Trách nhiệm của đơn vị sử dụng lao động trong việc chậm báo tăng lao động

15/05/2020 02:43 PM


          Pháp luật về Lao động và Bảo hiểm xã hội (BHXH) quy định: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng, đơn vị sử dụng lao động phải nộp hồ sơ đăng ký tham gia BHXH cho cơ quan BHXH. Đồng thời, khi có sự thay đổi về thông tin đóng BHXH của người lao động, cơ quan đơn vị phải thông báo bằng văn bản và tiến hành đăng ký điều chỉnh với cơ quan BHXH, cụ thể là báo tăng lao động.

          Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều đơn vị chậm trễ trong thủ tục này. Vậy, vấn đề này được xử lý như thế nào?

         Quyết định 595/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam quy định rõ về trường hợp đơn vị đề nghị truy thu cộng nối thời gian dưới 6 tháng phải kèm Mẫu D04h-TS hoặc kết luận kiểm tra, từ 06 tháng trở lên kèm kết luận thanh tra hoặc Quyết định xử lý vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền.

        

          Ngày 27/3/2020, BHXH Việt Nam có Quyết định 505/QĐ-BHXH bổ sung: Trường hợp đơn vị đề nghị truy thu cộng nối thời gian trên 06 tháng trở lên, trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cán bộ thu lập biên bản (Mẫu D04h-TS), trình Giám đốc BHXH thực hiện thanh tra đột xuất và xử lý theo quy định.

          Đơn vị sử dụng lao động trong trường hợp này, ngoài trách nhiệm phải chuyển nộp số tiền BHXH, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp còn phải nộp số tiền lãi chậm đóng theo quy định./.

PT