Thí điểm chăm sóc sức khỏe quân nhân theo hình thức bảo hiểm y tế (bài 2)
07/05/2013 09:18 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thực hiện Đề án thí điểm chăm sóc sức khỏe quân nhân theo hình thức BHYT, khá đông quân nhân đã đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở dân y nơi gần nhất nhưng khâu quán triệt Chỉ thị 709-CT/QUTW của Quân ủy Trung ương trong ngành BHXH và các cơ sở dân y lại chưa đầy đủ nên chất lượng chăm sóc sức khỏe quân nhân có bị ảnh hưởng.
Bài 2: Ngành BHXH và cơ sở dân y vào cuộc chưa đều
Nói về Đề án án thí điểm chăm sóc sức khỏe quân nhân theo hình thức BHYT, ông Ngô Văn Chiến, Phó giám đốc BHXH tỉnh Quảng Ninh, bày tỏ:
- Tôi thấy đây là một bước tiến lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe quân nhân tại ngũ, góp phần tiến tới thực hiện BHYT toàn dân. BHXH tỉnh Quảng Ninh đã quán triệt đầy đủ các văn bản pháp luật có liên quan đến thực hiện Đề án. Qua giao ban, hội họp, đội ngũ cán bộ, nhân viên của BHXH tỉnh Quảng Ninh nhất trí cao với nội dung Đề án, tích cực khắc phục những vướng mắc ban đầu để đưa đề án vào thực hiện. Trước đây, hệ thống cơ sở quân y và hệ thống cơ sở dân y chưa có nhiều sự giao thoa, trao đổi, mọi thủ tục chuyển tuyến giữa hai bên rất vướng, thủ tục hành chính phiền hà gây khó khăn cho việc chăm sóc sức khỏe quân nhân và nhân dân. Nay với đề án này, việc chuyển tuyến giữa hai bên giờ rất thuận lợi, nhẹ nhàng.
Theo ông Chiến, ngay từ cuối năm 2012, BHXH tỉnh Quảng Ninh đã giới thiệu mẫu mã thẻ BHYT do BHXH Bộ Quốc phòng cấp đến tất cả các cơ sở dân y, phổ biến đầy đủ các quy định, hướng dẫn của trên đến các bệnh viện và BHXH các huyện. BHXH Quảng Ninh cũng đã thiết lập đường dây nóng để mỗi quân nhân và các cơ sở dân y, BHXH các huyện kịp thời phản ánh những vướng mắc trong thực hiện.
Bác sĩ Bệnh viện đa khoa Móng Cái (Quảng Ninh) khám bệnh cho bệnh nhân là quân nhân
Chị Mai Thanh Huyền, Trưởng nhóm BHXH tỉnh Quảng Ninh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh rất phấn khởi khi có thêm “khách hàng” mới. Chị cho biết:
- Khi được cơ quan quán triệt về đối tượng mới là bộ đội tại ngũ, cả nhóm chúng tôi đều phấn khởi, tin tưởng đây là quyết định đúng đắn của BHXH Việt Nam và Bộ Quốc phòng. Tiêu chuẩn của đối tượng bộ đội tại ngũ rất cao, được chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh. Ngay trong trường hợp phải sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn vượt qua mức 40 tháng lương tối thiểu chung cho một lần điều trị theo chỉ định chuyên môn hoặc trên 50% thuốc điều trị ung thư, thuốc chống thải ghép thì phần chi phí đó người bệnh vẫn không phải chi trả. Tuy bước đầu thực hiện, hệ thống mẫu biểu thống kê, báo cáo phải lập mới nên còn nhiều bỡ ngỡ, nhiều thủ tục hành chính còn lạ lẫm nhưng chúng tôi xác định quyết tâm vượt khó. Chăm sóc bộ đội vừa là trách nhiệm nghề nghiệp, vừa là tình cảm của người làm công tác BHXH với Bộ đội Cụ Hồ.
Bác sĩ Dương Quốc Ninh, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Móng Cái (Quảng Ninh) thể hiện sự nhất trí, đồng tình cao với Đề án. Trước đây, Bệnh viện đa khoa Móng Cái vẫn thường xuyên nhận điều trị, cấp cứu cho quân nhân các đơn vị trên địa bàn, nay quân nhân sử dụng thẻ BHYT, các vướng mắc về thủ tục, giấy tờ thanh toán gần như không còn nữa. Bác sĩ Ninh nhận định:
- Chắc chắn đây là một Đề án đem lại thuận tiện lớn cho anh em bộ đội tại ngũ. Chúng tôi đã quán triệt đầy đủ các văn bản hướng dẫn của trên, rất sẵn lòng hợp tác với các cơ sở quân y và phục vụ bộ đội với điều kiện tốt nhất của bệnh viện.
Như vậy, cả trong nhận thức và trong tình cảm, phần lớn đội ngũ cán bộ ngành BHXH và ngành y tế đều quyết tâm thực hiện tốt Đề án. Tuy nhiên, trong thực tế vận hành, những quân nhân mà chúng tôi được gặp lại phản ánh không ít vướng mắc khi đi khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT mà họ được cấp.
Thiếu tá QNCN Doãn Văn Vận, thuộc Đồn Biên phòng Cô Tô cho biết:
- Tôi được đơn vị quán triệt là quân nhân được BHXH chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh nhưng vừa rồi tôi có bệnh, đi điều trị tại Trung tâm y tế huyện Cô Tô, họ lại thu 20% tổng chi phí và nói đó là nghĩa vụ cùng chi trả của người tham gia BHYT. Số tiền không lớn, nhưng như vậy là việc quán triệt Chỉ thị 709 giữa hai bên chưa thống nhất.
Thượng tá Phạm Văn Đông, cán bộ BHXH Bộ Quốc phòng, khi nghe anh Vận phản ánh như vậy, đã ngay lập tức điện đàm với cơ quan chức năng. Qua đó phát hiện, lỗi nằm ở khâu quán triệt của nhóm BHXH huyện Cô Tô tại Trung tâm y tế huyện chưa đầy đủ. Nhóm này đã hẹn anh Vận đến làm lại thủ tục và nhận lại số tiền 20% chi phí anh đã nộp.
Tình trạng một bộ phận ngành BHXH ở cấp tỉnh, cấp huyện và một số cơ sở dân y chưa thấu triệt tinh thần Đề án vẫn còn không chỉ ở Quảng Ninh. Khi đến Đà Nẵng khảo sát, chúng tôi được Thượng tá Trần Xuân Vinh, Chủ nhiệm quân y Vùng 3 Hải quân cho biết:
- Theo báo cáo của các đơn vị, quân nhân chúng tôi sử dụng thẻ BHYT đến một số cơ sở dân y khám, chữa bệnh ban đầu theo đăng ký nhưng ở đó họ vẫn chưa nắm được nội dung Đề án, từ chối thanh toán buộc bộ đội phải chuyển sang đóng tiền để khám, chữa bệnh dịch vụ. Trường hợp khác, như Đại úy QNCN Nguyễn Văn Bình ở Lữ đoàn 161, bị xuất huyết tiêu hóa, chuyển đến Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng thì người bệnh vẫn phải trả thêm khoảng 6 triệu đồng, sau khi đã được BHXH thanh toán. Quân nhân Trần Đăng Tú, bị sốt siêu vi, đến chữa tại Bệnh viện Điều dưỡng Cửa Tùng, cũng không được BHXH thanh toán.
Thượng tá Lê Văn Quyến, Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn 172 (Vùng 3 Hải quân) thì nêu ngay trường hợp của mình:
- Tôi bị đau mắt, đem thẻ BHYT đến khám tại Viện mắt Trung ương đóng ở địa bàn Đà Nẵng thì họ nói chưa biết gì đến thẻ BHYT của BHXH Bộ Quốc phòng cấp, đành phải đóng tiền khám dịch vụ.
Những vấn đề nêu trên cho thấy, để Chỉ thị 709 thực sự đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe quân nhân, rất cần có sự vào cuộc quyết liệt, chu đáo, tỉ mỉ hơn nữa của ngành BHXH và các cơ sở dân y.
Nguồn Báo QĐND
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT