Triển khai Nghị quyết số 21-NQ/TW: Đổi mới để thực hiện công bằng y tế
18/04/2013 07:00 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về BHYT, Kế hoạch triển khai, thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW do Bộ Chính trị khóa XI ban hành về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020” của Bộ Y tế tập trung vào các nội dung: tăng tỷ lệ người tham gia BHYT, nâng cao chất lượng KCB BHYT, đổi mới cơ chế tài chính y tế theo hướng đầu tư trực tiếp cho người thụ hưởng dịch vụ y tế thông qua hình thức hỗ trợ BHYT, giảm chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình, đồng thời đảm bảo cân đối Quỹ BHYT.
Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách BHYT
Mục tiêu mà Nghị quyết 21 đưa ra là: phấn đấu đến năm 2015 đạt tỷ lệ trên 70% dân số tham gia BHYT, và đến năm 2020 con số này sẽ là trên 80%. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Nguyễn Thị Kim Tiến: việc thực hiện những mục tiêu này là nhiệm vụ cấp bách khi mà những hạn chế trong việc thực hiện chính sách đang tạo ra thách thức không nhỏ cho cơ quan quản lý. Để triển khai Nghị quyết đi vào cuộc sống, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tập trung vào 6 giải pháp chính: Xây dựng và hoàn thiện chính sách, đồng thời đẩy mạnh tuyên tuyền, phổ biến pháp luật về BHYT; Nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu KCB BHYT; Đổi mới cơ chế tài chính y tế thông qua BHYT bằng cách từng bước thực hiện việc chuyển đổi cơ chế cấp NSNN gắn với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế, nghiên cứu, xây dựng gói quyền lợi BHYT phù hợp với mức đóng BHYT, vừa đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân, vừa đảm bảo cân đối quỹ và sự bền vững của chính sách BHYT; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và củng cố hệ thống tổ chức thực hiện BHYT.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, một trong những điểm cần chú ý trong việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật là phải bảo đảm nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ BHYT đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, các hộ nghèo. Đối với giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Bộ Y tế cho rằng: cần thống nhất phân công trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHYT cụ thể cho các Bộ, ngành liên quan. Công tác truyền thông, tuyên truyền cần được tiến hành với tất cả các nhóm đối tượng, bao gồm cả cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể, trường học, DN, thôn bản và khu phố. “UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần đưa mục tiêu, kế hoạch thực hiện lộ trình BHYT toàn dân vào các chương trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, thực hiện nghiêm tiêu chí phát triển BHYT trong chương trình phát triển nông thôn mới”, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị.
Đối với chức năng là cơ quan cung cấp dịch vụ y tế, Bộ Y tế cũng cam kết sẽ nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu KCB BHYT. Bộ sẽ tiếp tục thực hiện đầu tư, mở rộng mạng lưới KCB thông qua thực hiện các Đề án về giảm tải bệnh viện, bệnh viện vệ tinh, bác sĩ gia đình, xã hội hoá công tác y tế… Thực hiện đồng bộ việc nâng cao chất lượng KCB BHYT và cải cách thủ tục hành chính, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tinh thần thái độ phục vụ bảo đảm sự hài lòng của người bệnh. Thực hiện minh bạch, công khai và tăng cường quản lý các hoạt động KCB để hạn chế, ngăn chặn tình trạng trục lợi BHYT, lạm dụng kỹ thuật cao, thuốc bệnh đắt tiền. Bộ Y tế cũng sẽ sớm ban hành quy trình kỹ thuật, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị để các bệnh viện trong toàn quốc thống nhất thực hiện. Xây dựng các phòng xét nghiệm đạt chuẩn quốc tế và chuẩn quốc gia, từng bước nâng cao chất lượng xét nghiệm, tránh tình trạng người bệnh phải thực hiện một xét nghiệm nhiều lần khi chuyển viện, chuyển tuyến.
Đổi mới phương thức quản lý
Một trong những vấn đề cần đổi mới rất được quan tâm trong thời gian qua là đổi mới cơ chế tài chính y tế thông qua BHYT. Đại diện Bộ Y tế cho biết: sẽ từng bước chuyển đổi cơ chế cấp NSNN gắn với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Chuyển hình thức cấp NSNN cho cơ sở cung ứng dịch vụ sang cấp tực tiếp đối tượng thụ hưởng dịch vụ thông qua hình thức BHYT. Xem xét đề xuất tăng tỷ lệ phân bổ kinh phí hàng năm đối với các địa phương vận động được nhiều người tham gia BHYT. Đồng thời sửa đổi, bổ sung giá thu một phần viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ, đổi mới phương pháp thanh toán chi trả phù hợp. Nghiên cứu xây dựng gói quyền lợi BHYT phù hợp với mức đóng BHYT, đáp ứng yêu cầu chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân, đảm bảo cân đối quỹ và sự bền vững của chính sách BHYT.
Tăng cường công tác thanh, kiểm tra
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách BHYT của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, đặc biệt là vai trò chỉ đạo của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Thực hiện nghiêm các biện pháp xử phạt theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHYT.
Nội dung kiểm tra, giám sát sẽ tập trung vào việc thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về việc phát triển đối tượng tham gia, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh tiếp cận dịch vụ y tế, hạn chế tình trạng trục lợi Quỹ BHYT…
Nguồn baohiemxahoi.gov.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT