Tình trạng trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra.

09/07/2018 05:00 PM


 

6 tháng đầu năm 2018, bên cạnh một số đơn vị thực hiện tốt chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH),bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động, thì vẫn còn tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) của nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh.

Tính đến 30/6 tổng số các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 03 tháng trở lên là 656 đơn vị, số tiền nợ là 49,14 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều DN đang nợ với những con số khá lớn như: tại Thành phố Đà Lạt: chi nhánh Công ty TNHH Thành Bưởi với số nợ gần 2 tỷ đồng, Công ty TNHH Sản xuất Hạt giống rau Lâm Đài hơn 1 tỷ đồng, Công ty cổ phần đầu tư công nghệ tuổi trẻ gần 900 triệu đồng; tại thành phố Bảo Lộc: Công ty TNHH Tâm Châu Bảo Lộc với số nợ hơn 5 tỷ đồng; Công ty Kimono Japan với số nợ trên 4 tỷ đồng; Công ty SXKD hàng XNK Nam Phương Bảo Lộc với số nợ trên 2,7 tỷ đồng và một số công ty có số nợ lớn tại các huyện còn lại trên địa bàn như: Công ty cổ phần Cao su Bảo Lâm với số nợ gần 1,2 tỷ đồng; Công ty TNHH Tâm, Trung tâm dạy nghề tư thục Lạc Hồng, Đức Trọng với số nợ hơn 1,6 tỷ đồng…

Những con số trên cho thấy, tình trạng trốn đóng, không đóng BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn vẫn còn xảy ra, và nó là hồi chuông báo động về tình trạng “chây ì” của các doanh nghiệp “trốn” nộp BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động và phía sau tình trạng nợ đọng kéo dài của các doanh nghiệp còn là hàng trăm, ngàn người lao động mất hoặc không được hưởng đúng quyền lợi chính đáng của mình.

Vì vậy để hạn chế việc nợ đọng và các vi phạm về BHXH, thời gian qua, BHXH tỉnh đã thực hiện cùng lúc nhiều biện pháp như: Thông tin trên những phương tiện thông tin đại chúng Báo Lâm Đồng, Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Trang Thông tin điện tử của BHXH tỉnh; đồng thời lập kế hoạch theo từng tháng để đôn đốc thu hồi nợ từ 3 tháng trở lên; thực hiện đối chiếu lao động, quỹ tiền lương để phát hiện số người chưa tham gia, mức đóng tăng chưa đúng với bảng lương tại đơn vị để kịp thời đôn đốc các đơn vị sử dụng lao động đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động; thường xuyên cử cán bộ làm công tác thu đến đơn vị đối chiếu, đôn đốc thu nợ hoặc gửi văn bản đến đơn vị sử dụng lao động… 6 tháng đầu năm BHXH tỉnh cũng đã tiến hành thanh kiểm tra 112 đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT tại đơn vị, trong đó có thanh kiểm tra đột xuất 10 đơn vị để tiến hành đôn đốc nợ.

Ngoài ra, BHXH tỉnh Lâm Đồng thường xuyên phối hợp với Liên đoàn lao động cung cấp thông tin về số đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN để Liên đoàn Lao động tỉnh thực hiện khởi kiện ra tòa đối với các đơn vị vi phạm. Mặt khác, phối hợp với các ngành liên quan thực hiện kiểm tra DN có số nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN lớn và thời gian kéo dài; phối hợp với Ban quản lý các Khu công nghiệp đôn đốc nợ đối với các đơn vị  thuộc Ban quản lý các Khu Công nghiệp.

Thời gian tới, BHXH tỉnh Lâm Đồng sẽ tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành tại các đơn vị sử dụng lao động nợ đọng BHXH, BHYT; tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra, kiến nghị xử lý các đơn vị vi phạm trốn đóng, gian lận BHXH, BHYT, BHTN theo quy định của pháp luật. Các đơn vị sử dụng lao động cố tình chây ì, cơ quan BHXH đang củng cố hồ sơ chuyển sang cơ quan điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng để xử lý hình sự tội danh này theo quy định tại Điều 216 của Bộ Luật hình sự.

Điều 216 Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có hiệu lực từ năm 2018  đã  quy định “Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động”.
1. Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
b) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng năm đến 03 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người;
d) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên;
c) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều này.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.

Phương Trà