Tình hình phát triển đối tượng tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng 6 tháng đầu năm 2015

05/08/2015 02:40 AM


Tính đến ngày 30/06/2015, tổng số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là 778.946 người (có bảng chi tiết kèm theo), tăng so với đầu năm là 52.819 người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 61,1% (dân số bình quân năm 2015 dự kiến là 1.275.115 người); thấp hơn 15.375 người so với năm 2014 (đầu năm 2015 có 726.127 người tham gia BHYT, giảm so với cuối năm 2014 là 68.234 người).

Hiện nay có 77.570 người lao động tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 100%; so với năm 2014, tăng 1.060 lao động, trong đó:

- Khối Doanh nghiệp, Hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, hộ SXKD cá thể: có 36.761 người lao động tham gia BHYT, tăng 1.086 người so với năm 2014.

- Khối hành chính sự nghiệp; Đảng đoàn thể; xã, phường, thị trấn: có 40.809 người tham gia BHYT, giảm 26 người so với năm 2014.

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và Doanh nghiệp ngoài quốc doanh ở Lâm Đồng chủ yếu là sản xuất nông nghiệp có qui mô sản xuất nhỏ, sử dụng ít lao động, thường thuê mướn lao động công nhật, thời vụ hoặc người lao động trong gia đình không ký hợp đồng lao động. Tình hình kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; một số doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất hoặc hoạt động cầm chừng hoặc phải ngừng hoạt động, giải thể, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mặt khác, tại Lâm Đồng, các doanh nghiệp thành lập mới thường là các doanh nghiệp mang tính chất gia đình, khu công nghiệp của tỉnh không có nhà đầu tư tham gia, không có các nguồn khai thác lao động tham gia BHXH, BHYT bắt buộc.

Mặt khác, Lâm Đồng là tỉnh Tây Nguyên có vị trí xa với các trung tâm kinh tế, chính trị của đất nước nên việc thu hút đầu tư từ bên ngoài vào tỉnh rất khó khăn. Chính vì vậy không có nguồn để phát triển tăng đối tượng tham gia BHXH, BHTN, BHYT bắt buộc.

Tính đến 30/06/2015, có 701.376 đối tượng, so với năm 2014 giảm 16.008 đối tượng. Trong đó: đối tượng được Ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng BHYT giảm do số đơn vị hành chính thuộc vùng kinh tế khó khăn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng theo quy định tại Quyết định 1049/QĐ-TTg ngày 26/06/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn; số đối tượng này không tham gia BHYT theo Hộ gia đình;

Hiện nay, đối tượng người nghèo được cấp thẻ BHYT là 220.285 người, giảm so với năm 2014 là 17.810 người; đối tượng cận nghèo là 27.873 người, giảm so với năm 2014 là 4.347 người. Đa số những người nghèo và cận nghèo sau khi thoát nghèo đều không tiếp tục tham tham gia BHYT (nếu không có chính sách hỗ trợ của Nhà nước) vì điều kiện kinh tế vẫn chưa ổn định, khó có khả năng bỏ một số tiền lớn để mua thẻ BHYT Hộ gia đình; đối tượng học sinh, sinh viên (HSSV) có 263.891 HSSV đang theo học (bao gồm học sinh các trường học từ cấp 1 đến cấp 3; sinh viên các trường cao đẳng và đại học), số HSSV có thẻ BHYT là 223.090 em đạt tỷ lệ 84,54%, trong đó: số HSSV có thẻ BHYT HSSV là 159.219 em, số HSSV có thẻ BHYT thuộc các nhóm đối tượng khác là 63.871 em; số HSSV chưa tham gia là 40.801 em bằng 15,46%. HSSV là đối tượng bắt buộc nhưng do mức đóng cao so với mức sống của nhân dân địa phương nên cần có chính sách hỗ trợ đối với nhóm đối tượng này, nhất là, đối với gia đình có đông con đang theo học.

Riêng đối tượng tham gia BHYT Hộ gia đình tính đến tháng 06 năm 2015 là 81.841 người so với năm 2014 giảm 3.455 người. Những tháng đầu năm, số đối tượng tham gia BHYT Hộ gia đình giảm là do: theo quy định của Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 14/11/2014 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính quy định toàn bộ những người có tên trong sổ hộ khẩu (trừ những người đã có thẻ BHYT thuộc các đối tượng khác) phải tham gia BHYT Hộ gia đình, do vậy phát sinh các thủ tục ảnh hưởng đến việc tham gia BHYT Hộ gia đình của người dân; mặt khác, từ năm 2014 trở về trước, một số người dân chỉ mua thẻ BHYT cho người bị bệnh, những thành viên khác trong gia đình không tham gia. Nay, theo quy định mới, toàn bộ những người có tên trong sổ hộ khẩu phải tham gia BHYT Hộ gia đình nên người dân nắm được quy định mới, do vậy số người tham gia BHYT thời gian qua bị giảm.

Để thực hiện đạt tỷ lệ dân số tham gia BHYT năm 2015 là 70% đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của các Sở, Ban, ngành, Đoàn thể, các cấp chính quyền nhất là tại địa phương. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc tổ chức hội nghị tuyên truyền, bàn giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHYT, trong đó xác định 2 nhóm đối tượng chính để thực hiện phát triển đối tượng là nhóm đối tượng HSSV và nhóm hộ gia đình. Hội nghị do UBND huyện, thành phố chủ trì, BHXH các huyện, thành phố là cơ quan tham mưu và phụ trách phần kinh phí.

Ngoài ra, đề nghị UBND tỉnh xem xét bố trí Ngân sách hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo mới thoát nghèo, thời gian hỗ trợ 05 năm sau khi thoát nghèo. Trường hợp người thuộc hộ cận nghèo đã thoát nghèo trước ngày 01 tháng 01 năm 2015 nhưng thời gian thoát nghèo tính đến ngày 01 tháng 01 năm 2015 chưa đủ 05 năm thì thời gian còn lại được hỗ trợ thấp nhất là 01 năm (theo điểm a, Khoản 1, Điều 3 của Nghị định 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ).

Đề nghị HĐND, UBND tỉnh xem xét nâng mức bố trí ngân sách tỉnh hỗ trợ thêm cho HSSV lên 50% mức đóng BHYT, nhất là gia đình đông con đang theo học (theo Khoản 4, Điều 3 của Nghị định 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014  của Chính phủ Điểm c, Khoản 3, Mục II, Điều 1 của Quyết định 538/QĐ-TTg ngày 29 tháng 03 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ ); có văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở dạy nghề lập danh sách tham gia BHYT của các đối tượng do ngành Giáo dục và Đào tạo, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý trên địa bàn tỉnh gửi cơ quan Bảo hiểm xã hội chậm nhất là ngày 31 tháng 10 hằng m (theo Khoản 3, Điều 4 của Thông tư 41/2014/TTLT-BYT-BTC).

Trần Sơn