Mới đưa được 7.500 lao động huyện nghèo ra nước ngoài

08/04/2013 06:59 AM


Sau 3 năm triển khai Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ về “Hỗ trợ các huyện nghèo trong cả nước đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020” (Đề án 71), mới có gần 7.500 lao động từ các huyện nghèo được đưa đi làm việc ở nước ngoài.


Đưa lao động nghèo đi làm việc ở nước ngoài cần phải đầu tư chất lượng (lớp học bồi dưỡng kiến thức cho lao động nghèo đi xuất khẩu lao động của Công ty Vĩnh Cát).

Con số được Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH thống kê cho thấy còn rất xa mới đạt được mục tiêu đề ra. Và đằng sau con số ấy là câu chuyện dở khóc dở cười của các doanh nghiệp dịch vụ xuất khẩu lao động (XKLĐ) được giao thực hiện Đề án khi đối tượng chủ yếu đưa đi là đồng bào dân tộc. Hướng giúp đồng bào thoát nghèo bằng XKLĐ là chủ trương đúng nhưng cần có giải pháp mới và cách làm nhất quán, không thể nóng vội.

Còn nhớ ngay sau Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Đề án 71 ngày 29/4/2009, rất nhiều doanh nghiệp XKLĐ hy vọng được làm vì nghĩ đây là miếng bánh hấp dẫn khi mà giữa lúc khủng hoảng kinh tế, việc người lao động được hỗ trợ vốn vay, được đào tạo nghề, học ngoại ngữ miễn phí sẽ khiến cho việc tạo nguồn lao động trở nên dễ dàng hơn. Nhưng đến khi bắt tay vào thực hiện thì mọi chuyện lại không đơn giản và trôi chảy như đã nghĩ.

Là một trong những doanh nghiệp thực hiện Đề án 71, ông Nguyễn Ngọc Hoan, Giám đốc Công ty Đào tạo nghề - XKLĐ Gaet (thuộc Bộ Quốc phòng) cho biết, thực hiện Đề án này, tuyển được người để đào tạo đã gian nan, tỉ lệ bỏ học sau đào tạo lại lên tới 40-50% ở mỗi lớp. Còn ông Đàm Trung Bắc, Tổng giám đốc Công ty Gmap, cho biết, tuyển lao động vùng cao, miền núi, vùng dân tộc thiểu số... gặp nhiều nhiêu khê, từ thuê xe ôm đưa họ ra điểm tập kết, làm CMND cho họ (vì hầu hết không có)... kéo theo nhiều chi phí mà không thể thanh toán được vì các mục này không có trong quy định của Đề án.

Công ty Sovilaco cũng cho biết hàng trăm lao động mà công ty đưa đi Malaysia làm việc hết hạn hợp đồng trở về mà họ vẫn chưa nhận xong tiền từ đề án. Cộng thêm tình trạng một số công ty thực hiện Đề án 71 kiểu chụp giật, chạy theo số lượng, bỏ bê lao động khiến họ bỏ về trước thời hạn khá đông, gây dư luận xấu khiến các công ty làm ăn đàng hoàng gặp rất nhiều khó khăn khi về các địa phương tuyển người.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Đoàn Đại Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Cung ứng nhân lực quốc tế và Thương mại (SONA) chia sẻ, thực hiện đưa lao động người dân tộc huyện nghèo đi XKLĐ mất nhiều thời gian, công sức nhưng hiệu quả còn chưa cao. Kinh nghiệm từ công ty ông cho thấy, nhiều chuyến đưa đi được từ 5 đến 7 lao động, nhưng chỉ cần 1 lao động nhớ nhà đòi về là tất cả lao động cùng xin về. Nhưng càng làm thì càng có thuận lợi, nếu như đã gây dựng được phong trào ở một địa phương, trong một làng, một bản có người đi gửi được tiền về thì sẽ có nhiều lao động khác đăng ký đi, khai thác nguồn cũng không phải quá khó. Một trong những vướng mắc về mặt giải ngân nguồn tiền hỗ trợ hiện cũng đã được giải quyết bằng việc doanh nghiệp được tạm ứng trước. Ông Thành cho biết, đây cũng là một trong những giải pháp để doanh nghiệp chủ động tạo nguồn lao động.

Theo lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước thì trong năm Bộ LĐ-TB&XH sẽ có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó sẽ lựa chọn kỹ và công khai tên doanh nghiệp được phép đưa lao động đi XKLĐ. Nên chăng, với Đề án 71 không cần đặt nặng vấn đề số lượng, mà cần đầu tư cho chất lượng lao động, chất lượng của các hợp đồng, để người lao động thấy, tin mà tự khắc thay đổi tư duy.

Đề án được thực với tổng kinh phí 4.715 tỉ đồng, trong đó phần vốn hỗ trợ người lao động là 1.542 tỉ đồng, vốn tín dụng ưu đãi là 3.173 tỉ đồng. Mục tiêu của Đề án đưa thí điểm 10.000 lao động các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài (giai đoạn 2009-2010); 50.000 người (bình quân mỗi năm 10.000 người trong giai đoạn 2011-2015), tăng 15% trong giai đoạn 2016-2020 (so với giai đoạn 2011-2015).

Với sơ kết của Cục Quản lý lao động ngoài nước sau ba năm thực hiện đề án (tính đến năm 2012) chỉ đưa được 7.500 lao động của 56/62 huyện nghèo đi làm việc tại nước ngoài, so với tổng số lao động xuất khẩu của cả nước, số lao động xuất khẩu của 62 huyện này chiếm chưa tới 5%, trong khi dân số của 62 huyện này khoảng 2,4 triệu người, có 1,3 triệu người trong độ tuổi lao động.

Theo Báo CAND