Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên – Đồng hành cùng năm học mới

14/08/2018 05:00 PM


Bảo hiểm y tế (BHYT) HSSV là một chính sách lớn của Đảng và nhà nước ta trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho HSSV; là điều kiện để hoạt động y tế học đường có hiệu quả. Đồng thời, nhằm tiến tới mục đích BHYT toàn dân và an sinh xã hội. Giúp HSSV và phụ huynh  hiểu được mức đóng, quyền lợi, trách nhiệm phải tham gia BHYT.

BHYT HSSV là sự kết hợp toàn diện từ việc giáo dục sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường học cho đến khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế khi không may bị ốm đau. Do tính chất ưu việt, cộng đồng, nhân đạo nên được toàn xã hội ủng hộ.

Trên chặng đường luật hóa quy định BHYT bắt buộc toàn dân, HSSV cũng là một trong những nhóm đối tượng “đi trước, đón đầu” khi chính thức trở thành nhóm đối tượng bắt buộc tham gia BHYT từ năm 2010 – sau 17 năm triển khai theo nhóm đối tượng tự nguyện. Đây là bước đột phá quan trọng trong thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.

BHYT HSSV là giải pháp tài chính hữu hiệu trong chăm sóc sức khỏe thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước ngay từ khi các em còn là những mầm non, giúp các em có đủ điều kiện tốt về sức khỏe để tiếp thu kiến thức về mọi mặt làm hành trang bước vào đời. Có sức khỏe, thể lực tốt, mới phát triển một cách toàn diện; có khả năng trí tuệ để tiếp thu các kiến thức về xã hội, khoa học mà các thầy cô truyền dạy từ khi ngồi trên ghế nhà trường; đủ năng lực làm chủ đất nước, gánh vác trọng trách xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tương lai.

Đối tượng, mức đóng và giá trị sử dụng thẻ BHYT

Đối tượng tham gia BHYT HSSV là HSSV đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (sau đây gọi tắt là nhà trường) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc. Đối với những HSSV đã tham gia BHYT các nhóm đối tượng khác theo quy định của Luật BHYT và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật BHYT đang theo học tại nhà trường thì xuất trình thẻ BHYT cho nhà trường để lập danh sách đã tham gia BHYT (được miễn trừ đóng BHYT theo đối tượng HSSV).

Năm học 2018 – 2019, mức đóng BHYT HSSV hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở tại thời điểm đóng BHYT do Nhà nước quy định (hiện nay là 1.390.000 đồng), trong đó ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ là 30% mức đóng, phần còn lại là 70% HSSV tự đóng. Như vậy, số tiền mua thẻ BHYT 1 tháng = 1.390.000 đồng x 4,5% = 62.550 đồng. Trong đó, NSNN hỗ trợ 30% là 18.765 đồng, HSSV tự đóng 70% là 43.785 đồng.Việc mua thẻ BHYT HSSV được thực hiện theo năm tài chính. Như vậy số tháng học sinh mua thẻ BHYT năm học 2018-2019 được tính như sau: Đối với học sinh lớp 12 hoặc sinh viên năm cuối của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp: mua thẻ BHYT có giá trị sử dụng gồm các tháng còn lại của năm 2018 cộng với 9 tháng năm 2019 (giá trị sử dụng đến ngày 30/9/2019).

Đối với HSSV còn lại (trừ đối tượng học sinh lớp 12 hoặc sinh viên năm cuối của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp): mua thẻ BHYT có giá trị sử dụng gồm các tháng còn lại của năm 2018 cộng với 12 tháng năm 2019.Ví dụ: học sinh đã mua thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày 30/9/2018 thì mua thẻ BHYT có giá trị từ ngày 01/10/2018 đến ngày 31/12/2019, mức đóng là: 62.550 đồng x 15 tháng =938.2500 đồng/người. Trong đó, NSNN hỗ trợ 30% là 281.475 đồng, HSSV tự đóng 70% là 656.775 đồng. Nếu học sinh đã mua thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày 31/12/2018 thì mua thẻ BHYT có giá trị sử dụng từ ngày 01/01/2019 đến ngày 31/12/2019, mức đóng là: 62.550 đồng x12 tháng =750.600 đồng/người. Trong đó, NSNN hỗ trợ 30% là 225.180 đồng, HSSV tự đóng 70% là 525.420 đồng.

Riêng đối với học sinh lớp 5 và lớp 9, sau khi hoàn thành cấp học có thể có một số học sinh không học tiếp lên cấp học trên, tuy nhiên số lượng không nhiều, đồng thời để thực hiện chủ trương “Bảo hiểm y tế toàn dân”, vì vậy đề nghị các nhà trường hướng dẫn, động viên học sinh tham gia số tháng mua BHYT như đã nêu trên. Trường hợp phụ huynh học sinh không đồng ý tham gia đủ 12 tháng của năm 2019 thì giải quyết để học sinh tham gia BHYT đến 30/9/2019. Còn đối với HSSV là người dân tộc thiểu số, được NSNN hỗ trợ 30% và ngân sách của tỉnh hỗ trợ 70% (HSSV không phải đóng tiền mua thẻ BHYT). Nhà trường có trách nhiệm lập riêng danh sách HSSV là người dân tộc thiểu số để cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT HSSV.

Mệnh giá thẻ BHYT có giá trị sử dụng tối thiểu là 6 tháng/1 lần mua, trừ các trường hợp liên quan đến việc giải quyết các chính sách hỗ trợ riêng của tỉnh. Giá trị sử dụng của thẻ BHYT tính từ ngày HSSV đóng tiền vào quỹ BHYT đối với trường hợp tham gia liên tục; trường hợp tham gia lần đầu hoặc tham gia không liên tục từ 3 tháng trở lên (trong năm tài chính) thì thẻ BHYT sẽ có giá trị sử dụng sau 30 ngày kể từ ngày đóng tiền mua thẻ BHYT.

Ưu đãi khi tham gia BHYT

Khi tham gia BHYT, HSSV sẽ nhận được ưu đãi như:  Được cấp thẻ BHYT; được đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ban đầu tại các cơ sở KCB tuyến huyện và tương đương trở xuống theo địa chỉ thường trú, tạm trú theo hướng dẫn của cơ quan BHXH. Riêng HSSV các trường đại học, cao đẳng, trung học nghề đóng trên địa bàn thành phố Đà Lạt có thể đăng ký KCB ban đầu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện y học cổ truyền Phạm Ngọc Thạch; HSSV các trường cao đẳng, trung học nghề trên địa bàn thành phố Bảo Lộc được đăng ký KCB ban đầu tại Bệnh viện II Lâm Đồng, Bệnh viện Y học cổ truyền Bảo Lộc.

Ngoài ra, HSSV tham gia BHYT còn được thay đổi nơi đăng ký KCB ban đầu vào đầu mỗi quý; được KCB, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ và sinh con; được KCB thông tuyến xã, Phòng khám đa khoa khu vực và Trung tâm y tế huyện trên địa bàn tỉnh không cần giấy chuyển tuyến KCB; được hưởng 100% chi phí KCB cho 1 lần KCB dưới 15% mức lương cơ sở hiện hành (208.500 đồng); 100% chi phí KCB khi đã có thời gian tham gia BHYT liên tục từ đủ 5 năm trở lên và số tiền cùng chi trả lũy kế trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở hiện hành (8.340.000 đồng).

Trường hợp HSSV đi KCB không đúng tuyến KCB BHYT và không có giấy chuyển tuyến (trừ trường hợp cấp cứu), có trình thẻ BHYT ngay khi đến KCB thì được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB trong phạm vi được hưởng theo tỷ lệ sau: tại bệnh viện tuyến trung ương: 40% chi phí điều trị nội trú; tại bệnh viện tuyến tỉnh: 60% chi phí điều trị nội trú. Trường hợp KCB tại các cơ sở KCB ngoài công lập được quỹ BHYT thanh toán theo giá do cơ sở KCB quy đĩnh nhưng không vượt quá giá của cơ sở KCB công lập cùng hạng.

PT