Cát Tiên qua 5 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp

06/04/2021 09:49 AM


Thực hiện Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, hiện đại giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025, đến nay huyện Cát Tiên đã xây dựng được một nền sản xuất theo hướng hiện đại.
 
Thu hoạch lúa chất lượng cao tại cánh đồng xã Gia Viễn
Thu hoạch lúa chất lượng cao tại cánh đồng xã Gia Viễn
 
Những bước chuyển mình tích cực 
 
Sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đến nay, giá trị sản xuất nông nghiệp huyện Cát Tiên trong giai đoạn 2016 - 2020 tăng trung bình hằng năm 3,33%, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích năm 2020 đạt 70 triệu đồng/ha/năm. Chuyển dịch cơ cấu lĩnh vực trồng trọt chiếm 63,63%, chăn nuôi chiếm 31,07% và dịch vụ 5,3%. Năng suất các loại cây trồng, vật nuôi tăng bình quân hằng năm 3,5%, giảm tổn thất sau thu hoạch các loại nông sản hiện còn dưới 10%. 
 
Nhiều đề án, kế hoạch trên lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đã được huyện Cát Tiên triển khai thực hiện có hiệu quả, trọng tâm là Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. 
 
Toàn huyện Cát Tiên hiện có tổng diện tích gieo trồng đạt trên 20.000 ha; trong đó, cây hằng năm 11.704 ha, cây lâu năm 8.324 ha. Diện tích canh tác ứng dụng công nghệ cao 4.372 ha, chiếm 21,83% tổng diện tích gieo trồng; 30% diện tích sản xuất nông nghiệp được sản xuất ứng dụng theo tiêu chuẩn an toàn và bền vững; 88,6% diện tích gieo trồng cần tưới được đảm bảo cung cấp tưới chủ động; diện tích sản xuất có giá trị dưới 50 triệu đồng/ha/năm chỉ còn 34%. 
 
Trong sản xuất lúa, người dân Cát Tiên đã từng bước ứng dụng khoa học kỹ thuật, tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập trên diện tích canh tác. Nhờ đó, năng suất lúa đã tăng từ 59,53 tạ/ha năm 2015 lên 63,1 tạ/ha năm 2020.
 
Việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng được người dân chú trọng thực hiện, cơ cấu mùa vụ phù hợp với định hướng của UBND huyện, chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất, thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. 
 
Trong giai đoạn 2016 - 2020, huyện Cát Tiên đã chuyển đổi, tái canh cây điều ước đạt 2.188,1 ha; trong đó, chuyển đổi diện tích cây điều kém hiệu quả sang cây trồng khác 743,3 ha. Tập trung phát triển kinh tế vườn hộ, thâm canh diện tích cây ăn trái với diện tích 820 ha. Triển khai xây dựng 15 chuỗi liên kết gắn với các doanh nghiệp và hợp tác xã trên địa bàn huyện, đồng thời phát triển nhãn hiệu nông sản và đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận. Sản lượng nông sản trên địa bàn huyện được tiêu thụ qua liên kết chiếm khoảng 12,5%. Hiện Cát Tiên cũng đã có 2 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao Lâm Đồng là sản phẩm hạt điều rang muối và hạt gạo ngọc Cát Tiên. 
 
Xây dựng thương hiệu, tiếp tục kêu gọi đầu tư
 
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, với trọng tâm chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang sản xuất theo hướng nông nghiệp chất lượng cao gắn với xây dựng và mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu nông sản cho người dân, giảm khâu trung gian, đáp ứng yêu cầu hội nhập thị trường luôn được huyện Cát Tiên chú trọng.
 
Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên cho biết: Hiện nay, việc chuyển đổi những diện tích trồng điều kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác nhằm mang lại giá trị cao hơn, đã và đang là chủ trương được huyện Cát Tiên quyết liệt thực hiện. Ngoài ra, UBND huyện tiếp tục tập trung đẩy mạnh việc chuyển đổi, bố trí cây trồng hợp lý, cải tạo vườn tạp, vườn hộ, xây dựng vườn mẫu gắn với xây dựng nông thôn mới. 
 
Bên cạnh đó, huyện Cát Tiên đang triển khai các đề án chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn huyện, tăng cường quản lý và phát triển ngành chăn nuôi theo quy hoạch. Khuyến khích đầu tư phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại, gia trại; nâng cao chất lượng đàn vật nuôi, nhất là nâng cao thể trạng, chất lượng đàn bò. Tập trung mở rộng diện tích trồng cỏ đảm bảo nguồn thức ăn trong chăn nuôi. Chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh và kiểm soát giết mổ gia súc. Tiếp tục khai thác diện tích mặt nước để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản. 
 
UBND huyện cũng đang tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhằm nâng cao chất lượng đối với các sản phẩm chủ lực trên địa bàn. Đơn cử, xây dựng vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao huyện Cát Tiên với quy mô 1.397 ha. Đặc biệt, chú trọng hướng canh tác hữu cơ và đổi mới tổ chức sản xuất. Đây mới là khâu trọng tâm trong ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
 
Để đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp huyện Cát Tiên ổn định, UBND huyện đã chỉ đạo cho ngành nông nghiệp huyện cùng các địa phương xây dựng quy hoạch gắn với việc hình thành và phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung; tăng cường công tác quản lý nhà nước về vệ sinh, an toàn thực phẩm; nâng cao nhận thức cho người sản xuất, theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP,... cũng như tăng cường xúc tiến thương mại, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ký kết hợp đồng sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản
 
UBND huyện cũng đã xác định việc kêu gọi thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên và lâu dài. Trong thời gian đến, UBND huyện tiếp tục các giải pháp kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa phương theo đúng thẩm quyền.
 
HOÀNG SA

https://baohiemxahoi.gov.vn