Những thách thức trong việc thực hiện luật BHXH, BHYT tại Lâm Đồng.

24/03/2014 08:56 AM


Thời gian vừa qua, kinh tế thế giới suy thoái đã tác động đến tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam nói chung và của Lâm Đồng nói riêng nên tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, một số doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất hoặc hoạt động cầm chừng hoặc phải ngừng hoạt động, giải thể, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do vậy, tình trạng nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động tại các doanh nghiệp vẫn còn nhiều và có xu hướng gia tăng, nhất là đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (bao gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài quốc doanh, hợp tác xã, hội nghề, hộ cá thể) dẫn đến quyền lợi của một số người lao động chưa được đảm bảo.

Trên thực tế tại một số doanh nghiệp, người sử dụng lao động tuy tham gia BHXH cho người lao động nhưng không phải tham gia cho tất cả mà chỉ tham gia cho một bộ phận, số lao động còn lại không được tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Bên cạnh đó, ý thức tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT của người sử dụng lao động chưa cao; thậm chí có doanh nghiệp cố tình né tránh, chiếm dụng tiền BHXH, BHYT, BHTN; một thực tế nữa là lãi phạt chậm nộp tiền BHXH thấp hơn so với lãi vay ngân hàng nên không ít doanh nghiệp dây dưa, không chịu đóng đúng theo quy định. Một số doanh nghiệp sử dụng lao động hợp đồng thời vụ, công nhật hoặc hợp đồng dưới 3 tháng để không phải tham gia BHXH, BH thất nghiệp; đa số người lao động trong khu vực kinh tế tư nhân đều được chủ sử dụng lao động đóng BHXH theo mức lương hợp đồng thấp hơn mức thu nhập thực tế của người lao động (tuy có cao hơn mức tiền lương tối thiểu vùng).

Trong quá trình giải quyết chính sách BHXH cho người lao động, BHXH tỉnh nhận thấy có một số đơn vị trục lợi hoặc lạm dụng quỹ ốm đau, thai sản tại các đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) thực hiện theo hình thức khoán sản phẩm, không chấm công người lao động thực tế đi làm dẫn đến khó theo dõi ngày thực nghỉ ốm của người lao động (dẫn tình trạng lạm dụng quỹ ốm đau, thai sản). Hoặc một số đơn vị gặp khó khăn trong sản xuất, người lao động chủ động đi khám bệnh để xin giấy nghỉ hưởng BHXH để hưởng chế độ ốm đau, thai sản.

Số doanh nghiệp ngoài quốc doanh ngày càng tăng cả về số lượng và quy mô do Chính phủ đẩy mạnh việc cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, thêm vào đó chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư của tỉnh nhà cùng với nỗ lực của các nhà đầu tư đã tạo thêm nhiều việc làm và số thu cho ngân sách cũng như cho Quỹ BHXH, BHYT, BHTN. Tuy nhiên, do tác động suy thoái kinh tế thế giới và sự cạnh tranh gay gắt trên thương trường nên số doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, thua lỗ hoặc phải thu nhỏ sản xuất dẫn đến tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN cũng tăng lên.

Tình hình nợ đọng của một số doanh nghiệp kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người lao động. Một số đơn vị SDLĐ có nợ đọng kéo dài đã khởi kiện nhưng đơn vị vẫn cố tình không thực hiện nộp cho người lao động (Bá Thiên, Kimono Japan,…) một số đơn vị hiện đang ngừng hoạt động không còn liên hệ giao dịch với cơ quan BHXH nên không lập để khởi kiện được. Một số tòa án chưa thụ lý hồ sơ khởi kiện của cơ quan BHXH; thủ tục khởi kiện chưa được đơn giản, chưa thống nhất được quyền khởi kiện giữa BHXH cấp huyện và tòa án huyện, không có biện pháp chế tài hữu hiệu… Năm 2013, có 1.082 doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN với số tiền 23.777 triệu đồng. Trong đó: nợ dưới 3 tháng là 601 doanh nghiệp với 7.684 triệu đồng, nợ từ 3 tháng đến dưới 6 tháng là 174 doanh nghiệp với 2.859 triệu đồng, nợ trên 6 tháng là 136 doanh nghiệp với 4.494 triệu đồng, có 171 doanh nghiệp ngừng tham gia BHXH với số nợ 8.740 triệu đồng.

Trước thực trạng đó, BHXH tỉnh đang triển khai nhiều biện pháp để giảm thiểu số nợ BHXH, BHYT, BHTN nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Tuy nhiên để giải quyết một cách căn cơ, cần phải có sự tham gia nhiều cơ quan, ban ngành, sự phối hợp đồng bộ  với quyết tâm cao và nhất là được sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Cấp ủy và chính quyền địa phương nơi  doanh nghiệp đang hoạt động. Có  như vậy, việc thực thi pháp luật BHXH, BHYT mới được thực thi một cách nghiêm túc.

Trần Sơn

  • TIN BÀI LIÊN QUAN