Có nghề, có tương lai
27/03/2013 09:41 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
(NLĐ) - Trước thực trạng cử nhân “treo bằng làm công nhân”, nhu cầu tuyển dụng lao động kỹ thuật ngày càng cao thì các trường nghề là lựa chọn của nhiều bạn trẻ.
Hào hứng tham quan Trường Trung cấp Bách khoa Sài Gòn (huyện Củ Chi - TPHCM), được tận mắt thấy môi trường học tập ở đây, em Nguyễn Quốc Trung, học sinh (HS) Trường THPT Trung Phú (huyện Củ Chi) càng vững tâm hơn với quyết định học nghề sau khi tốt nghiệp THPT. “Do điều kiện gia đình khó khăn nên em chọn học nghề để sớm có việc làm phụ giúp gia đình” - Trung chia sẻ.
Với cơ sở khang trang, hiện đại, Trường Trung cấp Bách khoa Sài Gòn là lựa chọn của nhiều học sinh, lao động
Thay đổi nhận thức nghề nghiệp
Nguyễn Quốc Trung cho biết nhiều bạn học cùng lớp với em sau khi tham quan trường nghề đã phần nào thay đổi nhận thức, muốn chọn con đường học nghề để tiến thân. Trung nói: “Em có khiếu và yêu thích công việc sửa chữa ô tô, xe máy nên sẽ chọn nghề này. Nghe mọi người nói học nghề dễ có việc nên em càng yên tâm”.
Mặc dù có học lực khá nhưng Hồ Công Anh, HS lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức - TPHCM), lại dự định theo học trung cấp cơ điện tử Trường CĐ nghề Kỹ thuật Công nghệ TPHCM. Công Anh cho rằng vào ĐH không phải là con đường duy nhất để thành công. “Em có tìm hiểu thông tin, biết nhiều người tốt nghiệp ĐH nhưng thất nghiệp, phải làm việc trái nghề. Mục đích của học tập là để có được nghề nghiệp ổn định cho tương lai, nếu đã học mà vẫn thất nghiệp hoặc học mà không áp dụng kiến thức đã học vào công việc thì sẽ lãng phí. Với điều kiện của mình, em nghĩ học nghề là cơ hội để em có được công việc ổn định, đúng sở trường” - Công Anh lập luận. Các hoạt động tư vấn tuyển sinh, tổ chức tham quan trường nghề đang được nhiều trường đẩy mạnh đã góp phần làm thay đổi nhận thức nghề nghiệp của giới trẻ.
Con đường ngắn nhất để có việc làm
Tại ngày hội hướng nghiệp tuyển sinh “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai” do Báo Giáo Dục TPHCM phối hợp với Trường Trung cấp Bách khoa Sài Gòn tổ chức mới đây, TS Lưu Đức Tiến, Phó trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết cơ cấu tháp trình độ nguồn nhân lực ở các nước tiên tiến hiện nay là 1 kỹ sư - 4 trung cấp - 10 công nhân kỹ thuật, trong khi Việt Nam thì ngược lại. Sự mất cân bằng này diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp (DN) gia tăng tuyển dụng lao động qua đào tạo nghề, cửa học nghề rộng lớn nhưng ít người vào.
Trên thực tế, ở khắp các tỉnh - thành, từ trong đến ngoài các KCX, KCN, các DN sản xuất đều thiếu hụt trầm trọng lao động kỹ thuật. Tại TPHCM, dựa trên các khảo sát, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường TPHCM, khẳng định nhu cầu tuyển dụng công nhân kỹ thuật đã qua đào tạo nghề có xu hướng tăng từ 35% - 40%. Ông Tuấn nhấn mạnh: “Trước xu hướng phát triển của DN, giới trẻ cần thay đổi định hướng nghề nghiệp, trong đó học nghề là con đường ngắn nhất để có việc làm, ổn định nghề nghiệp”.
Phân tích về những lợi ích của việc học nghề, ông Châu Văn Dưỡng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa Sài Gòn, cho rằng nếu chọn học nghề sau khi tốt nghiệp THCS, THPT thì khoảng 3-4 năm, các em sẽ có trong tay bằng nghề. Như vậy, thời gian học sẽ được rút ngắn rất nhiều. Nếu muốn học liên thông, các em có thể theo học các khóa học vừa làm vừa học.
Doanh nghiệp “khát” lao động kỹ thuật
Bà Huỳnh Thị Kim Bắc, Phó Phòng Hành chính Nhân sự - Công ty CP May Quốc tế Thắng Lợi, cho biết hiện nay, lao động kỹ thuật luôn là ưu tiên hàng đầu đối với DN. Không những thế, để tận dụng nguồn lực sẵn có, các DN ngày càng quan tâm, tạo điều kiện cho công nhân theo học các lớp đào tạo nghề để nâng cao tay nghề, hiệu quả lao động.
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT