Hỗ trợ mức đóng BHYT hộ gia đình nông, lâm nghiệp có mức sống trung bình: "Lưới đỡ" an sinh xã hội

14/07/2018 05:00 PM


Từ ngày 1-1-2018, các hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình tại tỉnh Lâm Đồng được hỗ trợ 70% mức đóng mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%, ngân sách tỉnh hỗ trợ 40% theo Nghị quyết số 65/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Chủ trương này đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình của đông đảo người dân tại các địa phương, nhiều người chưa tham gia BHYT đã chủ động mua thẻ BHYT cho hộ gia đình.

Theo số liệu thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng, tính đến hết tháng 5/2018, trong toàn tỉnh hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình tham gia BHYT là 22.109 người. Với mức hỗ trợ như hiện nay thì đối với những hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình chưa tham gia BHYT thì khi tham gia BHYT tính từ thời điểm tháng 7 (có hạn thẻ từ ngày 1-8 đến ngày 31/12/2018), tương đương 5 tháng mỗi người dân sẽ đóng 93.825 đồng. Đây thật sự là một chính sách hỗ trợ đầy tính nhân đạo của Nhà nước và đặc biệt của tỉnh Lâm Đồng trong việc thực hiện bảo vệ sức khỏe của người dân tại địa phương.

Bà Nguyễn Thị Phương (Đức Trọng) cho hay, bà được địa phương xác nhận là hộ gia đình nông nghiệp có mức sống trung bình, được hỗ trợ 70% mức đóng mua thẻ bảo hiểm nên bà mừng lắm! “Được hỗ trợ 70% mức đóng bảo hiểm, nghĩa là được hỗ trợ 2/3 số tiền phải đóng rồi nên tôi vui lắm! Vậy nên, kiểu gì thì cũng cố mà mua lấy chiếc thẻ BHYT cho mình, phòng những khi ốm đau, bệnh tật phải nằm bệnh viện”- bà Phương nói. Còn ông Nguyễn Văn Danh (Đơn Dương) cũng cho hay, sau khi được hỗ trợ mua BHYT được vài tháng thì ông bất ngờ bị đổ bệnh. Tưởng là bệnh cảm, ho bình thường, ai dè đi khám, bác sĩ kết luận là bướu giáp đa nhân cần phải mổ. Vậy là ông nhập viện, được bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ khối u nơi cổ. “Vì nằm viện đúng tuyến nên tôi được hỗ trợ 80% chi phí phẫu thuật, chỉ phải đóng 20%. Nói thật là nếu không được hỗ trợ mua bảo hiểm, tôi đã không có quyết tâm để mua cho mình một chiếc thẻ bảo hiểm phòng thân, rồi đến những lúc ốm đau, nằm viện như này lại tự trách mình. Vì vậy, tôi nghĩ, dù có nằm trong diện được hỗ trợ mua thẻ BHYT hay không thì mỗi người dân cũng nên mua cho mình một chiếc thẻ BHYT, vì cuộc sống mà, chẳng ai nói trước được điều gì, có thẻ bảo hiểm trong tay, chẳng may ốm đau bệnh tật cũng đỡ lo”- bác Danh chia sẻ.

Như vậy, việc tham gia BHYT đã mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho người dân trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, nhất là khi người dân chẳng may bị ốm đau, bệnh tật, tai nạn, rủi ro càng thấy rõ hơn khi ngày 11/10/2017 Bộ Y tế ban hành Công văn số 5770/BYT-KH-TC về việc triển khai Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017 quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (KCB) không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT. Mức giá viện phí của hơn 1.900 dịch vụ y tế được quy định tại này bao gồm: giá tối đa dịch vụ khám bệnh, dịch vụ ngày giường bệnh và các dịch vụ kỹ thuật (DVKT), xét nghiệm áp dụng cho các hạng bệnh viện. Đối tượng áp dụng là các cơ sở KCB của Nhà nước; người bệnh chưa tham gia BHYT; người bệnh có thẻ BHYT nhưng sử dụng các dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Việc triển khai thực hiện giá viện phí theo Thông tư số 02/2017/TT-BYT tại tỉnh Lâm Đồng được áp dụng với nhiều dịch vụ y tế có giá cao gấp từ 2 đến 7 lần so với giá đang thực hiện. Thiết nghĩ, với mức giá điều chỉnh hiện tại thì điều dễ dàng nhận thấy là nếu bản thân một cá nhân không may khi bị đau ốm, phải tới bệnh viện khám chữa bệnh mà không có thẻ BHYT chi trả thì chi phí phải bỏ ra cho những đợt điều trị này là khá lớn. Đây cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng để người dân trong tỉnh nên mua thẻ BHYT, nhất là hộ gia đình nông lâm nghiệp trên địa bàn khi mà chi phí mua thẻ BHYT đã được giảm trừ khá cao.

Hiện nay hộ gia đình được xác định là hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình năm 2018 đã được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thẩm định, xác nhận, tổng hợp và cập nhật danh sách theo quy định 02 lần/năm trước ngày 15/6 và ngày 15/12 tại Thông tư số 02/2016/TT-BLĐTBXH. Danh sách các hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình năm 2018 đã được các địa phương xác nhận và thông báo cho người dân được biết.

Như vậy những hộ gia đình còn lại không thuộc diện hộ gia đình nông lâm nghiệp có mức sống trung bình và không nhận được sự hỗ trợ khi mua thẻ BHYT thì nên chủ động mua thẻ BHYT để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình mình.

PT