Định hướng công tác an sinh xã hội đến năm 2020

23/02/2013 04:10 AM


Hệ thống an sinh xã hội (ASXH) là một bộ phận trong mô hình phát triển xã hội để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Hoạt động của hệ thống ASXH là nơi thể hiện rõ nhất tính “định hướng xã hội chủ nghĩa” của nền kinh tế thị trường, trong đó, con người luôn có được, bao gồm cả cảm nhận được, một cuộc sống yên ổn và an toàn, có khả năng phòng ngừa những cú sốc và có những “chiếc phao cứu sinh” khi gặp phải những biến cố, rủi ro bất thường.


Từ nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách ASXH, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, ổn định chính trị - xã hội. Diện thụ hưởng chính sách ngày càng mở rộng, mức hỗ trợ được nâng lên. Nguồn lực đầu tư phát triển các lĩnh vực xã hội ngày càng lớn. Nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhất là trong giảm nghèo, tạo việc làm, giáo dục và đào tạo, y tế, trợ giúp người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đời sống vật chất và tinh thần của người người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện và đã được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Tuy nhiên, trên thực tế, hệ thống chính sách ASXH của nước ta hiện còn phân tán, chồng chéo, hiệu quả chưa cao, tạo việc làm và giảm nghèo chưa bền vững, tỉ lệ hộ cận nghèo, tái nghèo còn cao; mức trợ cấp xã hội còn thấp; giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ người dân, nhất là đối với người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế; tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn cao và giảm chậm; tỉ lệ người tham gia BHXH, BHYT còn thấp; đời sống của một bộ phận người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số chưa bảo đảm được mức tối thiểu và có sự chênh lệch giữa miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với mức trung bình của cả nước.

Những hạn chế trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự thiếu thống nhất trong nhận thức về nội dung, vai trò và vị trí của ASXH trong mô hình phát triển xã hội nên hệ thống ASXH chưa theo kịp sự phát triển kinh tế, nguồn lực thực hiện bảo đảm ASXH còn hạn chế, chủ yếu phải dựa vào Nhà nước, chưa khuyến khích người dân và các đối tác xã hội tích cực chủ động tham gia.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đặt ra nhiệm vụ “Phải coi trọng việc kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đối với người nghèo, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là trong tình hình kinh tế khó khăn, suy giảm”… “Tiếp tục sửa đổi, hoàn chỉnh hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, trợ giúp và cứu trợ xã hội đa dạng, linh hoạt, có khả năng bảo vệ, trợ giúp mọi thành viên trong xã hội, nhất là các nhóm yếu thế dễ bị tổn thương vượt qua khó khăn hoặc các rủi ro trong đời sống”; “tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình xoá đói, giảm nghèo ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn”.

Nghị Quyết số 15 của Ban chấp hành TW Đảng về “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020” cũng yêu cầu “Chính sách xã hội phải được đặt ngang tầm với chính sách kinh tế và thực hiện đồng bộ với phát triển kinh tế, phù hợp với trình độ phát triển và khả năng nguồn lực trong từng thời kỳ..”, đồng thời thực hiện có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm mức sống tối thiểu và hỗ trợ kịp thời người có hoàn cảnh khó khăn.

Với quan điểm đó, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 cơ bản hình thành một hệ thống ASXH bao phủ toàn dân nhằm bảo đảm để người dân có việc làm, thu nhập tối thiểu; tham gia BHXH, bảo đảm hỗ trợ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người cao tuổi thu thập thấp, người khuyết tật nặng, người nghèo…); bảo đảm cho người dân tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức tối thiểu (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin), góp phần giảm nghèo bền vững, ổn định chính trị và phát triển kinh tế-xã hội.

Để đạt được mục tiêu trên, cần tập trung vào những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể sau:

Một là, bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo

Hỗ trợ người yếu thế có việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu: Cần tạo nhiều cơ hội việc làm có thu nhập cao và ổn định, tăng cường cải thiện điều kiện việc làm thông qua vay vốn tạo việc làm, tiếp cận thông tin, thông tin thị trường lao động, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về Việc làm và dạy nghề; Chương trình việc làm công, chương trình hỗ trợ đào tạo nghề lao động nông thôn, lao động đi làm việc ở nước ngoài  nhằm hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao năng lực cho người lao động nghèo, lao động mất việc làm và thất nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020, bình quân mỗi năm tạo việc làm mới cho 1,6 triệu lao động, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp giảm còn 30%, tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước duy trì dưới 3%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%;trên 98% dân cư có mức thu nhập từ mức sống tối thiểu trở lên.

- Giảm nghèo: Trong thập kỷ tới, các chính sách giảm nghèo tiếp tục tập trung vào việc hỗ trợ nguồn lực về sản xuất để cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo thông qua việc tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ người nghèo, huyện nghèo, xã, thôn bản đặc biệt khó khăn nhằm hỗ trợ người lao động thuộc hộ nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững và thu hẹp khoảng cách về đời sống và tiếp cận dịch vụ xã hội. Đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người hộ nghèo tăng 3,5 lần so với năm 2010; từ nay đến 2020 tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân 2%/năm, riêng các huyện, xã có tỷ lệ nghèo cao giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo của từng giai đoạn.

Hai là, phát triển bảo hiểm xã hội.

Trong bối cảnh tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, già hóa dân số,… việc phát triển hệ thống bảo hiểm, đặc biệt bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm thất nghiệp, xây dựng chính sách hưu trí bổ sung; tăng cường sự tham gia của người lao động phi chính thức, lao động nghèo; hoàn thiện tổ chức quản lý và chi trả BHXH là một trong những nội dung cơ bản của chính sách ASXH nhằm nâng cao tính chủ động, khả năng tự an sinh của người dân khi xảy ra các tác động bất lợi về kinh tế, xã hội, môi trường và an sinh tuổi già. Phấn đấu đến năm 2020, có 29 triệu người tham gia BHXH, chiếm 50% tổng lực lượng lao động; có 20 triệu lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 35% tổng lực lượng lao động.

Ba là, trợ giúp xã hội cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

- Trợ giúp xã hội thường xuyên: Cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội theo hướng mở rộng đối tượng, điều chỉnh chuẩn và nâng mức hưởng; xây dựng mức sống tối thiểu, bảo đảm mọi người dân có mức sống dưới mức tối thiểu đều được hỗ trợ, thực hiện hỗ trợ toàn diện đối với người cao tuổi, trẻ em, người bị khuyết tật. Đến năm 2020, khoảng 2,6 triệu người hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên, chiếm gần 2,5% dân số.

-Trợ giúp xã hội đột xuất: Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách và phương thức tổ chức thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp đột xuất đảm bảo người dân khi gặp rủi ro, thiên tai, bão lụt, bị chết người, mất tài sản được hỗ trợ kịp thời để vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, việc làm, đảm bảo thu nhập, ổn định cuộc sống;  phát triển các hình thức ASXH cộng đồng, Quỹ dự phòng rủi ro tại các địa phương; tổ chức tốt các phong trào tương thân, tương ái, huy động cộng đồng nhằm giúp các địa phương hỗ trợ kịp thời người dân khắc phục rủi ro đột xuất.

Bốn là, tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản ở mức tối thiểu.

Bảo đảm giáo dục tối thiểu: Cần hỗ trợ người dân có trình độ giáo dục tối thiểu, tăng cường chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời; tăng cường tiếp cận của người dân đối với giáo dục các cấp, bảo đảm phổ cập giáo dục; tập trung nâng cao tiếp cận giáo dục của đồng bào dân tộc thiểu số. Đến năm 2020, có 99% trẻ em đi học đúng độ tuổi ở bậc tiểu học, 95% ở bậc trung học cơ sở, 80% đạt trình độ học vấn trung học phổ thông và tương đương; tỷ lệ sinh viên trên một vạn dân tăng lên 350-400; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó đào tạo nghề là 40%; tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 trở lên là 98%.

Bảo đảm chăm sóc y tế tối thiểu: Thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân; đổi mới công tác quản lý Nhà nước về BHYT; mở rộng chính sách hỗ trợ phí mua cho người dân có thu nhập từ dưới trung bình trở xuống hiện chưa bắt buộc tham gia. Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ và trẻ em, giảm mạnh tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, góp phần nâng cao chất lượng dân số Việt Nam; cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân ở các tuyến cơ sở, ưu tiên các huyện nghèo, xã nghèo, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Phấn đấu đến năm 2020, trên 90% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi còn 11‰, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi còn 16‰, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi chỉ còn 12,5%, 99% phụ nữ mang thai được tiêm uốn ván, 93% phụ nữ mang thai được khám thai từ 3 lần trở lên. Có 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế, trong đó 40,5% được hỗ trợ toàn bộ, 22,4% được hỗ trợ một phần.

Bảo đảm nhà ở tối thiểu: Tiếp tục cải thiện điều kiện ở cho người dân, đặc biệt là người nghèo, người có thu nhập thấp ở đô thị, từng bước đảm bảo nhu cầu về nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trung học và dạy nghề; đổi mới cơ chế hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp ở đô thị; khắc phục những khó khăn về đất đai, quy hoạch, vốn, thủ tục và có chính sách ưu đãi doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội tại đô thị, khu công nghiệp. Đến năm 2020, hỗ trợ cải thiện nhà ở cho 900 nghìn hộ nghèo (bổ sung giai đoạn 2013- 2020); xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp ở đô thị; phấn đấu đáp ứng nhu cầu nhà ở của 80% số sinh viên, học sinh và khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp, nâng tỷ lệ nhà ở cho thuê đạt khoảng 30% trong tổng quỹ nhà ở tại các đô thị loại III trở lên.

Bảo đảm nước sạch: Cần nâng cao sức khỏe và chất lượng sống cho người dân nông thôn thông qua cải thiện cơ bản tình hình sử dụng nước sạch của dân cư, đặc biệt là dân nông thôn, vùng dân tộc thiểu số. Giải quyết cơ bản cung cấp nước sạch cho đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân cư bị xâm thực do nước biển dâng. Đến năm 2020 đảm bảo 100% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 70% sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn Việt Nam.

Bảo đảm thông tin: Tăng cường đưa báo chí về cơ sở; chương trình đưa thông tin về cơ sở, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; khôi phục, củng cố và phát triển mạng lưới thông tin cơ sở đảm bảo đưa thông tin nhanh chóng, nhằm rút ngắn khoảng cách về đảm bảo thông tin và hưởng thụ thông tin của người dân giữa các vùng miền; nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân nhất là các nhóm yếu thế, người dân khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Phấn đấu đến năm 2015, cơ bản đảm bảo 100% số xã khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo phủ sóng phát thanh, truyền hình mặt đất và 100% các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới và xã an toàn khu, xã bãi ngang ven biển và hải đảo có đài truyền thanh xã.

Cùng với những giải pháp nêu trên, công tác lãnh đạo, quản lý Nhà nước, tuyên truyền và hợp tác quốc tế về ASXH sẽ tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc thực hiện an sinh xã hội; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về ASXH; huy động nguồn lực của toàn xã hội. Đổi mới quản lý nhà nước về an sinh xã hội trên cơ sở thống nhất đầu mối quản lý các chương trình, chính sách an sinh xã hội kết hợp với đẩy mạnh việc phân cấp thực hiện, tăng cường hiệu quả cung cấp dịch vụ, đồng thời, hiện đại hóa, tin học hóa công tác quản lý đối tượng ASXH, xây dựng bộ chỉ số ASXH và Báo cáo quốc gia về ASXH; Thúc đẩy hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực quốc tế, hợp tác chuyên gia, phát triển các dự án kỹ thuật và kinh nghiệm chuyên gia trong thí điểm các chính sách, chương trình mới và nâng cao năng lực tổ chức thực hiện, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện ASXH.

Nguyễn Trọng Đàm-Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (Theo Bộ LĐ-TB&XH)