Nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, Chính quyền – Yếu tố quyết định đảm bảo thực hiện các mục tiêu về BHXH, BHYT
05/06/2013 07:02 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tính đến hết tháng 4/2013, trên phạm vi cả nước đã có 60.224.502 người tham gia BHXH, BHYT đến hết tháng 04/2013 tăng 2.554.685 người (4,4%) so với cùng kỳ năm 2012, trong đó: Tham gia BHXH, BHYT bắt buộc: 10.412.760 người; Tham gia BHXH tự nguyện:145.439 người; Chỉ tham gia BHYT: 49.666.303 người. Tổng số thu đạt 12.017,6 tỷ đồng, tăng 9.869,1 tỷ đồng (28,7%) so với tháng 3/2013, đạt 30,08% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, bao gồm: Thu BHXH bắt buộc: 31.971,2 tỷ đồng; Thu BHXH tự nguyện: 185,1 tỷ đồng; Thu BHYT: 11.958,4 tỷ đồng; Thu lãi chậm đóng BHXH, BHYT: 88 tỷ đồng. Đồng thời, BHXH Việt Nam đã cấp 12.003,5 tỷ đồng cho BHXH các tỉnh, thành phố, BHXH Bộ Quốc phòng, Công an nhân dân và Ban Cơ yếu Chính phủ để chi BHXH, BHYT.Toàn Ngành giải quyết 524.562 lượt người hưởng chế độ BHXH, tăng 233.653 lượt người so với tháng 3/2013, trong đó: 34.676 người hưởng BHXH hàng tháng; 164.108 lượt người hưởng trợ cấp 1 lần; 165.910 người hưởng chế độ BHTN; 1.681.132 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe. Thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) cho 10.132.395 lượt bệnh nhân KCB BHYT, tăng 462.450 lượt người so với tháng 3/2013. Số người được cấp sổ BHXH tính đến 30/4/2013 là 10.038.579 người, đạt 96,4% số người tham gia BHXH. Số thẻ BHYT đã phát hành còn giá trị sử dụng tính đến 30/4/2013 là 60.075.709 thẻ.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả nêu trên còn có một thực tế khiến chúng ta không khỏi băn khoăn. Đó là hiện vẫn còn trên 30% dân số chưa tham gia BHYT; số người lao động tham gia BHXH tự nguyện, số đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn rất thấp so với tổng số lao động đang làm việc trong các đơn vị, doanh nghiệp. Hiện tượng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT vẫn còn gay gắt ở nhiều địa phương. Tình trạng hàng vạn lao động chưa được hưởng quyền lợi BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật vẫn đang là vấn đề nan giải ở nhiều doanh nghiệp. Đáng chú ý là nhiều đối tượng thuộc diện cận nghèo, mặc dù đã được ngân sách hỗ trợ 70% kinh phí, thậm chí có địa phương hỗ trợ tới 100% kinh phí mua thẻ BHYT nhưng vẫn không tham gia BHYT... Để từng bước khắc phục những bất cập này, ngoài sự nỗ lực cố gắng của BHXH Việt Nam thì việc nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, Chính quyền các cấp có vai trò cực kỳ quan trọng. Điều này được khẳng định trong Nghị quyết số 21 NQ/TW của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT trong giai đoạn 2012-2020 " được ban hành ngày 22 tháng 11 năm 2012 vừa qua. Theo đó ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về vị trí, vai trò, ý nghĩa của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong hệ thống an sinh xã hội. Nhấn mạnh bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua các hoạt động tuyên truyền mỗi cấp ủy, chính quyền cần làm cho nhân dân địa phương hiểu sâu sắc hơn những quan điểm của Đảng, Nhà nước về việc mở rộng và hoàn thiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, cũng như việc xác định các bước đi, lộ trình thực hiện BHYT toàn dân và BHXH cho mọi người lao động phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như chủ trương phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia và thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hướng đến mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; trên 80% dân số tham gia BHYT. Để hiện thực hóa các mục tiêu trên đây đòi hỏi phải có những giải pháp cụ thể. Một trong những giải pháp có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi địa phương, đơn vị chính là việc phải lấy kết quả thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT trong đó chỉ tiêu về việc gia tăng tỷ lệ người dân tham gia BHXH, BHYT; chỉ tiêu về hạn mức nợ đọng tối thiểu; chỉ tiêu về tăng cường ,đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn, rèn luyện, đề cao y đức và nhất là không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh BHYT...phải trở thành những chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng, được Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp biểu quyết thông qua. Trên cơ sở đó các cấp chính quyền, lãnh đạo các địa phương, đơn vị sẽ thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc thực hiện các mục tiêu về BHXH, BHYT mà Nghị quyết số 21 NQ/ TW của Bộ Chính trị đã đề ra.
Nguồn baohiemxahoi.gov.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT