Sau 4 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế: Nhiều nội dung cần được điều chỉnh

16/07/2013 06:50 AM


Ngày 1-7-2009, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) chính thức đi vào cuộc sống. Sau 4 năm thực hiện, tỷ lệ bao phủ BHYT ngày càng mở rộng, người bệnh được hưởng lợi từ chính sách ưu việt này, đặc biệt là khi phải điều trị bằng phương pháp kỹ thuật cao, chi phí lớn. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện cũng bộc lộ bất cập, cần tìm hướng giải quyết.


Tham gia bảo hiểm y tế giúp người bệnh giảm được nhiều chi phí, đặc biệt là khi phải điều trị bằng phương pháp kỹ thuật cao.

Độ bao phủ BHYT còn thấp

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến hết tháng 5-2013, số người tham gia BHYT là 62 triệu, đạt tỷ lệ 68% dân số. Các nhóm đối tượng chính sách (người nghèo, đồng bào dân tộc, trẻ em...) đều được cấp thẻ BHYT miễn phí. Năm 2012, người cận nghèo được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng BHYT, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế thông qua BHYT. Chất lượng khám chữa bệnh (KCB), nhờ đó từng bước được cải thiện; quyền lợi của người có thẻ BHYT ngày càng được bảo đảm.

Tuy nhiên, thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ bao phủ BHYT như trên vẫn ở mức thấp trong khi sự tuân thủ quy định về BHYT chưa cao. Khu vực doanh nghiệp mới có 53% số người lao động tham gia BHYT, vẫn còn nhiều đơn vị trốn đóng BHYT, nợ đọng kéo dài. Các quy định về điều kiện tham gia BHYT tự nguyện chưa hợp lý nên không khuyến khích được người dân tham gia lâu dài, liên tục. Người thuộc hộ cận nghèo, dù đã được ngân sách hỗ trợ 70% mức đóng nhưng cũng chỉ có gần 20% số người tham gia. Đối tượng tự nguyện tham gia BHYT đạt tỷ lệ 25% và vẫn còn tình trạng "lựa chọn ngược", tức là chỉ khi ốm đau, mắc bệnh mới tham gia BHYT. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, hiện nay, người dân chưa coi BHYT như là "bùa hộ mệnh" của mình nên việc mua BHYT còn nặng tính đối phó.

Tình trạng nói trên có nguyên nhân do chất lượng KCB nhìn chung chưa đáp ứng được nhu cầu, thủ tục còn phiền hà, phân biệt đối xử khi khám bệnh bằng BHYT, tình trạng quá tải ở cơ sở y tế tuyến trên còn phổ biến… Đó chính là những nguyên nhân quan trọng khiến người dân chưa mặn mà với BHYT.

Phát biểu tại lễ mít tinh nhân kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã lưu ý Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện có hiệu quả 3 mục tiêu của đề án tiến tới BHYT toàn dân vừa được Chính phủ phê duyệt. Trong đó, đáng chú ý là tăng tỷ lệ dân số tham gia BHYT, mở rộng các nhóm đối tượng để đến năm 2015 đạt tỷ lệ trên 70% dân số tham gia BHYT và đến năm 2020, tỷ lệ này là 80%; nâng cao chất lượng KCB BHYT và từng bước đổi mới cơ chế tài chính theo hướng đầu tư trực tiếp cho người thụ hưởng dịch vụ y tế, hỗ trợ người tham gia BHYT. Mục tiêu khác là phấn đấu giảm tỷ lệ chi tiêu KCB trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình xuống dưới 40% vào năm 2020.

Khuyến khích người dân tham gia

Theo ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Dự thảo Luật BHYT đang được lấy ý kiến sửa đổi theo hướng có lợi nhiều hơn đối với người bệnh. Theo đó, có thể điều chỉnh giá trị sử dụng của thẻ BHYT từ 2 năm trở lên thay vì 1 năm như hiện nay. Đối với quyền lợi về dịch vụ kỹ thuật cao thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 180 ngày, kể từ ngày đóng BHYT. Những điều sửa đổi không có gì khác ngoài mục tiêu khuyến khích người dân tham gia BHYT.

Dự thảo Luật BHYT sửa đổi đặt ra hai phương án chi trả chi phí KCB cho bệnh nhân trái tuyến, trong đó có đề nghị chỉ thanh toán cho đối tượng này trong trường hợp điều trị nội trú, với mức thanh toán thấp hơn so với hiện nay. Phương án còn lại là không thanh toán với trường hợp KCB trái tuyến nhằm giảm sự quá tải cho cơ sở y tế tuyến trên bởi tỷ lệ bệnh nhân KCB trái tuyến hiện tăng gấp đôi sau mỗi năm. Tuy nhiên, đa số các ý kiến vẫn giữ quan điểm thanh toán chi phí trái tuyến cho người bệnh do chất lượng y tế tuyến dưới có nơi còn chưa đáp ứng tốt nhu cầu KCB. Ngoài ra, Dự thảo Luật BHYT cũng sửa đổi theo hướng sẽ thanh toán 100% chi phí KCB đối với khoản chi mà người bệnh cùng chi trả trong năm lớn hơn 12 tháng lương cơ bản (trừ trường hợp vượt tuyến, trái tuyến và sử dụng thuốc ngoài danh mục).

Ông Nguyễn Minh Thảo cho biết, việc đề ra quy định cùng chi trả chi phí KCB, trong đó không giới hạn mức chi trả tối đa với những người mắc bệnh nặng, có mức chi phí lớn (ung thư, phẫu thuật, can thiệp tim mạch, ghép tạng, chạy thận nhân tạo…) là cần thiết. Đây là điểm mới nhằm giảm chi tiêu y tế từ tiền túi của mỗi cá nhân. Hiện nay, Bộ Y tế đang cùng Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét, dự kiến sẽ thanh toán cho 144 dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn. So với danh mục cũ (177 dịch vụ), danh mục này đã loại bỏ một số kỹ thuật không cao, chi phí không lớn - đưa về danh mục dịch vụ kỹ thuật thông thường được BHYT thanh toán; đồng thời bổ sung nhiều dịch vụ mới, bao gồm những thủ thuật, phẫu thuật và xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh liên quan đến can thiệp tim mạch, điều trị phóng xạ, điều trị ung thư.

Từ ngày 1-7- 2013, quỹ BHYT tăng mức chi trả tối đa từ 42 triệu đồng (xấp xỉ với 40 tháng lương tối thiểu) lên 46 triệu đồng cho một lần sử dụng kỹ thuật cao, tương đương mức tăng lương tối thiểu ở cùng thời điểm. Sắp tới, BHYT tự nguyện sẽ đổi mới cơ chế tham gia, đồng thời áp dụng cơ chế khuyến khích - từ thành viên thứ hai trở đi, mức đóng BHYT sẽ giảm tương ứng còn 90%, 80% và 70%.

Theo Hà Nội mới