Sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế quán triệt nguyên tắc BHYT bắt buộc
27/06/2013 07:12 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 4, ngay trong những tháng đầu năm 2013, Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về BHYT đã làm việc với các bộ ngành Trung ương, 09 tỉnh, thành phố ở các vùng, miền và thực hiện một số nghiên cứu độc lập về BHYT… để có cơ sở xem xét, đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật BHYT. TS. Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Phó trưởng đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT giai đoạn 2009-2012”cho biết những đánh giá cơ bản của Đoàn giám sát tối cao về kết quả thực hiện Luật BHYT trong thời gian qua:
Qua nhiều đợt khảo sát, giám sát thực hiện Luật BHYT tại các địa phương, bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản với gần 70% dân số tham gia BHYT. Trong quá trình tổ chức triển khai luật vẫn còn có những tồn tại, bất cập nảy sinh, một số vấn đề chính nổi lên như sau:
- Chưa có sự vào cuộc thực sự của cấp ủy và chính quyền địa phương (nhất là cấp huyện/xã) để thúc đẩy BHYT toàn dân. Theo Điều 5, 8 của Luật BHYT quy định UBND các cấp thực hiện quản lý nhà nước về BHYT tại địa phương, tuy nhiên thực tế sự vào cuộc của UBND các cấp, nhất là huyện và xã còn khá mờ nhạt. Đa số các nơi đoàn đến, lãnh đạo UBND huyện rất ít biết và chỉ đạo về BHYT, coi việc ban hành công văn/nghị quyết về BHYT là xong việc, khi cần báo cáo thì giao cơ quan BHXH huyện lo.
- Do sự khác nhau về mức giá dịch vụ y tế giữa các địa phương, vì vậy tình trạng khác nhau về mức hưởng BHYT xảy ra giữa các tỉnh. Ví dụ, có nơi KCB tại y tế xã là 25-35 ngàn đồng/lượt, nhưng có chỗ lên đến 150 ngàn đồng/lượt; có bệnh viện đa khoa tỉnh được thanh toán bình quân 4 triệu đồng/lượt nội trú, nhưng có tỉnh chỉ được khoảng 2 triệu đồng/lượt nội trú (dù chất lượng dịch vụ tương đương). Điều đó dẫn đến sự bất bình đẳng trong thụ hưởng BHYT.
- Tại tất cả các tỉnh, thành phố, phổ biến tình trạng chung là chỉ những người có nguy cơ ốm nặng mới tham gia BHYT tự nguyện, chính vì vậy nhóm BHYT tự nguyện là nguyên nhân gây hụt quỹ ở khá nhiều địa phương, thường họ mua BHYT hết 01 đồng, nhưng Quỹ khám, chữa bệnh BHYT chi trả cho họ đến 03 đồng khi họ đi KCB. Ví dụ, năm 2012, tại TP. Hồ chí Minh có 0,7 triệu thẻ BHYT tự nguyện với số thu mua thẻ là 327 tỷ, nhưng Quỹ BHYT chi cho họ là 1.700 tỷ đồng; hay ở Kiên giang có 0,2 triệu thẻ BHYT tự nguyện số thu là 80 tỷ, nhưng Quỹ BHYT chi cho họ hết 210 tỷ đồng.
- Nhiều địa phương đề nghị thực hiện quy định tại khoản 2, Điều 35 quy định về nguyên tắc xử lý kết dư Quỹ khám, chữa bệnh BHYT tại địa phương, vì trong 3 năm liên tục (từ 2010-2012) chưa xử lý được phần kết dư Quỹ, gây thiệt thòi cho các tỉnh có kết dư Quỹ khám, chữa bệnh BHYT, có địa phương quỹ kết dư đến hàng ngàn tỷ đồng.
- Tình trạng trẻ em dưới 06 tuổi đi KCB bằng giấy khai sinh phổ biến ở nhiều nơi, gây khó khăn cho quản lý, thanh quyết toán chi phí BHYT; tình trạng khó khăn trong việc thanh toán chi phí KCB cho người có BHYT bị tai nạn giao thông, hay đề nghị xem lại mức cùng chi trả (20%) chi phí KCB của thân nhân liệt sĩ, hoặc 5% chi phí KCB với đối tượng ở các trung tâm bảo trợ xã hội, hộ nghèo...
- Xảy ra ở hầu hết các tỉnh là tình trạng cấp trùng thẻ BHYT, có người được cấp 4-5 thẻ, gây lãng phí ngân sách. Nguyên nhân chính là do quy định và giải pháp thực hiện cấp thẻ chưa khoa học nên chưa loại được tình trạng trùng thẻ. Làm việc tại 1 xã của tỉnh Tiền giang, có cử tri cho biết đã nhận được 6 thẻ BHYT các loại.
- Do chưa quy định mức hưởng BHYT tối đa cho một đợt điều trị nội trú, hoặc mức hưởng BHYT tối đa trong một năm nên có những bệnh nhân được Quỹ BHYT chi trả 500-600 triệu/năm gây nên sự mất công bằng giữa các đối tượng tham gia BHYT và tăng nguy cơ bội chi Quỹ khám, chữa bệnh BHYT.
- Một điều làm các nhà quản lý băn khoăn đó là chi phí của quỹ khám chữa bệnh cho điều trị nội trú và ngoại trú là tương đương (50/50), liệu đó có là sự lãng phí do chi ngoại trú quá nhiều hay không? thực tế trên các phương tiện đại chúng cho thấy KCB ngoại trú khá lãng phí và bị nhiều đối tượng (kể cả cán bộ y tế lẫn người có thẻ) lạm dụng.
- Thủ tục thanh toán, quyết toán giữa cơ quan BHXH và các bệnh viện còn những vướng mắc về thời gian, về kết nối thông tin và còn do chưa có chung phần mềm quản lý nên gây phiền hà cho bệnh nhân khi thanh toán.
Theo chúng tôi, một số điểm chính cần quan tâm khi sửa Luật BHYT là:
Thứ nhất, nên xem xét quy định lại về xử lý quỹ dự phòng và kết dư BHYT cho các tỉnh/thành cho phù hợp theo nguyên tắc vừa đảm bảo sự chia sẻ giữa các vùng miền, vừa đảm bảo quyền lợi của người dân ở các địa phương, đồng thời đó cũng là yếu tố quan trọng để huy động sự vào cuộc của cấp ủy và chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo thực hiện BHYT toàn dân. Nhà nước đã xác định sẽ dần dần giảm phân bổ ngân sách trực tiếp cho các bệnh viện mà ngân sách sẽ hỗ trợ cho các đối tượng tham gia BHYT, do đó Quỹ BHYT là phúc lợi xã hội mà người dân và địa phương phải được hưởng. Nếu có cơ chế phù hợp sẽ thúc đẩy lãnh đạo địa phương chỉ đạo cả hệ thống chính trị để tổ chức các phong trào, vận động nhân dân tham gia BHYT, quản lý Quỹ khám, chữa bệnh BHYT chặt chẽ để CSSK hiệu quả hơn.
Thứ hai, về cơ bản, Luật BHYT đã xác định năm 2014 là thực hiện BHYT toàn dân, vì vậy sửa luật lần này phải quán triệt trên nguyên tắc BHYT bắt buộc, có nghĩa là không còn BHYT tự nguyện.
Thứ ba, xem xét việc xác định lại tỷ lệ cùng chi trả chi phí KCB cho Quỹ BHYT với một số đối tượng (ví dụ như thân nhân liệt sĩ, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo..); mức hưởng BHYT tối đa/lần KCB hay tối đa/năm; xem xét tỷ lệ chi trả của quỹ KCB cho nội trú và ngoại trú hợp lý, chi trả cho người tham gia BHYT vượt tuyến KCB với tỷ lệ hợp lý, tránh lãng phí nguồn lực và bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHYT.
Thứ tư, sẽ đề nghị nên cân nhắc về việc chi trả toàn bộ/hay không chi trả cho người có thẻ BHYT bị tai nạn giao thông. Thực tế ở nhiều nước, Quỹ BHYT là chỉ để chi trả chi phí cho việc khám chữa bệnh, và không chi trả cho người bị tai nạn giao thông hay một số dịch vụ y tế (chữa răng, thẩm mỹ..). Tuy nhiên, hoàn cảnh ở Việt Nam cũng cần cân nhắc cho phù hợp, mặt khác hiện nay về cơ bản Quỹ BHYT đã chi trả chi phí KCB cho người bị tai nạn giao thông.
Chính sách BHYT toàn dân là định hướng lớn của Đảng và Nhà nước và đó vừa là quyền lợi và trách nhiệm của người dân. Thực tế, nhiều người dân khi bị ốm tìm mọi cách qua các mối quan hệ để chạy vạy, mua cho được thẻ BHYT để đỡ phải chi trả khi đi KCB. Vì vậy, tầm quan trọng và hữu ích của việc tham gia BHYT phải được tuyên truyền để mọi người dân hiểu và tham gia, để các con/cháu mỗi lần về thăm nhớ đến bố, mẹ, ông bà cô dì mà chưa có BHYT thì mua tặng họ thay vì cho tiền hay tặng quà... Bên cạnh đó, cơ quan BHYT phải có mạng lưới để mở rộng tỷ lệ bao phủ BHYT, cộng tác viên BHYT phải đi từng ngõ, gõ từng nhà (như cộng tác viên DS-KHHGD). Làm sao chỉ tiêu phát triển BHYT phải là nội dung trong Nghị quyết của Hội đồng nhân dân hàng năm như các chỉ tiêu kinh tế xã hội khác. Ngoài ra, xử lý nghiêm các doanh nghiệp cố tình trốn đóng BHYT cho nhân viên để giữ nghiêm kỷ cương, phép nước.
Nguồn TC BHXH
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT