Nghịch lý dân Việt: Cho tôi được... nghèo
28/06/2013 07:57 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Không đâu như ở Việt Nam, người dân mong mình mãi là người nghèo để hưởng các chính sách vay vốn, an sinh.
Gia đình ông Đoàn Văn Thủy (xã Canh Hòa, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) có 2 ha đất sản xuất nhưng vẫn sống trong căn nhà lụp xụp hơn 10 năm nay
Trong một lần đi công tác ở huyện miền núi, ông Phan Như Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Bình Định, ngỡ ngàng khi thấy một phụ nữ lặn lội hơn 10 km đến gặp ông chỉ để xin... trở lại hộ nghèo.
Du di xét duyệt hộ nghèo
Gia đình người phụ nữ này trước đây thuộc diện hộ nghèo, được hưởng các chính sách ưu đãi về vay vốn, an sinh. Sau 3 năm, thẩm định lại, xét thấy thu nhập của hộ này trên 400.000 đồng/khẩu nên địa phương đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo. Mặc dù đã được giải thích nhiều lần nhưng người phụ nữ này vẫn cố tìm gặp lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH để khiếu nại. "Vì có nhiều chính sách ưu đãi cho hộ nghèo nên họ cứ muốn ở mãi trong diện nghèo. Chuyện này xảy ra khắp nơi. Theo tôi, cũng một phần lỗi từ chính quyền địa phương" - ông Hải nhận định. Ông Trần Thanh Bình, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội Sở LĐ-TB-XH tỉnh Phú Yên, thừa nhận có sự du di trong việc xét duyệt hộ nghèo tại các địa phương: "Ở nông thôn, thu nhập trên 400.000 đồng/khẩu thì không thuộc diện hộ nghèo nhưng nhiều hộ thu nhập 410.000 đồng/khẩu. Đúng là họ thoát nghèo không bền vững nên các địa phương cũng cho là hộ nghèo".
Tư tưởng xin được nghèo không chỉ có ở người dân mà cả các cấp chính quyền. Vì vậy, tỉ lệ hộ tái nghèo hằng năm ở 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên khá cao, khoảng trên 10%. Không riêng gì ở tỉnh Phú Yên, Bình Định, tâm lý "muốn nghèo" cũng còn trong một số cán bộ ấp, xã của tỉnh Trà Vinh, Hậu Giang, Quảng Nam... Hộ ông Lê Út Em - Phó trưởng Công an ấp Xẻo Trâm, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang - có 5 người và 6 công ruộng. Ngoài người mẹ lớn tuổi, anh em của ông Em đều trưởng thành, có khả năng lao động, kinh tế gia đình ổn định. Tuy nhiên, trong đợt bình xét năm 2012, hộ ông Em trở thành hộ cận nghèo. Gần đó, nhà ông Trần Văn Út, trưởng ấp Xẻo Trâm, có ngôi nhà tường kiên cố, ruộng đất trồng trọt đã vượt ngưỡng hộ cận nghèo vẫn được bình xét là hộ nghèo. Vụ việc khiến người dân trong ấp bức xúc, tố giác lên chính quyền xã.
"Quy trình bình xét hộ nghèo, cận nghèo do ấp nắm rồi mới trình lên xã. Do vậy, có những việc xã chưa nắm hết thông tin. Đối với trường hợp ông Trần Văn Út, qua kiểm tra lại thấy hộ này không đúng tiêu chuẩn hộ cận nghèo nên xã sẽ họp dân đưa ra khỏi diện cận nghèo" - ông Võ Văn Kết, Chủ tịch UBND xã Hòa An, trần tình. Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Trà Vinh, phân tích do Nhà nước có nhiều chính sách quan tâm đến người nghèo như xây dựng nhà ở, BHYT, miễn giảm học phí cho con em hộ nghèo, ưu đãi vay vốn... Vì vậy, các hộ nghèo sau nhiều năm được hỗ trợ đã có thu nhập cải thiện cuộc sống nhưng không chịu thoát nghèo và trả lại sổ bởi nếu ra khỏi hộ nghèo, họ sẽ mất tất cả các khoản ưu đãi nói trên.
Tố nhau đã "giàu"
Tình trạng người dân ỷ lại, lười lao động, kiên quyết bám nghèo đã gây không ít khó khăn cho cán bộ địa phương. Tại tỉnh Quảng Nam, mỗi năm, UBND tỉnh đều giao khoán chỉ tiêu thoát nghèo cho các huyện, huyện lại giao về cho xã hỗ trợ những hộ thực sự thoát nghèo để báo cáo. Theo quy trình này, nhiều cán bộ cấp xã cũng như Phòng LĐ-TB-XH huyện Tây Giang lắc đầu ngao ngán. "Muốn đưa một hộ ra khỏi diện nghèo không dễ. Cán bộ phải đi vận động, tuyên truyền nhiều lần, bà con mới đồng ý" - bà Nguyễn Thị Tùng, chuyên viên Phòng LĐ-TB-XH huyện Tây Giang, kể.
Ông A Lăng Thành, Phó Chủ tịch xã Bhallê, huyện Tây Giang, cho biết, năm 2013, huyện giao chỉ tiêu về xã, bình quân mỗi thôn phải có 4 hộ thoát nghèo. Để tìm được 4 hộ này, xã cũng phải "mòn con mắt" vì hầu hết các hộ đều giấu nguồn thu nhập. Nhiều hộ dù thu nhập đã khá hơn, mua sắm được tivi, xe máy nhưng khi cán bộ đến điều tra thì mang giấu đi hết. Từ đó, xảy ra việc giữa các hộ tố giàu lẫn nhau. Vì không muốn mình thoát khỏi diện nghèo nên các hộ đã mang việc hàng xóm có thu nhập tăng cao, không còn nghèo khổ nữa báo với cán bộ thôn, xã.
Theo ông Bríu Hùng, Phó Chủ tịch xã Lăng, huyện Tây Giang, xã đã tuyên truyền cho người dân hiểu không thể trông chờ mãi vào chính sách mà cần chăm chỉ lao động, phải chấp nhận thoát nghèo thì mới có động lực để phát triển kinh tế. Ông Phan Như Hải cho rằng việc xét duyệt hộ nghèo thường bắt đầu từ cấp thôn. Do tình làng nghĩa xóm, sợ mất lòng nhau nên có những trường hợp không phải hộ nghèo cũng được đưa vào diện nghèo. Mặt khác, chính quyền địa phương thường nói rất rõ các chính sách ưu đãi hộ nghèo mà "quên" đề cập mục đích của việc hỗ trợ nhằm giúp dân thoát nghèo và khi đời sống của họ đã khá hơn, các chính sách này sẽ chuyển sang cho những hộ nghèo khác. Vì không giải thích cặn kẽ nên người dân thường chỉ thấy cái lợi trước mắt mà quên đi việc cần chia sẻ với những đối tượng khó khăn hơn.
Bán "xác" nhà tình thương
Tại xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, nhiều hộ nghèo được cấp nhà tình thương theo Chương trình 135 và Quyết định 167 của Chính phủ nhưng phần vì khó khăn, phần không chí thú làm ăn nên đã bán cả "xác" nhà. Việc làm này đã diễn ra nhiều năm nhưng chính quyền địa phương không hề hay biết. Hộ anh Thạch Sa Quết (ngụ ấp 2, xã Phong Thạnh) được nhà nước hỗ trợ xây nhà vào năm 2009 với số tiền gần 16 triệu đồng. Đến năm 2011, anh Quết đánh người gây thương tích, phải đi tù. Không có tiền bồi thường cho nạn nhân nên mẹ anh Quết đã dỡ 6 cây cột trong nhà với giá 4 triệu đồng để đền bù. Ngoài ra, tại xã Phong Thạnh còn có 9 hộ bán "xác" nhà.
Vô tư 'nướng' tiền hỗ trợ chính sách vào... "nhậu"
Hàng loạt chính sách hỗ trợ người dân thoát nghèo không đạt hiệu quả do nhiều hộ còn ỷ lại, chây lười, vô tư lấy tiền nhà nước giúp đỡ đi nhậu nhẹt, mua sắm... Xã Mường Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa nằm cách thành phố Thanh Hóa hơn 200 km. Đường sá chỉ là những lối mòn do dân tự mở nên học sinh muốn theo được con chữ chỉ còn cách dựng lều, lán bằng tre nứa tạm bợ trên sườn núi. Dù nhận được nhiều chính sách hỗ trợ của nhà nước nhưng học sinh ở đây vẫn bữa đói bữa no.
Cha mẹ sắm xe máy, ti vi, con ăn rau rừng
Vừa tan lớp, Vàng A Phử, học sinh lớp 8A Trường THCS Mường Lý, chạy vội về căn lều trọ học tuềnh toàng nằm cheo leo bên sườn núi. Quăng mấy quyển sách trên tay, Phử lao ngay vào nồi cơm nguội bốc vài miếng cháy còn sót lại tối qua, ăn ngấu nghiến. "Em hết gạo rồi. Ăn tạm cho đỡ đói rồi chiều lên rừng kiếm rau về dùng" - Phử hồn nhiên. Chúng tôi đang hỏi chuyện Phử thì Vàng Thị Lý, học sau một lớp, người nhỏ thó, đen nhẻm, lếch thếch về căn lều, trên tay cầm một mớ rau rừng. Quần áo Lý đã bạc phếch, đôi dép tổ ong rách nát được buộc chằng chịt dây nhợ... Cũng như Phử và Lý, gần 100 học sinh ở Trường THCS Mường Lý luôn thiếu ăn, thiếu mặc. Vậy mà Vàng A Dư (học lớp 6, nhà thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ) đi đâu cũng lăm lăm trên tay chiếc điện thoại. "Bố mẹ em có mấy cái điện thoại dùng hết tiền vứt ở nhà. Đợi lúc bố mẹ lên rẫy, em lấy xuống đây nghe nhạc cho đỡ buồn" - Dư khoe.
Thầy Nguyễn Văn Hà, Hiệu phó Trường THCS Mường Lý, cho biết để tạo điều kiện cho con em vùng cao được đến trường, Chính phủ đã hỗ trợ chi phí học tập 70.000 đồng/tháng/học sinh (thông qua Nghị định 49 - năm 2010) và hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương tối thiểu (Quyết định 85 - năm 2010) cho học sinh bán trú. Trung bình, mỗi học sinh sẽ được trợ cấp 420.000 đồng/tháng, tức được 3 triệu 780.000 đồng/năm học. Trong năm học 2011-2012, chỉ tính riêng tiền trợ cấp hằng tháng cho các em, nhà trường đã chi trả hơn 1 tỷ đồng, chia làm 2 đợt. Nhận được tiền, phụ huynh không chăm lo cho con cái ăn học mà dùng để mua xe máy, sắm điện thoại, ti vi...".
Ông Đinh Công Đại, Chủ tịch UBND xã Mường Lý, thở dài: "Toàn xã có gần 70% hộ nghèo. Một số hộ ở vùng cao như bản Xì Lồ miếng ăn còn chưa đủ, nói gì đến có tiền sắm sửa. Vậy mà cứ đầu năm học, người ta lại thấy có hàng chục hộ nghèo 'lên đời' mua xe máy, ti vi; còn điện thoại di động thì không kể hết. Nhiều hộ khó khăn hơn còn được hỗ trợ thêm 180.000 đồng/tháng nhưng cứ cầm khoản tiền này trong tay là họ lại đi mua rượu uống hết, chẳng biết lo nghĩ gì đến con cái". Ngoài Mường Lát, tại các huyện nghèo khác của tỉnh Thanh Hóa như: Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước, Thường Xuân, Như Xuân..., 100% HS đều được hưởng trợ cấp như trên.
Được hỗ trợ vẫn đi... ăn xin
Trong khi đó, tại thôn Soi Nga, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, từ sáng sớm, cả đoàn người kéo đến các bến xe buýt để xuôi về thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định và thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên để... xin ăn. Ông Đoàn Văn Tiến (45 tuổi), nhà có 3 con đang ở tuổi lao động nhưng cứ xuống giống xong 2ha sắn là cứ phó mặc cho trời, ngồi nhà chờ người con út Đoàn Văn Triều mang tiền xin được của thiên hạ về sống. "Ở đây ai cũng vậy mà. Hơn nửa số hộ trong thôn đi xin ăn. Tiền hỗ trợ à, không đủ mua rượu, có đâu mà đủ sống" - ông Tiến thản nhiên. Ông Phan Như Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định, nói ông "phát sợ" chuyện xin ăn của các hộ dân xã Xuân Lãnh: "Chúng tôi đã thử dùng đủ biện pháp - từ việc phối hợp với chính quyền huyện Đồng Xuân vận động từng nhà, đến tập trung họ vào trung tâm bảo trợ xã hội, nhưng khi thả họ ra, đâu vẫn vào đấy. Họ xem xin ăn là chuyện đương nhiên".
Nghèo vì quá lười
Ông Hải cũng cho biết tỉnh Bình Định còn 46.000 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ hơn 11%. Trong đó, 3 huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão có tỷ lệ hộ nghèo luôn chiếm trên 45%. Dù được nhà nước hỗ trợ đã nhiều năm nhưng một số hộ dân vẫn không thể thoát nghèo vì quá lười. Ở huyện Vân Canh không xảy ra tình trạng ăn xin nhưng người dân cứ ra đường ngồi chống cằm rồi về... uống rượu. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Tây Giang - một trong những huyện nghèo nhất tỉnh Quảng Nam. Năm 2012, huyện này có 1.211 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 58,25%. Một số người còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào chính sách nên ăn nhậu say xỉn tối ngày.
Ông A Lăng Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Bhallê, đưa chúng tôi đến nhà ông A.L.C - một hộ nghèo với 7 thành viên sống chen chúc trong căn nhà nhỏ. Vợ ông C. phải làm lao động chính trong nhà để nuôi 5 đứa con cùng chồng. "Mỗi lúc có tiền hỗ trợ hộ nghèo, ông ấy nhận là về mua rượu hết. Suốt ngày, ông ấy chỉ biết uống rượu nhưng được cái không đánh vợ, đánh con" - vợ ông C. phân bua. Theo ông A Lăng Thành, Bhallê có không ít hộ thuộc diện nghèo nhiều năm nhưng không thể thoát nghèo. Riêng gia đình ông C. là hộ nghèo đã 7 năm nay. "Xã đã bó tay với gia đình này. Không có cách nào để giúp họ thoát nghèo. Vận động mãi, chúng tôi cũng chán" - ông Thành ngao ngán.
Tỷ lệ hộ nghèo ở tỉnh Phú Yên hiện chiếm gần 16%. Ông Trần Thanh Bình, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Phú Yên, cho biết hiện tỉnh đang đau đầu trong việc thu hồi vốn vay hỗ trợ hộ nghèo từ... 18 năm trước. Còn hơn 4 tỷ đồng nhưng các hộ nghèo vay không chịu trả.
Theo SGTT, Xzone
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT