Thực trạng tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn tỉnh

23/04/2014 02:02 AM


Trong các năm 2011, 2012 và 2013 tình hình an ninh, kinh tế - chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh ổn định, phát triển và được giữ vững. Mặt khác, BHXH tỉnh thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của BHXH Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND, Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Lâm Đồng; sự phối hợp tạo điều kiện của các cơ quan có liên quan và sự phối hợp thực hiện luật BHXH, Luật BHYT của các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh.

 

Bên cạnh đó, BHXH tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức triển khai thực hiện các chế độ chính sách BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả tốt; nhận thức về pháp luật BHXH, BHYT, BHTN của người sử dụng lao động và người lao động được nâng lên; hàng năm số người tham gia và số tiền thu BHXH, BHYT, BHTN năm sau cao hơn năm trước và đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Các cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan BHXH tăng cường kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN tại các doanh nghiệp, đồng thời đẩy mạnh khởi kiện ra tòa các đơn vị vi phạm chính sách BHXH, BHYT.

Tuy nhiên, do kinh tế thế giới suy thoái đã tác động đến tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam nói chung và của Lâm Đồng nói riêng nên tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, một số doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất hoặc hoạt động cầm chừng hoặc phải ngừng hoạt động, giải thể, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do vậy, tình trạng nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động tại các doanh nghiệp vẫn còn nhiều và có xu hướng gia tăng, nhất là đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh bao gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài quốc doanh, hợp tác xã, hội nghề, hộ cá thể) dẫn đến quyền lợi của một số người lao động chưa được đảm bảo.

Trên thực tế tại một số doanh nghiệp, người sử dụng lao động tuy tham gia BHXH cho người lao động nhưng không phải tham gia cho tất cả mà chỉ tham gia cho một bộ phận, số lao động còn lại không được tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Bên cạnh đó, ý thức tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT của người sử dụng lao động chưa cao; thậm chí có doanh nghiệp cố tình né tránh, chiếm dụng tiền BHXH, BHYT, BHTN; một thực tế nữa là lãi phạt chậm nộp tiền BHXH thấp hơn so với lãi vay ngân hàng nên không ít doanh nghiệp dây dưa, không chịu đóng đúng theo quy định. Một số doanh nghiệp sử dụng lao động hợp đồng thời vụ, công nhật hoặc hợp đồng dưới 3 tháng để không phải tham gia BHXH, BH thất nghiệp; đa số người lao động trong khu vực kinh tế tư nhân đều được chủ sử dụng lao động đóng BHXH theo mức lương hợp đồng thấp hơn mức thu nhập thực tế của người lao động (tuy có cao hơn mức tiền lương tối thiểu vùng).

Trong quá trình giải quyết chính sách BHXH cho người lao động, BHXH tỉnh nhận thấy có một số đơn vị trục lợi hoặc lạm dụng quỹ ốm đau, thai sản tại các đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) thực hiện theo hình thức khoán sản phẩm, không chấm công người lao động thực tế đi làm dẫn đến khó theo dõi ngày thực nghỉ ốm của người lao động (dẫn tình trạng lạm dụng quỹ ốm đau, thai sản). Hoặc một số đơn vị gặp khó khăn trong sản xuất, người lao động chủ động đi khám bệnh để xin giấy nghỉ hưởng BHXH để hưởng chế độ ốm đau, thai sản. (Một số đơn vị ngành dâu tằm, chè ở Bảo Lộc, Di Linh, Công ty TNHH chế biến điều xuất khẩu Lâm Đồng Đạ Huoai…).

Trần Sơn