Già hóa dân số: Chỉ vài năm nữa thôi
05/03/2013 08:40 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Việt Nam đang trải qua thời kỳ “dân số vàng”- tức cứ 2 người lao động sẽ có 1 người phụ thuộc - và đang tiến đến gần ngưỡng bắt đầu của quá trình già hóa dân số.
Dân số già sẽ tạo sức ép tới tăng trưởng kinh tế
Ở TPHCM, dễ dàng bắt gặp những hình ảnh trẻ trung như các chàng trai, cô gái cầm Iphone, Ipad vào rạp chiếu phim hằng đêm. Báo cáo nghiên cứu thị trường của các hãng tư vấn cũng thường nêu bật ưu thế của nền kinh tế Việt Nam hiện tại là dân số trẻ. Tuy vậy, đằng sau đó là một thực tế có thể khiến chúng ta giật mình: Việt Nam đang trải qua thời kỳ “dân số vàng”- tức cứ 2 người lao động sẽ có 1 người phụ thuộc - và đang tiến đến gần ngưỡng bắt đầu của quá trình già hóa dân số.
Sắp chạm ngưỡng già hóa
Theo một báo cáo vào tháng 12/2012 của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc, Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số. Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy số lượng người già trên tổng dân số đã tăng lên nhanh chóng và đạt mức 9,4% vào năm 2010, tức đã gần ngưỡng 10% để chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Nếu tỉ lệ này đạt đến ngưỡng 20% thì Việt Nam chính thức trở thành quốc gia có dân số già.
Theo Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc, thời gian để Việt Nam chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già sẽ chỉ là 20 năm, ngắn hơn nhiều so với Thái Lan (22 năm), Nhật (26 năm) hay Thụy Điển (85 năm). Hiện tượng này nhờ vào tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam ngày càng cải thiện trong khi tỉ lệ sinh và tử đều giảm.
“Dân số Việt Nam vẫn trẻ nhưng tỉ lệ sinh đang giảm. Trong vài thập kỷ tới, Việt Nam sẽ có một cấu trúc dân số rất thuận lợi. Nhưng, một khi lực lượng lao động hiện tại bắt đầu nghỉ hưu thì số trẻ em trưởng thành ngày càng ít hơn sẽ không tạo ra một lực lượng hỗ trợ đủ lớn cho người cao tuổi”, Tiến sĩ Jonathan Pincus, Giám đốc Đào tạo của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, chia sẻ với NCĐT.
Điều này cho thấy, dù Việt Nam đang ở thời kỳ vàng của dân số nhưng nếu không khai khác nguồn lực này có hiệu quả, không tạo ra nguồn tiết kiệm đủ lớn để chuẩn bị cho tương lai về hưu của lực lượng lao động hiện nay thì hậu quả đối với xã hội sẽ rất lớn. Trên thực tế, viễn cảnh này dường như ngày càng thể hiện rõ khi nền kinh tế đang tăng trưởng dưới mức tiềm năng, với năng suất lao động Việt Nam thuộc dạng thấp nhất khu vực cùng một sự lãng phí vô cùng đáng kể của nguồn lực đầu tư như vốn. “Nếu lực lượng lao động hiện tại không tiết kiệm đủ cho việc nghỉ hưu sau này, họ sẽ là gánh nặng cho con cháu trong tương lai”, ông Pincus nói.
Nhìn Nhật và Trung Quốc mà lo
Đối với tăng trưởng kinh tế, già hóa dân số nhiều khả năng sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng vì người già sẽ ít lao động sản xuất. Không chỉ riêng Việt Nam, già hóa dân số cũng là thách thức lớn đối với các quốc gia châu Á như Nhật và đặc biệt là Trung Quốc trong thời gian tới. Theo phân tích của New York Times, trong 40 năm tới Trung Quốc sẽ có tới 500 triệu người già và chiếm 1/3 dân số nước này. Điều này sẽ tạo nên một áp lực rất lớn đối với Trung Quốc trong chính sách an sinh cho người cao tuổi. Đối với Nhật, dân số quá già được xem là một trong những yếu tố giải thích cho tăng trưởng kinh tế ì ạch cũng như vấn đề giảm phát. Do đó, vấn đề già hóa dân số sẽ là thách thức không nhỏ đối với các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Việt Nam khi phải xây dựng hệ thống an sinh xã hội tốn kém, đồng thời phải đảm bảo được khả năng tăng trưởng của nền kinh tế.
Việt Nam đã có quỹ lương hưu cho người làm việc trong các khu vực chính thức. Tuy nhiên, lực lượng này vẫn chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong toàn bộ lực lượng lao động. “Các chính sách cần hướng tới việc gia tăng quy mô của khu vực lao động chính thức để có nhiều hơn lao động tham gia vào quỹ hưu trí. Ngoài ra, Chính phủ nên khuyến khích người lao động tiết kiệm nhiều hơn bằng các công cụ như thuế chẳng hạn. Chính phủ nên dự trữ một phần thu nhập từ việc bán các tài nguyên thiên nhiên để tài trợ một phần cho quỹ lương hưu”, ông Pincus đề nghị. Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều thách thức trong việc xây dựng các khoản tiết kiệm cho tương lai. Ngân sách Nhà nước nhiều năm qua luôn trong tình trạng thâm hụt. Tăng trưởng kinh tế thấp trong thời gian qua cùng với tỉ lệ thất nghiệp có dấu hiệu tăng nhanh cũng có thể ảnh hưởng đến quỹ lương hưu của Việt Nam. Mới đây đã xuất hiện cảnh báo về việc quỹ bảo hiểm xã hội có nguy cơ vỡ vì thu - chi mất cân đối.
Theo DTO
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT