Tháng 5 – Tháng của truyền thông Bảo hiểm xã hội toàn dân.

10/05/2020 09:15 AM


Đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền Bảo hiểm xã hội (BHXH) là chủ trương nhất quán cả trước mắt và lâu dài, bảo đảm nâng cao chất lượng tuyên truyền, góp phần quan trọng thực hiện thành công Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH. Quyết định 1676/QĐ-TTg ngày 21/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định tháng 5 hàng năm là “Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân”.

Đề án của Chính phủ về đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH được xây dựng nhằm từng bước cụ thể hóa Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về Cải cách chính sách BHXH. Trên cơ sở quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước là thực hiện BHXH toàn dân, Đề án của Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền chính sách BHXH đến người dân, giúp người dân hiểu rõ quyền, lợi ích của việc tham gia BHXH trên cơ sở nhận thức đúng, đầy đủ và sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, từ đó tạo sự đồng thuận, thay đổi hành vi nhằm phát triển đối tượng tham gia BHXH.

Trong các giải pháp, Chính phủ đã chỉ đạo lấy tháng 5 là Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân. Theo đó, hằng năm tổ chức tháng vận động triển khai BHXH toàn dân nhằm tạo ra một điểm nhấn mạnh mẽ trong công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, thu hút sự chú ý của mọi tầng lớp nhân dân đối với chính sách BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện; tuyên truyền, khuyến khích vận động nhân dân tham gia BHXH hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân; truyền thông, phổ biến, giáo dục, động viên và nâng cao ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc chủ động tham gia BHXH cho người lao động.

Từ thực tiễn công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT thời gian qua và đặc biệt qua việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhân ngày BHYT Việt Nam - 01/7 hàng năm, có thể thấy, việc tổ chức truyền thông theo chiến dịch sẽ tạo ra những hiệu ứng truyền thông tích cực. Thông qua các hoạt động, từ truyền thông trực quan, trực tiếp đến truyền thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng với mật độ thông tin được tăng cường trong tháng vận động triển khai BHXH toàn dân sẽ tạo sự cộng hưởng lớn, tác động mạnh đến cộng đồng; trước hết là cấp ủy chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và người lao động, nhân dân.

BHXH tỉnh Lâm Đồng tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện bằng xe loa lưu động

Bên cạnh đó, Đề án của Chính phủ xác định mục tiêu, hướng đến tất cả cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ lợi ích, vai trò, ý nghĩa và những nội dung cải cách chính sách BHXH. Hiện nay, quá trình thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW, các vấn đề xây dựng chính sách mới đang ở trong giai đoạn đầu, nhiều chủ trương, định hướng cơ bản cần phải hiện thực hóa; từ đó nội dung truyền thông sẽ được cụ thể và rõ ràng hơn.

Thời gian đến, để tháng 5 hàng năm là Tháng truyền thông BHXH, công tác truyền thông của ngành phải thực sự đi vào chiều sâu. Trước hết, cần phát huy vai trò tham mưu để cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác truyền thông BHXH nói chung và Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân nói riêng. Tập trung cho các mục tiêu trước mắt, truyền thông tới nhóm cán bộ, đảng viên, với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, từ đó lan tỏa đến người lao động. Trong bối cảnh cả nước cùng chung tay phòng, chống dịch Covid-19, cho thấy cần có sự linh hoạt trong thực thi nhiệm vụ, thay đổi phù hợp với tình hình thực tế, nhất là tăng cường hình thức tuyên truyền hiện đại dựa trên nền tảng công nghệ (Facebook, Zalo, Youtube…) với các sản phẩm truyền thông có chất lượng về nội dung, hình thức. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hình thức tuyên truyền miệng, trực tiếp không ngừng sáng tạo để có sự đa dạng trong nội dung và hình thức truyền thông./.