Du lịch y tế: Việt Nam bỏ phí tiềm năng?

28/06/2013 07:52 AM


Thời gian gần đây, xu hướng du lịch kết hợp chữa bệnh và làm đẹp được nhiều người lựa chọn do những ưu điểm về chi phí và chất lượng. Tuy vậy, nếu không thận trọng và tỉnh táo, sẽ có nguy cơ mất tiền oan.


Tắm bùn ở Nha Trang

Du lịch hai trong một

Trong khu vực Đông Nam Á, nếu như Singapore có nhiều ưu thế vượt trội trong những lĩnh vực cấy ghép bộ phận cơ thể, sản khoa, phẫu thuật chỉnh hình, ung thư, giải phẫu thần kinh... thì Thái Lan lại được xem là điểm đến lý tưởng về du lịch chữa bệnh, giải phẫu thẩm mỹ do có đội ngũ bác sĩ hùng hậu được đào tạo ở nước ngoài. Do bị bệnh xương khớp đã nhiều năm nên vừa đầu hè, chị Đào Thu Thủy ở khu đô thị mới Mỹ Đình, huyện Từ Liêm quyết định sang Thái Lan để chữa bệnh kết hợp du lịch. Sau gần 1 tháng điều trị, chị Thủy rất phấn khởi khi bệnh tình có dấu hiệu thuyên giảm đã đi lại dễ dàng, thuận tiện hơn. Với suy nghĩ "đằng nào cũng một lần sang Thái", nhân tiện chị Thủy làm luôn phẫu thuật nâng mũi và cắt mí mắt. Sau khi kê đơn thuốc để chị Thủy về nước, bác sỹ điều trị dặn chị phải thăm khám lại sau 2 tháng: "Khi tôi trở về, hầu hết mọi người trong gia đình đều khen tôi trẻ đẹp ra. Bản thân tôi cũng thấy người nhẹ nhõm đi nhiều nên rất vui. Dù chưa biết kết quả điều trị lâu dài bệnh xương khớp ra sao nhưng phải công nhận rằng dịch vụ y tế ở nước ngoài rất tốt. Chi phí điều trị tuy cao hơn trong nước nhưng nếu kết hợp cả đi du lịch thì cũng hợp lý".

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, nửa năm nay phải vật lộn với bệnh thoát vị đĩa đệm nên tháng trước, anh Lê Đình Hùng ở phường Xuân La, quận Tây Hồ quyết định sang Singapore điều trị và thăm cô con gái đang học đại học bên đó. Sau 2 tuần nằm viện làm đủ các xét nghiệm, chụp chiếu, anh Hùng bị từ chối phẫu thuật với lý do "không đủ sức khỏe". Các bác sỹ yêu cầu anh về nước để "tẩm bổ", sau 3 tháng sang kiểm tra lại, nếu sức khỏe cho phép mới tiến hành mổ. Anh Hùng than thở: "Trước khi ra nước ngoài, tôi đã khám ở một số bệnh viện lớn trong nước và đều nhận được câu trả lời, bệnh của tôi phẫu thuật dễ dàng, không tốn kém thời gian và tiền bạc nhiều, thời gian phục hồi ngắn. Nhưng do cô con gái tôi sợ rủi ro nên tìm mọi cách thuyết phục bố sang khám và điều trị ở Singapore. Nay kết quả thế này đành "ta về ta tắm ao ta" vậy, coi như vừa mất một khoản tiền để đi du lịch".

Kết quả thăm dò dư luận do hãng Ipsos của Mỹ thực hiện với gần 19.000 người tại hơn 20 nước trên thế giới được công bố mới đây cho thấy, 30% số người được hỏi cho biết họ có kế hoạch du lịch nước ngoài kết hợp chữa bệnh, chăm sóc sắc đẹp, 18% số người cũng tỏ ra hứng thú với một chuyến du lịch "hai trong một". Theo nhiều du khách, du lịch y tế đã mang lại cho họ không ít lợi ích như tiết kiệm chi phí, được đi du lịch, được trải nghiệm dịch vụ chăm sóc y tế vượt trội hơn hẳn so với trong nước.

Lại ngẫm đến ta

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm, nước ta có khoảng 40.000 người ra nước ngoài chữa bệnh, với chi phí hơn 1 tỷ USD. Ngoài các điểm đến quen thuộc như Singapore, Thái Lan, không ít người còn sẵn sàng sang Mỹ, Pháp, Brazil... chữa bệnh. Bệnh nhân thường ra nước ngoài chữa bệnh khi phải ghép thận (do trong nước khan hiếm nguồn thận cho, hiến), các bệnh lý về tim mạch (đặc biệt là bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em), ung thư... Đặc điểm chung của các bệnh nhân này là có điều kiện kinh tế khá giả hay có người nhà ở nước ngoài.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Giám đốc một công ty lữ hành ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, số lượng du khách Việt đăng ký các tour đi du lịch nước ngoài ngày càng đông. Điểm đến chủ yếu là Thái Lan, Singapore... So với các nước, Việt Nam cũng có tiềm năng khá lớn về du lịch chữa bệnh với trình độ tay nghề của đội ngũ nhân viên y tế không kém bác sĩ ngoại. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có một nền y học dân tộc cổ truyền uy tín nên có nhiều điều kiện để phát triển loại hình du lịch chữa bệnh. Thực tế, ở nước ta đã hình thành nhiều cơ sở chăm sóc sắc đẹp tại các điểm du lịch, các khu nghỉ dưỡng được nhiều du khách nước ngoài yêu thích. Ngoài ra, chi phí rẻ và sự mến khách, thân thiện của người Việt Nam cũng là một điểm nổi bật thu hút khách du lịch. Tuy vậy, nhìn chung chất lượng các dịch vụ y tế, nhất là cơ sở vật chất tại bệnh viện trong nước còn thấp, thái độ ứng xử của y bác sĩ đối với bệnh nhân còn thiếu nhiệt tình dẫn tới việc mất lòng tin của người bệnh. Hơn nữa, hệ thống cơ sở y tế của Việt Nam chưa hiện đại và tiên tiến so với mặt bằng chung khu vực, công tác quảng bá du lịch cũng còn nhiều điều đáng bàn.

Mặc dù du lịch chữa bệnh có nhiều ưu điểm vượt trội và đã cứu sống nhiều người thoát khỏi những căn bệnh hiểm nghèo, song vẫn có không ít người dù đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để ra nước ngoài chữa bệnh, nhưng bệnh không những không thuyên giảm mà còn có dấu hiệu nặng thêm do bị chậm trễ về thời gian hay bị đưa vào những cơ sở y tế kém chất lượng. Do vậy, để tránh rơi vào cảnh "tiền mất, tật mang", trước khi quyết định đến nước nào để du lịch và chữa bệnh du khách cần tìm hiểu kỹ. Bởi bên cạnh những công ty lữ hành có uy tín thì vẫn còn không ít đơn vị nhỏ lẻ, không tên tuổi, quảng cáo hoành tráng trên mạng hay dụ dỗ khách bằng những chiêu khuyến mãi hấp dẫn, thu tiền rồi "đem con, bỏ chợ".

Theo ANTĐ