Công bố một nghiên cứu an sinh xã hội về lao động nữ di cư

16/01/2013 09:42 AM


(NLĐO) -Trong làn sóng nhập cư vào ở các đô thị lớn, lao động nữ là đối tượng góp phần không nhỏ vào nền kinh tế nơi đến. Để tìm hiểu sâu hơn các nguyên nhân, lý do thúc đẩy lao động nữ di cư, Tổ chức ActionAid VN vừa công bố một nghiên cứu an sinh xã hội về đối tượng này.


Cuộc khảo sát tiến hành với 345 lao động nữ di cư tại Hải Phòng, Quảng Ninh và TPHCM. Trong đó, có 203 nữ công nhân và 142 người là nữ di cư tự do, độ tuổi từ 20-44 chiếm hơn 85%.

Lực đẩy

Gia đình Việt vốn có cơ cấu chặt chẽ với vai trò quan trọng của người phụ nữ. Vì vậy, các yếu tố “lực đẩy” tác động tới quyết định di cư của phụ nữ phải rất đặc biệt: Yếu tố liên quan tới thị trường lao động nơi xuất cư, từ gia đình... Tình trạng việc làm không đủ khiến lao động có xu hướng chuyển dịch từ lao động nông nghiệp, sản phẩm truyền thống sang khu vực sản xuất công nghiệp hóa và dịch vụ. Dựa trên những số liệu đánh giá riêng, khảo sát đã chỉ ra sự sụt giảm về nguồn việc làm từ nông nghiệp rất nhanh: Năm 2008, tỉ lệ việc làm từ nông nghiệp chiếm 58%, so với đầu thập kỷ 1990 là 80%. Bên cạnh đó, lực đẩy từ hoàn cảnh gia đình thể hiện ở điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, ngoài ra còn do gia đình đông người nhưng thiếu khả năng lao động, gia đình có người tàn tật. Khảo sát còn chỉ ra các lực đẩy phụ tác động không nhỏ tới người phụ nữ là: Điều kiện tự nhiên không thuận lợi, cơ sở hạ tầng địa phương kém phát triển.

Lực hút

Với nhiều nữ di cư, yếu tố dễ tìm việc nơi đến, thu nhập cao, sự giới thiệu của bạn bè hoặc họ hàng là những lực hút tiềm tàng. Cơ hội việc làm là nguyên nhân phổ biến nhất “kéo” nữ lao động khỏi nông thôn. Qua chia sẻ của họ, các yếu tố “có nhiều việc làm ở những khu công nghiệp” hoặc “công việc chỉ yêu cầu lao động phổ thông” là được quan tâm nhiều nhất. Công việc thời vụ cũng khiến nhiều nữ lao động tìm đến các đô thị lớn. Sự chênh lệch về thu nhập là điều quan trọng, có đến 80% người được hỏi cho rằng thu nhập tại điểm đến cao hơn điểm xuất cư. Khảo sát đưa ra nhận định: Thu nhập phổ biến của lao động nữ nhập cư từ 2 - 2,5 triệu đồng/tháng- là mức thu nhập cao hơn đáng kể so với thu nhập nơi nông thôn. Khảo sát cho thấy hơn 75% nữ di cư có bạn bè, người thân nơi điểm đến. Đây là phát hiện có tính quan trọng, gợi ý rằng mối quan hệ là yếu tố quan trọng trong quyết định ra đi của người phụ nữ. Kết quả này cho thấy, trong điều kiện kinh tế khó khăn, thông tin việc làm hạn chế, hệ thống bảo trợ xã hội gần như “bỏ qua” thì việc dựa vào họ hàng, người thân và bạn bè là sự lựa chọn ưu tiên nhất của người di cư nữ.