Sau 5 năm nhập WTO: Thất nghiệp có xu hướng tăng nhanh hơn

05/04/2013 09:43 AM


Sau khi gia nhập WTO, thất nghiệp có xu hướng tăng nhanh hơn với tỷ lệ tăng từ 2,4% lên 2,7% trong giai đoạn 2007 đến nay, so với mức từ 2,1% lên 2,3% giai đoạn 2002-2006.


Đăng ký nhận bảo hiểm thất nghiệp

Đây là một trong những phát hiện được công bố tại hội thảo về báo cáo Tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO do viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức sáng 3.4 tại Hà Nội.

Theo đó, năm 2011, ước tính cả nước có 1,393 triệu người thất nghiệp, tăng hơn 362 nghìn người so với cuối năm 2006. Tỷ lệ thất nghiệp thành thị tuy giảm đều, từ 5,1% xuống còn khoảng là 4,1% năm 2011, nhưng vẫn cao hơn ở nông thôn. Xu hướng này có thể bị phá vỡ do tác động cộng hưởng của suy giảm kinh tế và một phần biểu hiện lạm dụng quĩ bảo hiểm thất nghiệp.

Những vùng kinh tế phát triển hơn như Đông Nam bộ thường có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn. Thất nghiệp vẫn là vấn đề chủ yếu đối với thanh niên. Một bộ phận đáng kể lao động có chuyên môn kỹ thuật bị thất nghiệp. Ở mức độ nhất định, điều này phản ánh sự bất cập của hệ thống giáo dục trong việc đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Thiếu việc làm là vấn đề đáng quan tâm ở Việt Nam. Năm 2011 cả nước có 3,1 triệu lao động đang làm việc dưới 35 giờ/tuần, chiếm 6,1% tổng số lao động có việc làm. Trên 2/3 số lao động này đang làm việc ở khu vực nông thôn nên tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 7%, cao hơn rất nhiều so với khu vực thành thị (3,8%), cho thấy yêu cầu tạo thêm việc làm và tiếp tục chuyển dịch cơ cấu lao động tại nông thôn, nhất là việc làm phi nông nghiệp là rất cấp bách.

Các nhóm có tỷ lệ thiếu việc làm cao nhất là người làm việc trong ngành nông nghiệp (chiếm 69,8% tổng số lao động thiếu việc làm) và nhóm lao động tự làm và lao động gia đình không hưởng lương, thuộc nhóm việc làm không bền vững với thu nhập thấp, không ổn định và điều kiện lao động không đảm bảo (71,8%).

Trong khi đó, báo cáo cũng đánh giá, trong 5 năm sau khi gia nhập WTO, cơ cấu GDP chuyển dịch không rõ nét và không theo xu hướng từ nông – lâm – thủy sản (NLTS) sang công nghiệp xây dựng (CNXD) và dịch vụ như đã đặt ra trong Kế hoạch 2006-2010.

Đến năm 2011, tỷ trọng khu vực NLTS tăng 1,7 điểm phần trăm so với năm 2007, trong khi đó hai khu vực CNXD và dịch vụ đều giảm xuống tương ứng là 1,2 điểm phần trăm và 0,5 điểm phần trăm. Chỉ tiêu kế hoạch NLTS chiếm 15-16% GDP, CNXD 43-44% và dịch vụ 40-41% vào năm 2010 đã không đạt được. Nguyên nhân của việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế không như mong muốn chủ yếu là do hai ngành CNXD và dịch vụ tăng trưởng thấp hơn kế hoạch.

Đáng lưu ý, theo báo cáo, trong giai đoạn 2006-2008, Việt Nam thu được lợi ích ngày càng ít hơn từ xuất khẩu vào Trung Quốc, ngay cả khi xuất khẩu vào thị trường này vẫn tăng.

Ngược lại, tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng nhanh nhất, từ mức bình quân 13,4% giai đoạn 2002-2006 lên đến 23,3% giai đoạn 2010-2011. Kết quả này một phần là do thực hiện các công trình tổng thầu mà nhà thầu Trung Quốc thực hiện ở Việt Nam, và do khả năng cạnh tranh về giá của các mặt hàng Trung Quốc

Đặc biệt, thâm hụt thương mại của Việt Nam với một số nước Đông Á có hiệp định thương mại tự do với ASEAN (như Trung Quốc, Hàn Quốc) đã ở mức khá lớn và có xu hướng tiếp tục tăng. Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 vô hình trung đã có tác động tích cực làm hạn chế tốc độ tăng thâm hụt thương mại hàng hóa, nhưng chỉ là tác động nhất thời.

Tính theo tỷ lệ kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trên GDP, độ mở thương mại của Việt Nam đã tăng gần như liên tục, từ 130,4% năm 2005 lên 157,4% vào năm 2008. Sau khi sụt giảm vào năm 2009, độ mở thương mại tăng trở lại kể từ năm 2010 và đạt tới 166,1% vào năm 2011.

Theo hình thức sở hữu, mặc dù số lượng DNNN giảm mạnh qua các năm, lao động làm việc trong khu vực nhà nước vẫn tiếp tục tăng cho thấy việc tinh giảm biên chế trong khu vực này vẫn còn nhiều vấn đề.

Theo Sài Gòn tiếp thị