Lao động tại doanh nghiệp FDI: Thiệt thòi đủ đường

23/04/2013 12:29 AM


Năm 2012, tại TPHCM có đến 1.200 doanh nghiệp bỏ trốn, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp FDI.


Ảnh minh họa. (Nguồn internet)

Làm việc với cường độ và áp lực lớn, lương thấp, khi gặp khó khăn, vướng mắc, thậm chí là bị "ăn quỵt" tiền lương thì không biết kêu ai... đó là một trong những thiệt thòi dễ dàng nhìn thấy của lao động làm việc tại nhiều doanh nghiệp FDI. Chị Thái Hà làm công nhân cho một doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực chế biến nhựa tại Đồng Nai. Năm 2012, doanh nghiệp này bỗng dưng "biến mất" khiến cho chị phải khóc dở mếu dở vì không những bỗng dưng thất nghiệp mà tiền lương trong hai tháng không biết đòi ai. Điều đáng nói, chị Hà chỉ là một trong số hàng chục nghìn lao động là nạn nhân, phải chịu thiệt thòi khi các doanh nghiệp FDI làm ăn thua lỗ và lặng lẽ trốn khỏi Việt Nam.

Thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho thấy, năm 2012, tại địa phương này có đến 1.200 doanh nghiệp bỏ trốn, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp FDI. Gần đây, Hà Nội cũng có thông báo về 12 doanh nghiệp FDI bỗng dưng biến mất. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần HPQ Việt Nam, không phải đến lúc doanh nghiệp bỏ trốn, lao động của doanh nghiệp FDI mới phải chịu thiệt; ngay cả khi đang làm việc bình thường, so với lao động khu vực nhà nước thì lao động khu vực này đã phải chịu thiệt đủ đường.

Một điều tra của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng đã phản ánh thực tế trên, doanh nghiệp nhà nước thường áp dụng mức lương cao hơn mức tối thiểu chung và họ thường có xu hướng đẩy lương tối thiểu lên mức cho phép còn doanh nghiệp FDI thường ép lương tối thiểu xuống mức sàn, ngay cả khi năng suất lao động khu vực FDI cao hơn khu vực nhà nước. Trong khi đó, theo điều tra về doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê, lợi nhuận thu được từ một đồng tiền lương của khu vực FDI là siêu lợi nhuận, nó bằng 2,24; trong khi đó con số này ở khu vực nhà nước là 0,88 và khu vực tư nhân là 0,24.

Mâu thuẫn ở đây là, mặc dù lợi nhuận thu được từ một đồng tiền lương của người lao động là cao, nhưng hàng năm phần lớn doanh nghiệp FDI vẫn báo cáo thua lỗ để gây áp lực cho lao động cũng như các cơ quan chức năng. Thế mới có chuyện, năm 2011 tỉnh Bình Dương có đến hơn 700 doanh nghiệp báo lỗ, chiếm khoảng 50% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại đây. Một báo cáo mới đây của Oxfam Việt Nam cho thấy, người lao động khu vực FDI còn phải chịu thêm thiệt thòi khi doanh nghiệp chia nhỏ tiền lương để chiếm đoạt bảo hiểm xã hội của người lao động. Ví dụ, một người lao động hưởng lương 2,6 triệu đồng/tháng, trong đó được chia nhỏ ra nhiều phần gồm lương cơ bản 2 triệu đồng, phụ cấp chuyên môn 200 nghìn đồng, phụ cấp chuyên cần khoảng 200 nghìn đồng... và doanh nghiệp chỉ đóng bảo hiểm phần lương cơ bản. Các khoản phụ cấp khác người lao động dễ dàng bị trừ chỉ cần lao động phạm lỗi, dù chỉ là nhỏ.

Ngoài ra, lương của người lao động thì căn ke từng đồng nhưng lương của cấp quản lại cao ngất ngưởng. Đây là sự khác biệt lớn giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, bà Nguyễn Phi Yến, giám đốc một doanh nghiệp sản xuất bao bì tư nhân phát biểu. Điều này có lẽ cũng đã được khẳng định tại kết quả điều tra của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, năm 2010 mức chênh lệch giữa tiền lương bình quân thấp nhất và cao nhất trong doanh nghiệp nhà nước và tư nhân trong nước là 7 đến 8 lần, thì doanh nghiệp FDI là 20 đến 21 lần.

ĐBSCL phấn đấu tạo việc làm cho 400.000 lao động năm 2013

Theo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, hiện số cơ sở dạy nghề ở đồng bằng sông Cửu Long chiếm 14,6% số cơ sở cả nước; tỷ lệ học sinh học nghề còn thấp; chất lượng dạy nghề còn hạn chế và tay nghề của lao động được đào tạo chưa đồng đều. Toàn vùng hiện có trên 20% lao động chưa có hoặc thiếu việc làm. Thị trường lao động tại đây phát triển chậm hơn các vùng khác, chất lượng nguồn nhân lực thấp với 70% lao động chưa qua đào tạo. Để đạt mục tiêu tạo việc làm cho 400.000 lao động, các địa phương sẽ thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng phi nông nghiệp, coi đây là giải pháp chính nhằm đảm bảo an sinh xã hội; đồng thời thực hiện có hiệu quả các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm. Đồng thời, các tỉnh sẽ tăng cường dạy nghề theo hướng tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, gắn dạy nghề với nhu cầu của thị trường và tạo việc làm. Ưu tiên đào tạo chuyển đổi nghề cho lao động bị mất việc làm, lao động thanh niên, lao động kỹ thuật cao làm việc tại các khu công nghiệp trong vùng; dạy nghề cho lao động nông thôn song song với hỗ trợ tín dụng, chuyển giao kỹ thuật sản xuất...

Theo Vn Economy