Vì đâu học cao cũng thất nghiệp?

08/04/2013 02:52 AM


Định hướng nghề nghiệp sai sẽ gây lãng phí cho người học lẫn xã hội, tạo thêm áp lực thất nghiệp cho giới trẻ. Song tại sao một bộ phận lớn học sinh, giáo viên, phụ huynh, cán bộ quản lý ngày nay thiếu kỹ năng hoặc không quan tâm đến hướng nghiệp, muôn vàn kiểu tư vấn tuyển sinh vẫn chỉ để kéo học sinh về trường mình.


Thí sinh nên cân nhắc, chín chắn khi lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai (ảnh minh họa)

Tù mù thông tin định hướng nguồn nhân lực

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế đánh giá triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam 2013 tỏ ra nghi ngại các thống kê chính thức về tình hình thất nghiệp, việc làm được "cải thiện nhẹ" năm 2012, với các tỉ lệ lần lượt 1,99 và 2,8%, thấp hơn năm trước. Song đáng lo ngại hơn là quá thiếu những thông tin định hướng phát triển nguồn nhân lực hiện nay. Nhân lực trung, cao cấp tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn thừa - thiếu, hiệu quả sử dụng lao động tiếp tục thấp do đào tạo không gắn với nhu cầu xã hội. "Trong tháng 6/2013 phải xây dựng xong Đề án tổng thể giải quyết việc làm cho sinh viên ĐH, CĐ tốt nghiệp trong và ngoài nước nhưng chưa có việc làm, trình Thủ tướng Chính phủ" - Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực và đào tạo theo nhu cầu xã hội chỉ đạo Bộ GD-ĐT. Bộ này đồng thời phải nghiên cứu thành lập trang thông tin điện tử cho lưu học sinh nước ngoài về nước tìm việc làm.

Vậy là mùa tuyển sinh năm 2013, những thông số quan trọng về bức tranh tổng thể của thị trường lao động trong tương lai, cơ cấu ngành nghề và nhu cầu nhân lực từng bộ, ngành, địa phương được dự báo ra sao, chưa có. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận sau kiểm tra thực tế tình hình dạy học tại một số trường THCS ở vùng đông đồng bào dân tộc Khmer đã thẳng thắn: "Làm sao chúng ta tính toán để những giáo viên có rất nhiều bằng cấp thì cũng phải có thực chất. Đi học nữa thì không cần nhưng phải đào tạo lại thực chất, rồi bồi dưỡng"... Những ngành nào cần đào tạo lại, ngành nào hấp dẫn người học, cũng là những lỗ hổng thiếu thông tin dự báo.

Tư vấn vì trường hay vì trò?

Trong ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp toàn quốc, cán bộ một trường trung cấp kể: "Nói là đi tư vấn tuyển sinh nhưng cái chính là đi để giới thiệu trường, cố gắng cho các em biết và nhớ đến tên trường, còn thông tin về ngành học, học phí… đã có hết trong tờ rơi". Một nhân viên tư vấn khác cho biết muốn dễ bề hướng nghiệp tại các trường, phải "lót tay" cho đại diện của trường. Có vị hiệu trưởng một trường trung cấp chỉ mong sao "trung bình mỗi trường mình đến có một em đăng ký vào học trường mình là mừng". Hướng nghiệp lệch lạc, chủ yếu hướng thí sinh vào ngành lương cao, dễ đậu, chưa quan tâm đến nhu cầu thực sự của thị trường lao động là nguyên nhân của nhiều năm qua hàng trăm ngàn cử nhân ra trường thất nghiệp. Bộ có cấm mở ngành nọ ngành kia cũng chỉ là tình thế. Có cử nhân tốt nghiệp ngành kinh tế của một trường ĐH đã gần 2 năm, nay vẫn đang phục vụ bàn tại các nhà hàng, quán bia… Em than thở mình và nhiều bạn bè thất nghiệp cũng vì trước đã không được hướng nghiệp tốt. Nếu theo học khối ngành kỹ thuật, có thể cơ hội tìm việc làm tốt hơn. Trong khi công tác dự báo thông tin quốc gia về phát triển nguồn nhân lực chưa được đầu tư bài bản để trở thành kênh thông tin đáng tin cậy, giúp người học định hướng khi chọn nghề và hỗ trợ các cơ sở đào tạo đưa ra chỉ tiêu đào tạo sát nhu cầu, một số ít trường đã tìm ra cách làm hay.

"Tuyển sinh đi cùng tuyển dụng"

Đây là chương trình vừa được trường cao đẳng nghề Công nghệ thông tin iSpace, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động cùng Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh công bố. Với chương trình này người học hoàn toàn có thể yên tâm theo đuổi nghề nghiệp mong muốn và nhà tuyển dụng cũng hạn chế được thời gian chi phí phát sinh cho việc tìm kiếm, tuyển chọn và đào tạo ứng viên. Bởi lẽ nhà trường sẽ đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp với những tiêu chuẩn chuyên môn và kỹ năng được yêu cầu. Doanh nghiệp sẽ trực tiếp tham gia huấn luyện ứng viên. Trường này cam kết với người theo học sẽ có việc làm khi ra trường cũng như nguồn thu nhập tương xứng với trình độ khi được đào tạo.

"Hãy đừng giới hạn bản thân, hay bạn bè của bạn, hay các thành viên trong gia đình bạn bằng những gì bạn làm hoặc những gì bạn nói về những người khác. Hãy ủng hộ sự đa dạng và mở rộng cơ hội của chúng ta" - bà Suzette Mitchell, Trưởng đại diện Cơ quan Phụ nữ LHQ tại Việt Nam - nhấn mạnh. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai; lồng ghép chương trình xúc tiến việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ và những người lao động chưa có việc làm với chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề giai đoạn 2012-2015. Triển khai việc xây dựng cơ sở dữ liệu về nhân lực và việc làm của địa phương.

Theo Đại Đoàn Kết