Đánh giá việc thực hiện chỉ tiêu BHYT toàn dân theo Nghị quyết số 53/2017/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 của HĐND tỉnh Lâm Đồng.

16/11/2018 02:52 AM


Trong 10 tháng đầu năm 2018, các địa phương đã quyết liệt trong triển khai các giải pháp nhằm hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT toàn dân theo kế hoạch được giao. Tính đến 31/10/2018, tổng số đối tượng tham gia BHYT là 1.048.352 người (Bao gồm cả thân nhân quân đội), đạt 79,85% độ bao phủ BHYT toàn dân năm 2018; so với chỉ tiêu BHYT toàn dân theo Nghị quyết số 53/2017/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 của HĐND tỉnh Lâm Đồng còn thiếu 2,75% tương đương trên 37.834 người. Dự kiến, đến hết năm 2018, có 1.063.440 người tham gia BHYT, đạt 81% tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân năm 2018, thiếu 1,6% với trên 21.000 người so với chỉ tiêu BHYT toàn dân theo Nghị quyết số 53/2017/NQ-HĐND ban hành.

Tính đến hết tháng 10/2018, một số địa phương đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu bao phủ được giao như: huyện Lâm Hà đạt 87,73% (vượt 1,13%), huyện Đơn Dương đạt 88,49% (vượt 3,49%), huyện Đam Rông đạt 100% (vượt 2%). Bên cạnh đó, có một số địa phương thực hiện phát triển đối tượng chưa đạt tiến độ và kế hoạch được giao như: %), thành phố Đà Lạt (thiếu 7,85%), thành phố Bảo Lộc (4,15%), huyện Lạc Dương (thiếu 1,44%), huyện Đức Trọng (thiếu 4,34, huyện Di Linh (thiếu 0,59%), huyện Bảo Lâm (thiếu 3,13%), huyện Đạ Huoai (thiếu 4,01%), huyện Đạ Tẻh (thiếu 2,65%), huyện Cát Tiên (thiếu 8,44%). (có bảng so sánh chỉ tiêu của tỉnh giao năm 2017 so với số liệu tham gia BHYT thực tế trên địa bàn tỉnh tính đến hết tháng 10/2017).

Tuy một số địa phương hoàn thành vượt mức chỉ tiêu bao phủ BHYT được giao, nhưng nhờ số đối tượng được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT (trong đó NSNN hỗ trợ 30%, Ngân sách địa phương hỗ trợ thêm mức đóng BHYT) do vậy, số đối tượng tăng này không thực sự bền vững khi không còn hỗ trợ.

Đối tượng HSSV tham gia BHYT chưa đạt 100% HSSV tham gia BHYT theo kế hoạch do UBND tỉnh giao tại công văn số 4639/UBND-VX3 ngày 11/8/2016 về việc triển khai Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 29/7/2016 của Ban Thường vụ tỉnh ủy. Một số địa phương có tỷ lệ HSSV tham gia BHYT thấp như: huyện Cát Tiên có tỷ lệ HSSV tham gia BHYT là 85,68%, huyện Lạc Dương là 89,77%, Tp Đà Lạt là 90,54%, huyện Đạ Tẻh là 91%, Tp Bảo lộc là 92,29%, huyện Bảo Lâm là 92,71%, huyện Di Linh là 94,9%, huyện Đức Trọng là 94,53... (có biểu tổng hợp HSSV tham gia BHYT kèm theo)

Để hoàn thành chỉ tiêu được giao đòi hỏi có sự quyết liệt hơn nữa của lãnh đạo chính quyền địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT, nhất là những địa phương có tỷ lệ thấp so với kế hoạch giao như: Tp Đà Lạt, Tp Bảo Lộc, huyện Đức Trọng, huyện Bảo Lâm,…

Việc cấp phát thẻ BHYT cho người nghèo, người sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người dân tộc thiểu số người sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn luôn kịp thời. Năm 2018, BHXH tỉnh đã in và chuyển cho cơ quan quản lý đối tượng tổng số 230.021 thẻ BHYT cho các đối tượng được ngân sách hỗ trợ 100% mức đóng, cho đối tượng cận nghèo, người thuộc hộ nông, lâm nghiệp có mức sống trung bình; việc in thẻ luôn đảm bảo đúng quy trình và thời gian. Tuy nhiên, còn một số địa phương thực hiện lập danh sách cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi, người dân tộc thiểu số sinh sống vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, người dân sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn bỏ sót đối tượng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và chỉ tiêu bao phủ BHYT của địa phương.

Như vậy, việc thực hiện chỉ tiêu BHYT toàn dân theo Nghị quyết số 53/2017/NQ-HĐND còn một số hạn chế như: Tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh vẫn thấp so với tỷ lệ bình quân chung của toàn quốc, chưa hoàn thành chỉ tiêu do Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, tỷ lệ thấp tập trung ở các nhóm đối tượng hộ gia đình và học sinh, sinh viên; phát triển đối tượng tham gia BHYT tại các địa phương chưa bền vững, phụ thuộc nhiều vào nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT hàng năm; công tác tuyên truyền tuy có nhiều đổi mới nhưng hiệu quả chưa cao; việc truyền thông chưa được liên tục; một số  cơ quan truyền thông chưa xây dựng được các tin, bài có chất lượng về BHYT, chưa làm chuyển đổi được nhận thức của các đối tượng, nhất là vùng nông thôn; chưa xây dựng được mạng lưới tuyên truyền viên sâu rộng ở các cộng đồng dân cư; một số trường chưa tích cực tuyên truyền, vận động triển khai thực hiện BHYT cho HSSV nên tỷ lệ HSSV tham gia BHYT thấp. Đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình: nhận thức về chính sách BHYT, “tính chia sẻ cộng đồng” của người dân còn nhiều hạn chế nên đa số người tham gia BHYT theo hộ gia đình đều là những người có nhu cầu về KCB hoặc đã và đang mắc bệnh mạn tính, bệnh nan y cần điều trị dài ngày, hoặc những bệnh cần phải thực hiện các dịch vụ kỹ thuật cao có chi phí lớn...(lựa chọn ngược). Vì vậy, tỷ lệ tham gia BHYT ở nhóm đối tượng này còn thấp.

Để khắc phục các hạn chế trong quá trình thực hiện, trong thời gian tới, cần: thực hiện tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND trong lãnh đạo, chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành; Cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHYT; Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về pháp luật BHXH, BHYT phù hợp với từng nhóm đối tượng; xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT, đảm bảo công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, chất lượng tốt, đạt hiệu quả cao; tăng cường công tác đối thoại trực tiếp tại các điểm dân cư để giải thích lợi ích việc tham gia BHYT theo hộ gia đình, vận động người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình.

BHXH tỉnh phối hợp với ngành Y tế phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh BHYT, nâng cao tạo sự hài lòng của người tham gia BHYT. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh BHYT; nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng thêm phòng khám, bàn khám chữa bệnh nhằm rút ngắn thời gian chờ đợi khám, chữa bệnh của người dân; cải tiến quy trình thanh toán khám chữa bệnh BHYT.

Củng cố, mở rộng hệ thống đại lý thu BHYT tại các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, tổ chức như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, hệ thống cán bộ chuyên trách cộng tác viên dân số… tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia BHYT.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận và giải chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN; nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ, viên chức ngành BHXH nhằm đáp ứng ngày các yêu cầu càng cao người dân và các ĐV SDLĐ trên địa bàn tỉnh./.

Trần Sơn