Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam: Luật BHYT cần tiếp tục hoàn thiện

05/06/2013 07:16 AM


Ngày 4-6 tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) do Bộ Y tế soạn thảo. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Hà Thị Liên chủ trì hội nghị.


Ảnh minh họa. (Nguồn internet)

Những tháng đầu năm 2013, hàng loạt các chính sách và văn bản hướng tới cải thiện cả chiều rộng lẫn chiều sâu của BHYT đã được ban hành. Nhiều bức xúc của những người được hưởng chế độ BHYT cũng đã được truyền thông phản ảnh. Bộ Y tế đang đẩy nhanh tiến độ lấy ý kiến sửa đổi Luật BHYT để có thể trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp cuối năm nay. Dự hội nghị có ThS Lê Văn Khảm - Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, các thành viên Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội (HĐTV VHXH).

Tại buổi góp ý, các đại biểu quan tâm tới Điều 1 Khoản 2 được sửa đổi, bổ sung "1. BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với mọi đối tượng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện”. Ông Nguyễn Túc - Chủ nhiệm HĐTV VHXH cho rằng nên bỏ từ "bắt buộc”. Bắt buộc có ý đồ thì tốt, nhưng không nên đưa vào vì nay mai liệu có bắt buộc nữa không.

Cũng nội dung này, TS. Nguyễn Viết Chức - Ủy viên HĐTV VHXH yêu cầu làm rõ khái niệm "mọi đối tượng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe” gồm những đối tượng nào. Trẻ em, người già, cán bộ, công chức, viên chức, nông dân, công nhân, có ai không nằm trong đối tượng chăm sóc sức khỏe không? Nếu "mọi đối tượng...” là toàn dân, mà hình thức bảo  hiểm là bắt buộc, có khả thi không. Giả sử ai đó không thường xuyên mua bảo hiểm hoặc không muốn mua sẽ xử lý thế nào? Với 90% dân số nước ta không lĩnh lương hàng tháng thì "bắt buộc” theo cách nào?

BHYT hiện nay rõ ràng mới đạt được sự mở về chiều rộng với số lượng người tham gia nhưng chưa chú ý đến chiều sâu (gói dịch vụ) theo hướng công bằng, chất lượng và phát triển.

Liên quan đến thanh toán BHYT cho các trường hợp khám chữa bệnh trái tuyến, người bệnh đi khám trái tuyến sẽ chỉ được BHYT thanh toán tối đa 30% chi phí, thậm chí có thể sẽ không được chi trả, TS Nguyễn Viết Chức cho rằng: Khái niệm "trái tuyến” vẫn phải sử dụng. Việc quá tải các BV phải được giải quyết ở khía cạnh khác.

"BHYT có giá trị trên toàn quốc và người đóng BHYT là đóng trên toàn quốc chứ không đóng riêng cho BV nào. Vậy tại sao lại có chuyện trái tuyến, khi  BV kia điều trị dạ dày tốt, nhưng xương cốt không hay thì người bệnh có nhu cầu chuyển tuyến chứ” - TS Chức nói.

Dưới góc nhìn thực tiễn, nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ BHYT chưa phát huy được tính ưu việt và kết quả như mong muốn là bởi các chi phí gián tiếp trong khám, chữa bệnh đang có xu hướng tăng cao.

Trao đổi về vấn đề quản lý quỹ kết dư BHYT và vai trò điều hành, Ths Lê Văn Khảm thừa nhận: Hiện nay quỹ kết dư BHYT còn trên 12 tỷ đồng là đáng lo. Việc cung ứng và chất lượng dịch vụ còn hạn chế, nhất là ở tuyến cơ sở. Phó Chủ tịch Hà Thị Liên đánh giá cao những đóng góp thiết thực của các đại biểu và sự tiếp thu có trách nhiệm của Th.s Lê Văn Khảm.

"Mặt trận đang cùng với Bộ Y tế quan tâm vận động để thực hiện tốt lộ trình BHYT toàn dân, hiện mới đạt 67%. Vấn đề căn bản nhất chính là việc nhanh chóng nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở, chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân nói chung và những người thụ hưởng chính sách BHYT” - bà Liên nhấn mạnh.

Nguồn Đại Đoàn Kết (Ngân Hà).