Đấu thầu thuốc bệnh viện - Mỗi nơi mỗi giá

18/01/2013 12:51 AM


(SGGP) - Tại hội nghị “Phổ biến văn bản pháp luật và giao ban công tác dược - mỹ phẩm năm 2012 khu vực miền Trung - Tây Nguyên - miền Nam” diễn ra tại TPHCM ngày 14-1, đại diện Sở Y tế nhiều địa phương vẫn cho rằng còn nhiều vướng mắc triển khai Thông tư 01/2012 hiện hành về đấu thầu thuốc vô bệnh viện.


Ảnh minh họa

Vướng đủ kiểu

Được đánh giá là ngành đòi hỏi tiêu chuẩn cao, TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, cho rằng hiện hệ thống văn bản pháp luật quản lý về ngành đang dần hoàn thiện. Trong đó, đấu thầu thuốc vô bệnh viện đã ban hành được Thông tư 01/2012 sửa đổi những thông tư trước cho phù hợp hơn. Nhưng thực tế khi áp dụng, nhiều địa phương vẫn cho còn vướng mắc nhiều.

Đại diện Phòng Quản lý dược - Sở Y tế Thừa Thiên - Huế cho rằng quy định giá thuốc khi đưa vào bệnh viện thì bệnh viện không được yêu cầu cung cấp giá kê khai - kê khai lại. Trong khi lên website của Cục Quản lý Dược để tham khảo thì không được đăng tải đầy đủ. “Không biết giá thuốc của doanh nghiệp dược như thế nào thì làm sao kiểm tra, đối chiếu. Mà không kiểm tra, đối chiếu được thì tốt nhất là không cho trúng thầu. Vậy thì có khi thiệt cho doanh nghiệp mà bệnh viện đôi khi lỡ mất đấu thầu được thuốc giá rẻ, chất lượng”, vị đại diện Sở Y tế Thừa Thiên - Huế phát biểu.

Còn ông Trần Mạnh Tường (Sở Y tế Bình Thuận) thắc mắc là khi doanh nghiệp nộp hồ sơ đấu thầu thuốc vô bệnh viện thì sẽ được xem xét hồ sơ “thành tích”. Nếu có vi phạm như đã sản xuất thuốc không đảm bảo chất lượng bị xử phạt chẳng hạn thì bị trừ điểm, dẫn đến rớt thầu. Nhưng nếu cứ nghiêm túc chấp hành quy định như vậy thì có những doanh nghiệp vốn dĩ rất “khả quan” như giá cạnh tranh, chất lượng tốt sẽ bị thua thiệt. Trong khi, việc “khuyết điểm” đã từng vi phạm chưa chắc do chủ quan của nhà sản xuất.

Một số ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn vì đã tiến hành tổ chức đấu thầu thuốc cho các bệnh viện địa phương nhưng đến nay vẫn chưa tham khảo được hết danh mục các cơ sở sản xuất - kinh doanh thuốc trong nước đạt chuẩn GMP (thực hành tốt sản xuất thuốc), hay hệ thống các nhà phân phối thì không thể có căn cứ để chấm điểm đấu thầu.

Mặt khác, khi hồ sơ đấu thầu của doanh nghiệp dược vô bệnh viện phải chứng minh được đã hoàn thành nghĩa vụ thuế nhưng đại diện một số sở y tế địa phương cho biết khó để kiểm tra thế nào để biết doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ thuế...

Đại diện một số sở y tế địa phương cũng băn khoăn về các loại thuốc độc quyền, sinh phẩm vaccine... không mời được các doanh nghiệp tham gia đấu thầu. Nguyên do là vì “độc quyền” nên doanh nghiệp dược chỉ đợi đến lúc bệnh viện do nhu cầu điều trị mà phải chỉ định mua, được giá “hời” hơn là tranh nhau đấu thầu. Hay như thuốc nhượng quyền vẫn chưa có thông tin để tham khảo giá, chất lượng...

Thuốc vô bệnh viện phải chất lượng, hiệu quả

Tiến sĩ Nguyễn Văn Lợi, Trưởng phòng Quản lý chất lượng - Cục Quản lý dược, cho rằng ngành dược trong nước đang tiệm cận ngành dược thế giới. Điển hình là đã chuẩn hóa được hệ thống từ sản xuất đạt GMP-WHO, đến thực hành tốt kiểm nghiệm thuốc (GLP), thực hành tốt bảo quản thuốc (GSP) và cả bán buôn (GDP) và thực hành tốt bán lẻ (GPP). Thậm chí, TS Lợi cho biết đã có thông tư quy định mới về sản xuất bao bì đóng gói thuốc.

Tiến sĩ Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, nhận định: “Hiện nay ngành dược trong nước đã cơ bản cung cấp đủ thuốc cho bệnh viện, thị trường, cho nên cái quan trọng không phải chạy theo số lượng nữa mà hướng đến chất lượng, hiệu quả”. Chính vì vậy, Thông tư 01/2012 hiện hành về đấu thầu thuốc đã đưa nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật hơn để lựa chọn thuốc.

Thế nhưng, “rào cản” được Sở Y tế các địa phương quan tâm nữa là làm sao để có giá thuốc hợp lý và thống nhất. “Giá thuốc vô mỗi bệnh viện mỗi giá, đã bị dư luận phàn nàn lâu rồi nhưng chưa giải quyết được”, lãnh đạo một Sở Y tế bức xúc.

Nguyên do “cố hữu” vẫn xuất phát là tình trạng mỗi cơ sở y tế tự đấu thầu thuốc. Do đó, cùng loại thuốc, cùng hãng sản xuất nhưng mỗi bệnh viện trúng thầu mỗi giá. Bộ Y tế từng xác nhận một số loại thuốc bệnh viện cao hơn bán lẻ bên ngoài khoảng 13%-15%. Hiện các loại thuốc vào bệnh viện phần lớn qua đấu thầu.

Tìm hiểu kết quả đấu thầu thuốc vào 20 bệnh viện công lập trực thuộc Bộ Y tế năm 2012 cho thấy có hơn 13.000 loại thuốc đã được trúng thầu. Trong đó thuốc nội tập trung vào các loại thông thường như giảm đau, hạ nhiệt, kháng sinh, kháng viêm. Còn những loại thuốc biệt dược, thuốc đặc trị với giá trị lớn đều có xuất xứ từ nước ngoài.

Điều đáng nói, có cùng một loại thuốc, cùng hoạt chất, hàm lượng và nhà sản xuất nhưng kết quả đấu thầu vào mỗi bệnh viện lại có mỗi giá khác nhau. Thậm chí có loại thuốc trong nước sản xuất được, có hoạt chất tương đương lại đi mua thuốc của nước ngoài, hoặc cùng loại thuốc, hoạt chất nhưng giá thuốc trúng thầu của thuốc ngoại lại cao gấp bội thuốc nội…

Mặc dù quy định mới yêu cầu cơ sở khám chữa bệnh đấu thầu phải tham khảo 4 loại giá, gồm ba báo giá hoặc hóa đơn bán hàng của ba nhà cung cấp, giá bán buôn kê khai, kê khai lại và giá thuốc trúng thầu 12 tháng trước đó đăng tải trên trang tin điện tử của Cục Quản lý dược. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc thiếu những tiêu chuẩn kỹ thuật chung về chất lượng thuốc, thiếu yếu tố lý tính để lựa chọn khiến giá cả thuốc trúng thầu vô các bệnh viện cũng trở nên chênh vênh, thiếu căn cứ để lựa chọn.

Theo TS Trương Quốc Cường, quy định giá thuốc trúng thầu không được cao hơn giá tối đa hiện hành do Bộ Y tế công bố tại thời điểm gần nhất. Do đó, Cục Quản lý dược sẽ công bố giá thuốc kê khai, kê khai lại một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, thực tế chênh lệch về giá trúng thầu thuốc vào các bệnh viện công lập đã làm tiêu tốn thêm Quỹ BHYT một cách vô lý. Nghĩa là cùng một loại thuốc nhưng BHYT thanh toán cho mỗi bệnh viện mỗi giá khác nhau.

Để hạn chế tình trạng này, TS Cường cho biết sẽ sớm ban hành quy định thặng số bán buôn. Tức là tỷ lệ phần trăm được lãi phải tuân thủ theo quy định của nhà nước trong suốt quá trình cung ứng thuốc, đấu thầu vô bệnh viện.

Đại diện cho các công ty dược trong nước, ông Nguyễn Quý Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Dược Việt Nam, cho rằng Thông tư hiện hành về đấu thầu thuốc vô bệnh viện quy định trách nhiệm doanh nghiệp dược thì nhiều mà quyền lợi thì ít. Mặt khác, ông Sơn cảnh báo các doanh nghiệp dược trong nước đua nhau sản xuất nhiều mặt hàng giống nhau, trùng lắp “đè nhau” thì sẽ tự làm khó cho nhau... Mặt khác, ông Sơn kiến nghị gia hạn lộ trình về GMP đối với sản xuất đông dược, tách đông dược ra nhóm riêng khi đấu thầu để khuyến khích...