Ép người mang thai nghỉ việc bằng kiểu khủng bố tinh thần

17/05/2013 08:40 AM


Lấy lý do kinh tế khó khăn, gần đây một số doanh nghiệp đã “ép” người lao động mang thai phải nghỉ việc. Hành vi nhẫn tâm, trái pháp luật, vi phạm quyền con người đáng bị lên án.


Nữ công nhân Công ty Doojung VN đang mang thai bật khóc vì bị thôi việc - Ảnh: Khổng Nhung

Kỳ thị nữ công nhân mang thai

Theo đơn của chị Lê Thị Kim Thanh (33 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa), công nhân Công ty TNHH Mamuchi Motor Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) gửi Sở LĐ-TB-XH Đồng Nai, năm 2002, chị vào làm tại công ty này với mức thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng. Đầu năm 2013, chị có thai và hay ốm nghén, lúc này một lãnh đạo công ty đã liên tục nhiều lần ép chị làm đơn xin thôi việc. Do chị không đồng ý làm đơn, vị lãnh đạo đó đã buộc chị phải ngồi một chỗ bằng cái ghế tự chế, khiến những người có thai như chị rất khó ngồi; đồng thời bố trí chị làm việc trong một căn phòng nóng bức, không cho quạt, không được đi đâu, gắn camera và bố trí người giám sát chị…

Do quá bất bình với cách đối xử của lãnh đạo công ty, chị Thanh đã làm đơn gửi Sở LĐ-TB-XH, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai và cơ quan báo chí. Trao đổi với PV ngày 16.5, bà Mai Thị Tuyết, Chánh thanh tra Sở LĐ-TB-XH Đồng Nai, cho biết sau khi nhận đơn, Thanh tra sở đã vào cuộc và làm việc với đại diện công ty. Hiện công ty đã bố trí công việc mới cho chị Thanh phù hợp với sức khỏe của người có thai, cho chị đi khám sức khỏe đầy đủ, thu nhập không thay đổi.

Cách đây 1 tháng, tại KCN Phú Nghĩa, H.Chương Mỹ (Hà Nội), Công ty TNHH Doojung Việt Nam (vốn 100% của Hàn Quốc) cũng đã ra một quyết định kỳ cục, cho tất cả các công nhân nữ mang thai đến tháng thứ 6 nghỉ việc với lý do không ở lại làm tăng ca theo chỉ đạo của công ty. Chưa hết, công ty này còn “đe” công nhân bằng quy định cấm có con trong vòng 2-3 năm. Phản đối những quy định hà khắc của công ty, công nhân đồng loạt nghỉ việc, đình công. Sau nhiều ngày đình công, lãnh đạo công ty đã phải “xuống nước”, cho gỡ bỏ toàn bộ quy định trái khoáy. Những người mang thai nghỉ việc được đi làm lại và được trả lương những ngày nghỉ việc.

Không chỉ những phụ nữ đang mang thai bị sa thải, lấy lý do kinh doanh khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) không muốn tiếp tục ký hợp đồng lao động với phụ nữ nghỉ thai sản. Chị Vũ Thị Thanh Hiền, ở khu tập thể Bộ Thủy lợi (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) là một ví dụ. Chia sẻ với PV ngày 16.5, chị Hiền cho biết đúng vào ngày làm việc cuối cùng, trước khi nghỉ thai sản, công ty có “gợi ý” muốn chấm dứt hợp đồng lao động với lời hứa hẹn sẽ theo thỏa thuận và đền bù bằng 2 tháng lương. Tuy nhiên, khi chị Hiền vừa sinh con được hơn 1 tháng, tổng giám đốc công ty của chị (có trụ sở ở Q.Hoàn Kiếm) đã gửi thư thông báo muốn chấm dứt hợp đồng lao động với chị từ ngày 6.5, với lý do tái cơ cấu công ty mà không có thỏa thuận đền bù. “Tôi cảm thấy mình bị coi thường trước lối hành xử thiếu đạo đức của công ty. Tôi đã tham vấn luật sư và gửi đơn lên Sở LĐ-TB-XH nhờ giải quyết tranh chấp lao động. Tôi sẵn sàng kiện ra tòa nếu như công ty không có câu trả lời thỏa đáng…”, chị Hiền bức xúc.

Trái luật, vô nhân đạo

Theo luật sư Trần Đình Triển - Trưởng văn phòng luật sư Vì Dân (Hà Nội), việc công ty lợi dụng lao động nữ đang nuôi con để sa thải, hoặc yêu cầu chấm dứt hợp đồng lao động không những trái luật mà còn trái đạo lý làm người. “Ai sinh ra chẳng từ người mẹ. Họ (DN - PV) đang cư xử vô đạo đức với chính bản thân họ. Luật Bình đẳng giới đã quy định quyền của người mẹ. Công ước quốc tế mà VN đang tham gia cũng bảo vệ quyền người phụ nữ. Bản thân những DN đó ngang nhiên vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức đạo lý tối thiểu của làm người. DN có nghĩ đến người phụ nữ và gia đình và con họ nếu nghỉ việc họ sống ra sao?... Đấy là việc làm thô bạo, xúc phạm quyền tự do của con người” - ông Triển bày tỏ.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Diệu Hồng, Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB-XH), cho rằng những kiểu hành xử với lao động nữ nêu trên là vô nhân đạo. Theo bà Hồng, nếu xảy ra những trường hợp trên, để bảo vệ mình, người lao động có thể nhờ Công đoàn giải quyết tranh chấp lao động hoặc viết thư lên Thanh tra Sở LĐ-TB-XH địa phương và Công đoàn cấp trên can thiệp.

Theo luật sư Trần Đình Triển, không thể nương nhẹ với hành vi trên của DN. Trước hết, cơ quan quản lý lao động, Sở LĐ-TB-XH, HĐND, Công đoàn, MTTQ, Phụ nữ phải lên tiếng. Nếu không chấm dứt, cho dù DN đó là ai cũng cần phải xử lý bằng hành chính. “Xâm phạm quyền con người có thể thu cả giấy phép (DN - PV). Trước hết là xử lý hành chính. Nếu có yếu tố cấu thành tội phạm, cũng cần phải xử lý mạnh hơn để làm gương”.

Theo Thanh Niên