Cuộc mưu sinh nghiệt ngã của người Việt nơi xứ tuyết

05/04/2013 09:33 AM


Đến được "miền đất hứa", nhiều người Việt đã vỡ mộng. Bởi nơi ấy, không phải là "thiên đường" như họ vẫn tưởng tượng.


Anh Nguyễn Văn Tuyến đang đứng bếp tại Ba Lan

Vỡ mộng nơi "miền đất hứa"

Ông Nguyễn Văn Kiên, một Việt kiều sống hơn 10 năm ở Ba Lan cho biết: "Cộng đồng người Việt ở Ba Lan sống chủ yếu bằng hai nghề chính là đi bán hàng và làm phụ bếp. Công việc bán hàng, tập trung ở các trung tâm của người Hoa hoặc các chợ lẻ tại thủ đô Vacsava. Trước đây, người Việt tập trung bán hàng rất nhiều tại chợ sân vận động Mười Năm. Thế nhưng, sân vận động này đã bị giải tán năm 2010 để xây dựng khu liên hiệp thể thao. Vậy là hàng nghìn người Việt lao đao, rất nhiều người không còn công ăn việc làm đã phải về nước. Giấc mộng đổi đời đã vỡ tan theo sự thay đổi quy hoạch của đất nước Ba Lan. Công việc bán hàng tuy không nặng nhọc nhưng lại phải đối diện với thời tiết khắc nghiệt. Những ngày mùa đông ở Ba Lan, có khi thời tiết xuống dưới âm 30oC. Tôi làm nghề bán hàng giày dép ở chợ đã phải đi đến năm đôi tất dày cộp, quấn thêm cả giấy báo mà vẫn tê buốt, đôi chân sưng tấy và không còn cảm giác".

Việc bán hàng, mưu sinh ở xứ sở xa lạ này đòi hỏi nhiều yếu tố khác nhau, nó rất khác với thói quen buôn bán nhỏ lẻ của người Việt Nam. Nhiều người Việt mới vượt biên sang, chưa hiểu mô tê gì, vẫn giữ lề thói buôn bán cũ đã phải chịu phạt rất nặng. Nhất là những người bán hàng thực phẩm châu Á, do không có nguồn gốc, lại bảo quản không kỹ, ngay lập tức, họ bị các nhà chức trách tịch thu hàng và cấm kinh doanh. Có nhiều người đã bị tịch thu hết hàng, đến trắng tay, cụt vốn, phải đi vay lãi của người Việt mới có tiền để buôn bán tiếp. Có người không thể tiếp tục buôn bán thì đi làm thuê, kiếm vài đồng, đủ đắp đổi qua ngày. Họ sống như cái bóng của chính mình. Lúc đi thì hăm hở, sang đến "miền đất hứa" thì đắng cay, ngậm ngùi, sống không ra sống, mà chết thì không thể.

Chuyện bếp núc - mở cửa hàng bán đồ ăn - của người Việt Ba Lan cũng nhiều đắng cay, bi hài. Anh Nguyễn Văn Tuyến, một người chọn nghề đầu bếp thay cho bán hàng để mưu sinh ở xứ sở lạnh giá, chia sẻ: "Ở đây, người ta đòi hỏi rất kỹ về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi đoàn công tác đến kiểm tra, họ chỉ cần miết tay vào bên ngoài tủ lạnh (đựng thực phẩm) mà có vết bẩn, ngay lập tức bị lập biên bản. Lần sau đến kiểm tra, vẫn như vậy, họ cấm kinh doanh, thu giấy phép luôn. Đã có biết bao nhiêu người Việt làm lụng nhiều năm mới dành dụm được tiền để đầu tư mở cửa hàng ăn, chỉ cần một sơ suất nhỏ, bị đóng cửa nhà hàng, thế là trắng tay, làm lại từ đầu".

Đi chợ hơn 100km để mua rau

Dù ở cách xa quê hương ngàn dặm nhưng cộng đồng người Việt vẫn cố gắng giữ thói quen sinh hoạt như ở nhà. Ông Nguyễn Văn Kiên tâm sự: "Sang Ba Lan đã hơn 10 năm nhưng tôi vẫn giữ thói quen ăn uống của người Việt. Trong căn phòng nhỏ chưa đầy 20m2, mỗi buổi tối, khi đi làm về, tôi cùng ba người Việt khác vẫn thổi cơm, luộc mấy cọng rau và chấm nước mắm ăn. Đây cũng là thời điểm quây quần duy nhất trong ngày của anh em người Việt, sau một ngày vất vả mưu sinh, cũng là lúc chúng tôi chia sẻ, được trải lòng với nhau về nỗi nhớ quê nhà. Xa nhà nên "thèm" người lắm, có những lúc lãng đãng bước trên đường phố mà lòng cứ miên man nhớ đến câu thơ "Chiều về trên phố lạ/muôn mặt người không quen/Tần ngần trên phố vắng/Nhớ một người đồng hương". Nếu lúc ấy mà bất chợt nghe được ai đó nói một câu tiếng Việt thì kiểu gì cũng gọi lại để được hỏi bằng tiếng mẹ đẻ, để được nghe về quê hương Việt Nam".

Với ông Kiên và nhiều người Việt Nam ở Ba Lan thì những ngày lễ của Ba Lan hay ngày rằm, lễ, tết của người Việt Nam, là thời gian nghỉ ngơi để cùng tập trung nhau lại, hàn huyên tâm sự. Trong mỗi bữa tiệc như thế, bao giờ họ cũng chọn những món rất Việt Nam để được thỏa nỗi nhớ nhà. Thường thì họ sẽ làm món nem, phở, bún chả... Hôm nào "chơi sang" thì có lòng lợn, tiết canh và thỉnh thoảng còn có cả mắm tôm nữa. Ông Kiên cho biết, ở châu Âu, muốn ăn lòng lợn không đơn giản. Để có được một bữa lòng lợn, họ sẽ phải chuẩn bị rất cầu kỳ. Để kiếm được cỗ lòng và tiết, họ phải tiếp cận và hướng dẫn những người làm nghề giết mổ lợn trong các lò mổ ở Ba Lan cách hãm tiết, sơ chế lòng. Sau khi xin được lòng, tiết rồi, họ phải cẩn thận giấu kín, mang về chế biến. Nhưng khó tìm nhất là rau châu Á, để có một bữa lòng lợn, có rau thơm đúng vị, ông Kiên phải đi hơn 100km mới đến chợ bán đồ châu Á mua được những cọng rau húng, mùi... Những thứ rau này rất đắt nên họ phải ăn dè xẻn, mà mua thì không nhiều.

Xin tiền làm... đám ma

Tìm công việc ổn định để mưu sinh ở xứ sở lạnh giá đã rất khó khăn, nhưng khó khăn hơn là cộng đồng người Việt phải đối mặt với những cuộc kiểm tra giấy tờ tuỳ thân đột xuất. Do người Việt sang Ba Lan làm ăn phần lớn là vượt biên trái phép nên lúc nào họ cũng lo lắng, bất an. Nhiều khi nửa đêm, cảnh sát gõ cửa, kiểm tra giấy tờ là chẳng ai bảo ai, họ cứ run bần bật. Người không có giấy tờ tuỳ thân hợp pháp phải chui vào trong chăn không dám thở vì sợ bị lộ và để người có giấy tờ ra nói chuyện. Nếu bị phát hiện không có giấy tờ, người đó bị gom vào trại tị nạn một năm hoặc có thể bị trục xuất ra khỏi lãnh thổ Ba Lan bất cứ lúc nào. Đã có nhiều cuộc chạy trốn rất nguy hiểm và đắng cay. Vào năm 2011, gần phòng trọ của ông Kiên đã xảy ra một chuyện đau lòng vẫn ám ảnh ông đến tận bây giờ. Đó là một đêm đầu đông, khi những đợt tuyết bắt đầu rơi phủ lác đác trên các mái nhà. Khi ông và mọi người đang thiu thiu giấc ngủ thì bỗng có tiếng động lớn, sau đó là tiếng gào khóc thê lương. Khoác vội chiếc áo lông ra ngoài trời, ông như không muốn tin vào mắt mình nữa. Một xác anh thanh niên Việt Nam nằm gục xuống vệ đường, loang lổ máu, người còn lại thì đang ngất lịm đi. Mọi người cho biết, đó là hai thanh niên quê Nghệ An vừa sang Ba Lan được một tuần, khi cảnh sát đến kiểm tra giấy tờ, hai người này trốn ra ban công, nhưng chẳng may gây ra tiếng động. Khi cảnh sát tìm tới, hai người liều mình nhảy xuống từ căn hộ năm tầng, một người chết tại chỗ, người kia bị gãy một chân. Sau cái chết của anh thanh niên, người ta phải ôm di ảnh của anh đi khắp các chợ lẻ có người Việt sinh sống để xin tiền về quê mai táng cho anh. Sự việc đau lòng ấy đã gây xôn xao dư luận trong suốt thời gian dài.

Theo GDVN