ chức quán triệt, phổ biến sâu rộng Nghị quyết 26 và Chương trình số 68 của Tỉnh ủy đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. 
 
Các chủ trương, định hướng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết 26 cũng được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, nhất là cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng, tạo sự quyết tâm thống nhất trong thực hiện nghị quyết. Cũng trong giai đoạn này, nhiều phong trào thi đua lớn được Trung ương, tỉnh phát động như: Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”... tạo sự lan tỏa sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người dân nông thôn. Phần lớn chủ trương, chính sách hỗ trợ trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới đã được hầu hết các tầng lớp nhân dân biết, đồng thuận và hưởng ứng thực hiện, làm cho nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống và khẳng định tính đúng đắn.
 
Có thể nói rằng, trên cơ sở Chương trình số 68-CTr/TU, Quyết định số 31/QĐ-UBND, nhiều chủ trương trong phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn và nông dân được thể chế hóa, cụ thể hóa bằng các chính sách, các chương trình, dự án, nhiệm vụ trọng tâm và giao cho các cấp, các ngành triển khai thực hiện đảm bảo phù hợp với thực tiễn yêu cầu sản xuất của người dân nông thôn và điều kiện của địa phương. Trong giai đoạn 2011 - 2015, Tỉnh ủy chủ trương phát triển nông nghiệp toàn diện, sản xuất hàng hóa theo quy mô lớn, bền vững, ứng dụng nhanh, kịp thời các thành tựu khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học. Tạo sự chuyển biến nhanh cho nông dân ở các vùng khó khăn để thu hẹp dần khoảng cách với các khu đô thị. Xây dựng nông thôn có cơ cấu hợp lý, quan hệ sản xuất phù hợp, kết cấu hạ tầng phát triển và từng bước hiện đại, xã hội nông thôn ổn định, dân trí nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ. Để thực hiện chủ trương này, Tỉnh ủy đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách cụ thể phù hợp; góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét trong sản xuất nông nghiệp, đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn và đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nông thôn. Đơn cử là Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 24/6/2009 về phát triển thương mại giai đoạn 2009 - 2015; Nghị quyết số 05 NQ/TU, ngày 10/5/2011 về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2011 - 2015; Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 10/5/2011 về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2011 - 2015…
 
Trong sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh chỉ đạo và ban hành các quy hoạch phát triển cho từng cây trồng, vật nuôi chủ lực, thông qua đó hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo thuận lợi cho quá trình thu mua, tiêu thụ, chế biến nông sản; đồng thời, ban hành một số chương trình, đề án nhằm hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo các giải pháp trong Chương trình số 68-Ctr/TU, Quyết định số 31/QĐ-UBND, cụ thể như Đề án chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; Kế hoạch tái canh cây cà phê; Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Đề án khuyến nông vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Để tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng đã tập trung chỉ đạo xây dựng đề án kết cấu hạ tầng đồng bộ, thực hiện Chương trình phát triển thủy lợi gắn với thủy điện vừa và nhỏ; Chương trình kiên cố hóa kênh mương; Đề án phát triển thủy lợi nhỏ vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Đề án phát triển giao thông nông thôn; Đề án cải tạo và phát triển hệ thống lưới điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt. 
 
Thực hiện đổi mới quan hệ sản xuất, phát triển các hình thức tổ chức, liên kết sản xuất, trọng tâm là ban hành và chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án phát triển kinh tế tập thể, kinh tế trang trại; triển khai kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Một loạt đề án được triển khai thực hiện, cụ thể là Đề án hỗ trợ xúc tiến thương mại; Đề án chế biến bảo quản nông sản; Đề án bảo quản chế biến cà phê; Đề án củng cố và phát triển hệ thống chợ nông thôn...
 
Trong phát triển nông thôn, tỉnh cũng tập trung cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết thông qua việc triển khai thực hiện công tác giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như Chương trình trợ giá trợ cước; Chương trình 135, Chương trình 30a; Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn…
 
Người nông dân ở vùng sâu, vùng xa huyện Cát Tiên phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp
Người nông dân ở vùng sâu, vùng xa huyện Cát Tiên phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp
 
Còn từ giai đoạn 2016 đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng tiếp tục tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương bám sát Nghị quyết 26, Chương trình số 68-CTr/TU để lãnh, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; có sự xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển chung trong thời kỳ mới. Nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn này được tỉnh xác định là tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM). 
 
Tỉnh đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM các cấp, thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020; thành lập Văn phòng điều phối NTM các cấp. Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng chỉ đạo quyết liệt thực hiện 12 công trình trọng điểm; chỉ đạo thực hiện dự án phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành, phê duyệt 12 đề án, kế hoạch chuyên đề hằng năm, kế hoạch giai đoạn để cụ thể hóa Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. 
 
Và gần đây nhất, ngày 24/5/2021, Tỉnh ủy cũng ban hành Chương trình hành động số 10, trong đó xác định các mục tiêu, định hướng chính để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đồng thời chỉ đạo các sở, ngành, địa phương ưu tiên các nội dung, giải pháp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong xây dựng các chương trình, kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đề ra mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp hướng đến toàn diện, bền vững, hiện đại giai đoạn 2021 - 2025. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, ban hành Đề án tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến 2030; khôi phục và phát triển rừng và Kế hoạch trồng 50 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
 
Sau 2 giai đoạn thực hiện với nhiều chương trình, kế hoạch thực hiện quyết liệt, đồng bộ, đời sống nông thôn, nông dân đã có rất nhiều thay đổi tích cực. Thống kê cho thấy, thu nhập bình quân đầu người của người dân nông thôn năm 2020 ước đạt 38 triệu đồng/người/năm, tăng 28,4 triệu đồng/người/năm so với năm 2008. Cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp có sự chuyển dịch tích cực, chăn nuôi và dịch vụ tăng trưởng tốt. Đến hết năm 2020, ngành trồng trọt còn 80,54%, chăn nuôi đạt 17,02%, dịch vụ 2,44% (năm 2008: trồng trọt 83,57%, chăn nuôi đạt 14,45%, dịch vụ 1,79%). Giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác năm 2020 đạt 185,6 triệu đồng/ha/năm, tăng 4,1 lần so với năm 2008; thu nhập bình quân ước đạt trên 93 triệu đồng/ha/năm. Sản xuất nông nghiệp từng bước được cơ giới hóa, đến năm 2020, cơ giới hóa được trên 59,6% khâu làm đất; 68,4% khâu gieo trồng, chăm sóc; 4,6% khâu thu hoạch. Tỷ lệ sản phẩm nông, lâm nghiệp qua sơ chế đạt trên 75%, trong đó chế biến bằng công nghệ tiên tiến đạt trên 20%. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến năm 2020 giảm đáng kể, chỉ còn 1,35%; giảm 10,18% so với năm 2008.
 
NGUYỄN NGHĨA

http://baolamdong.vn/