Bức xúc an sinh vùng mưa lũ

19/06/2013 07:01 AM


Nhiều ngày qua, mưa to kéo dài trên diện rộng tại ĐBSCL làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và sản xuất của người dân. Dự báo của ngành chức năng, mùa lũ 2013 tại ĐBSCL nhiều khả năng sẽ lớn, đỉnh lũ đạt mức từ 4 - 4,5m. Mối nguy hiểm đang cận kề khi hàng ngàn hộ dân vùng sạt lở đầu nguồn lũ chưa đươc di dời đến nơi an toàn…


Người dân ĐBSCL gia cố đê bao chống lũ.

Thiếu nhiều cụm tuyến dân cư

Các địa phương ở ĐBSCL đang gấp rút hoàn thiện các cụm tuyến dân cư vượt lũ để bố trí dân vùng nguy hiểm vào nơi an toàn; đặc biệt là những điểm nóng sạt lở và ngập lũ sâu. Đến nay, UBND huyện Phong Điền (Cần Thơ) đã di dời 142/148 hộ dân tại khu vực sạt lở 300m bờ kè trung tâm huyện Phong Điền đến nơi ở mới an toàn. 6 hộ còn lại đang gấp rút xây dựng nhà xong để bố trí vào cuối tháng này. Các hộ dân được ghi nợ 5 năm không phải đóng tiền nền tái định cư, sau đó nếu hộ nào còn khó sẽ được ghi nợ thêm 5 năm nữa. Riêng 12 hộ dân trong vụ sạt lở nguy hiểm trong phạm vi lộ vòng cung cặp sông Cần Thơ sẽ được bố trí ở tạm để chờ vào khu tái định cư.

“Tuy nhiên chúng tôi lo lắng cho sự an toàn của hơn 200 hộ dân đang sống trong vùng sạt lở nguy hiểm ven sông Cần Thơ trên địa bàn huyện trong mùa mưa lũ năm nay. Hiện tại địa phương không có kinh phí để xây dựng các khu tái định cư và hỗ trợ di dời. Vấn đề này, chúng tôi đã có báo cáo, đề nghị lên UBND TP Cần Thơ xin hỗ trợ” - ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, lo lắng.

Trong khi đó, chương trình cụm xây dựng 42 cụm tuyến dân cư vượt lũ (giai đoạn 2) của tỉnh An Giang đang vào thời điểm cấp bách để sớm đưa dân vào ở trước khi mùa lũ 2013 kéo về. Cái khó lớn nhất của địa phương hiện nay là không có nơi bố trí gần 6.000 hộ dân vùng nguy hiểm phát sinh sau mùa lũ 2011 nằm ngoài chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư giai đoạn 2. Để đảm bảo an toàn cho số hộ này, An Giang đã kiến nghị Trung ương sớm hỗ trợ 530 tỷ đồng để xây dựng thêm 19 cụm tuyến dân cư.

Cùng cảnh khó trên, ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Trước nhu cầu cấp bách phải đảm bảo an toàn cho dân vùng sạt lở nguy hiểm, tỉnh đã quyết định tạm ứng ngân sách để xây dựng cụm tuyến dân cư tại các xã cù lao huyện Thanh Bình để đưa 600 hộ dân vào ở ngay trước mùa lũ. Mối lo lớn nhất trong mùa lũ năm nay của tỉnh là còn 4.000 hộ dân đang sinh sống trong vành đai sạt lở; trong số này có 2.000 hộ ở khu vực nguy hiểm cần sớm di dời, nhưng địa phương không có khả năng, rất cần được sự hỗ trợ từ trung ương”.

Đảm bảo an toàn cho dân

Cùng với việc khẩn trương hoàn thành và gia cố hệ thống đê bao, bảo vệ an toàn cho các vùng sản xuất lúa, cây ăn trái đặc sản, ao nuôi tôm cá nước ngọt… thì các địa phương ở ĐBSCL, nhất là vùng đầu nguồn đang gấp rút triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân, hạn chế tối đa tình trạng chết do lũ gây ra.

Ông Nguyễn Văn Buông, Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) cho biết, bình quân mỗi xã trong huyện thành lập 2 - 3 đội cứu hộ cứu nạn, túc trực 24/24 giờ tại các khu vực nguy hiểm như nơi sạt lở, ngã ba, ngã tư ở các tuyến sông.

Theo Ban chỉ huy PCLB 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp, mùa lũ năm nay, 2 địa phương này sẽ tiếp tục duy trì hoạt động của gần 500 điểm giữ trẻ tập trung (từ 20- 40 trẻ/điểm); tập trung chủ yếu ở các huyện đầu nguồn như: An Phú, Châu Phú, Tịnh Biên, thị xã Tân Châu, thị xã Châu Đốc (An Giang); huyện Thanh Bình, Tháp Mười, Tân Hồng, Hồng Ngự (Đồng Tháp)… Các điểm giữ trẻ được trang bị đầy đủ áo phao, phao cứu sinh, tủ thuốc trị bệnh, chiếu, mền, đồ chơi trẻ em... do 2- 3 cô nuôi dạy trẻ phụ trách trong suốt 3 tháng mùa lũ. Đồng thời, thành lập 750 chốt cứu hộ, cứu nạn với khoảng 4.000 thanh niên tham gia, được trang bị đầy đủ phương tiện cứu hộ cứu nạn, có mặt kịp thời khi xảy ra sự cố chìm tàu, thuyền… khi lưu thông qua các khu vực nguy hiểm. Đặc biệt, lực lượng đoàn đoàn viên thành niên của các xã vùng lũ đang chuẩn bị các phương tiện để tổ chức đưa đón học sinh trong mùa lũ.

Theo Ban chỉ huy PCLB tỉnh Tiền Giang, cùng với bảo vệ an toàn cho khoảng 50.000ha vườn cây ăn trái trong mùa lũ, thì tỉnh đã lên các phương an bảo vệ cho hàng chục ngàn cư dân ven biển Gò Công. Tiền Giang lường trước các phương án xảy ra bão lớn, giông gió mạnh… có thể xảy ra trong suốt mùa mưa bão và sẵn sàng kế hoạch di dời. Mục tiêu quan trọng hàng đầu là giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và của có thể xảy ra.

Theo Báo SGGP