“Bệnh nhân vượt tuyến làm bệnh viện đông như trại tị nạn”

07/05/2013 09:45 AM


“Thực tế có đến 60% bệnh nhân điều trị tại BV tuyến trên chỉ mắc các loại bệnh nhẹ vẫn “dồn” lên, dẫn tới quá tải. Như BV Ung bướu TPHCM tôi vừa đến thăm mới đây vào buổi tối đông như trại tị nạn”, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Ngày 17/4, tại phiên họp toàn thể lần của UB các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có buổi giải trình về vấn đề chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh và quản lý sử dụng quỹ BHYT.

Liên quan đến vấn đề đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT, theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay, tỷ lệ người tham gia BHYT đăng ký hám chữa bệnh ban đầu tại tuyến xã chiếm khoảng 20%, tuyến huyện 60%, tuyến tỉnh và tuyến TƯ 20%. Đa số các cơ sở y tế và cơ quan BHXH đều đã thống nhất việc lập danh sách các cơ sở đủ điều kiện đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu, phân bổ số lượng người tham gia BHYT đăng ký tại mỗi cơ sở phù hợp với khả năng phục vụ của đơn vị, đảm bảo cân đối quỹ khám chữa bệnh BHYT, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người tham gia BHYT.


Cảnh bệnh nhân chui từ gầm giường ra chào Bộ trưởng Y tế trong chuyến thị sát bệnh viện năm ngoái của bà Tiến vẫn gây nhức nhối dư luận.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế cũng thừa nhận những vấn đề tồn tại như việc một số Sở Y tế và BHXH tỉnh không hướng dẫn đăng ký khám chữa bệnh ban đầu về trạm y tế vì chưa yên tâm về chất lượng và khó khăn trong quản lý, giám sát. Việc phân bổ thẻ BHYT tại mỗi cơ sở chưa phù hợp, dẫn đến có những nơi quá đông người đăng ký, có nơi lại quá ít hoặc chủ yếu là đối tượng người cao tuổi, hưu trí dẫn đến việc không đảm bảo cân đối được quỹ khám chữa bệnh BHYT.

Người tham gia BHYT cũng còn phàn nàn về việc phải chờ đợi, thủ tục trong chuyển tuyến khám chữa bệnh còn nhiều phiền hà, nhiều bệnh nhân tự vượt tuyến khám chữa bệnh dẫn đến tình trạng quá tải ở tuyến trên. Đặc biệt, một số trường hợp bệnh nhân trong tình trạng chưa đến mức phải chuyển lên tuyến trên nhưng bác sĩ đã viết giấy chuyển viện theo yêu cầu của người bệnh.

Ngành Y tế suốt thời gian qua cũng “đau đầu” vì dù ban hành rất nhiều giải pháp để giữ bệnh nhân khám chữa bệnh ở tuyến dưới nhưng số bệnh nhân vượt tuyến vẫn không giảm. Năm 2010 có khoảng trên 3 triệu người 2011 9,1 triệu thì năm 2012 đã có 9,95 triệu bệnh nhân vượt tuyến.

Bộ trưởng Tiến thanh minh: “Thực tế có đến 60% bệnh nhân điều trị tại BV tuyến trên chỉ mắc các loại bệnh nhẹ, đáng lẽ có thể khám chữa bệnh tại BV tuyến cơ sở. Chính điều này dẫn đến quá tải BV tuyến trên. Cụ thể như BV Ung bướu TPHCM tôi vừa đến thăm mới đây vào buổi tối đông như trại tị nạn”.

Bà Tiến trao đổi, ngành Y tế ý thức được thực trạng bức xúc này và sẽ đưa ra nhiều giải pháp như phân tuyến kỹ thuật, quy định chuyển tuyến, đồng chi trả, xem lại khám chữa bệnh ban đầu….để chặn vượt tuyến.

“Về việc nhiều cụ già chờ cả đêm đến chiều hôm sau chưa nhận được thuốc và đã đề xuất phân tuyến hoặc có cửa riêng ưu tiên người già, người có công”, bà Tiến nói.

Bộ Y tế cũng có chỉ đạo, các BV không tăng cường trang thiết bị, thái độ phục vụ không tốt sẽ cắt hợp đồng BHYT. Bộ trưởng Y tế cũng thông tin, có nhiều vụ sai phạm trong BHYT đã bị xử lý hình sự như việc ở BV Chợ Rẫy…

Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) chỉ ra nghịch lý khi quỹ bảo hiềm nhiều tỉnh nghèo kết dư lớn nhưng người dân lại không được hưởng. Phân tích về nguyên nhân bệnh nhân vượt tuyến, ông Châu cho rằng, vì khám chữa bệnh ở tuyến dưới được hưởng mức chi trả rất thấp trong khi mức đóng bảo hiểm là như nhau. Việc vượt tuyến theo đó lại càng có lợi cho người giàu. Ông Châu gợi ý hướng quy định, vượt tuyến không được thanh toán bảo hiểm.

Bà Tiến phân trần, khi xây dựng Luật BHYT, quan điểm của Bộ là không thanh toán cho việc vượt tuyến nhưng Quốc hội không đồng ý.

Cũng theo bà Tiến, gói dịch vụ khám chữa bệnh tương tự như ở Việt Nam, người dân các nước lân cận như Thái Lan phải chi trả 80-120 USD cho thẻ BHYT, trong khi mức đóng ở Việt Nam chỉ là 30 USD. Mệnh giá thẻ thấp mà viện phí không cho tăng (năm 2012 đã tăng nhưng mới tính 4/7 cấu thành của viện phí), nên bảo hiểm phải đặt trần khám chữa bệnh.

Mặt khác, việc “nhảy” tuyến, vượt tuyến, theo Bộ trưởng Y tế cũng do lỗi của báo chí “khi có vài ca tai biến là làm rùm beng dẫn đến người dân mất niềm tin vào y tế tuyến cơ sở là không đáng”. Tuy nhiên, để nâng chất lượng khám chữa bệnh tuyến sơ sở, Bộ Y tế đang xây dựng cơ chế luân phiên ý bác sỹ đi cơ sở trong thời gian tới đây.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội đặt câu hỏi, các bệnh viện tuyến trên khám chữa cho tất cả các bệnh nhân hay chỉ khám chữa bệnh khi tuyến dưới không chữa được? Còn khi chất lượng giá dịch vụ tuyến trên cao hơn tuyến dưới mà vẫn được chi trả bảo hiểm, việc “chạy” chuyển tuyến là đương nhiên. Đây cũng là thách thức đối với vấn đề cân đối quỹ BHYT.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến hứa tháng 6 tới sẽ ban hành thông tư quy định về chuyển tuyến BV. Thông tư này sẽ đề ra các giải pháp kỹ thuật nhằm phân tuyến như đối với bệnh viêm phối thì nhất quyết không lên BV trung ương hay thành lập thêm BV vệ tinh.

“Với thông tư này, nếu BV trung ương nhận chuyển tuyến không đúng sẽ bị xử phạt và hạ bậc. Cụ thể BV tuyến trên mà khám, chữa bệnh nhẹ mà tuyến dưới có khả năng làm được thì hạ bậc BV, đồng thời BHXH không ký hợp đồng khám chữa bệnh nữa”- bà Tiến quả quyết.

Nguồn Dân trí