Đục khoét quỹ bảo hiểm y tế
15/05/2013 08:23 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Rất nhiều thẻ bảo hiểm y tế (của những người không hề ốm đau) đã được sử dụng để “rút ruột” thuốc từ bệnh viện tuồn ra ngoài bán hết ngày này qua ngày khác.
Người có bệnh luôn than phiền thiếu thuốc nhưng một lượng lớn thuốc bảo hiểm y tế (BHYT) lại thất thoát ra ngoài hằng ngày mà không ai phát hiện.
Sau nhiều ngày điều tra, PV Tuổi Trẻ phát hiện tại Bệnh viện Gò Vấp, TP.HCM có hàng chục người thường xuyên câu kết với bác sĩ đục khoét quỹ BHYT.
Thoải mái lấy thuốc
“Con thoi” nổi cộm trong đường dây đục khoét quỹ BHYT ở bệnh viện này là ông Nguyễn Văn An (nhà ở đường số 6, P.15, Q.Gò Vấp). Ông An đang giữ hàng chục thẻ BHYT của người khác. Nhờ số thẻ này, ông ta xoay vòng đến bệnh viện lấy thuốc đem bán. Hằng ngày ông An ngồi ở quán cà phê đồng thời là nhà của bà Nam (ở P.16, Q.Gò Vấp) và liên tục rảo qua bệnh viện. Bà Nam (tên thật là Lê Thị Mỹ Phụng) cũng là “trùm” lấy thuốc khống từ các thẻ BHYT “săn” được của giới công nhân.
Sáng 4-5, ông An từ quán cà phê của bà Nam vào bệnh viện. Khoảng mười phút sau, ông ta quay lại với một bịch thuốc trên tay cùng sổ khám bệnh mang tên người khác. Trong buổi sáng 4-5, ông An đã dùng hai thẻ BHYT vào lấy thuốc trót lọt tại Bệnh viện Gò Vấp. Lấy được thuốc, ông An mang đi bán tại một nhà thuốc gần bệnh viện.
Sáng 6-5, PV Tuổi Trẻ quay lại bệnh viện thì thấy ông An hẹn một thanh niên tên Du tới quán cà phê của bà Nam nói chuyện. Ông An nói với Du: “Cho mượn là phải trả 25.000 đồng. Lấy thuốc xong phải trả sổ liền cho tôi vì sổ và thẻ BHYT này mang tên người khác”.
Ông An còn dặn Du: “Nếu bác sĩ có kêu nhập viện hoặc chuyển viện thì từ chối vì các giấy tờ này của người khác, không thể ngâm lâu trong bệnh viện, lỡ bị phát hiện thì phiền phức”. Khi nghe Du nói muốn khám họng và cột sống lưng, ông An chặn ngay: “Không khám họng được, khám lưng đi. Hôm trước mới khám họng rồi”. Dặn dò xong, ông ta dẫn Du đi nộp sổ khám bệnh và thẻ BHYT của người có tên Nguyễn Minh Tâm (37 tuổi, Q.Gò Vấp). Ông An bảo Du: “Nó hỏi chứng minh nhân dân (CMND) thì nói bỏ quên ở nhà”. Du làm theo và được một điều dưỡng đưa ngay sổ, phiếu khám bệnh số 024 mà không hề hỏi CMND hay giấy tờ tùy thân nào.
Ông An tiếp tục dẫn Du lên phòng 11 đợi khám bệnh. Bác sĩ Trần Kim Nguyệt sau khi đo huyết áp, hỏi bệnh liền cho Du đi chụp X-quang và chẩn đoán Du bị cao huyết áp vô căn, thoái hóa đa khớp. Bác sĩ Nguyệt kê đơn thuốc cho Du ba loại, tổng cộng 44 viên. Du xuống lãnh thuốc mà không gặp trở ngại gì. Trở lại quán cà phê của bà Nam, ông An săm soi bịch thuốc: “Toàn thuốc nội giá rẻ. Mày cứ về uống thử xem sao, nếu không bớt mấy bữa nữa quay lại đây tao cho mượn sổ tái khám”.
Trong nhiều toa thuốc mà bác sĩ Bệnh viện Gò Vấp kê cho bệnh nhân trong quý 4-2012 và quý 1-2013, những cái tên thường xuyên xuất hiện là Nguyễn Văn An, Bùi Thị Hoa, Lê Thị Mỹ Phụng, Nguyễn Thị Thanh Nhơn, Nguyễn Tấn Hiền, Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Thị Minh Thu, Nguyễn Thị Minh Trinh, Nguyễn Thị Thanh Tuyền... Ở phần ký nhận thuốc, họ luôn ghi lãnh thuốc thay cho người có tên trên thẻ với tư cách là bác, chú, em, con, cháu, mẹ...
Bà Nam có người thân làm trong Công ty TNHH giày da Huê Phong (Q.Gò Vấp) nên “ôm” được thẻ BHYT của rất nhiều công nhân. Mỗi thẻ bà Nam mang vào bệnh viện lấy thuốc ra bán được cả trăm ngàn đồng. Mỗi ngày lấy bốn sổ là được bốn trăm ngàn.
Nhiều bác sĩ tiếp tay
Bệnh viện Gò Vấp có 11 phòng khám bệnh ngoại trú, trung bình mỗi ngày tiếp nhận 1.000 lượt bệnh nhân diện BHYT đến khám bệnh. Có một số bác sĩ của ba phòng khám tại bệnh viện thường kê toa thuốc khống. Trong đó phòng khám số 6 - nơi bác sĩ Lê Hữu Công ngồi khám bệnh - được xem là nơi “dễ làm ăn nhất”.
Chỉ trong tháng 1-2013, ông Công đã kê hơn 150 toa thuốc khống. Người ký nhận thuốc đều không phải là người có tên trong thẻ BHYT. Đơn cử, ngày 5-1-2013, ông Công kê toa khống cho đối tượng Lê Thị Mỹ Phụng (tức bà Nam) lãnh thuốc BHYT cho người có tên trên thẻ là Phạm Thị Hằng, Phan Thị Mỹ Loan, Đặng Yến Linh, Đào Thị Sang. Bốn người có tên trên thẻ này đều là công nhân Công ty TNHH giày da Huê Phong. Bà Nam ký tên lãnh thuốc cho bốn công nhân này dưới danh nghĩa là “lãnh cho cháu”, “lãnh cho con”. Nhờ BS Công, bà Nam lấy được bốn toa thuốc BHYT trị giá hơn 685.000 đồng. Ông Công còn kê toa cho hai người có tên trên thẻ là Phạm Nguyệt Lan và Phan Trung Nghĩa, nhưng người ký nhận thuốc là Nguyễn Tấn Hiền, với danh nghĩa là cậu và chú của hai người này. Trong cùng ngày, ông Công kê toa thêm cho hai người có tên trên thẻ là Nguyễn Thị Mai và Lê Hiếu Nghĩa nhưng người ký tên lãnh thuốc là Nguyễn Thị Thanh Nhơn...
Không chỉ bác sĩ Công, tại Bệnh viện Gò Vấp còn một số bác sĩ khác cũng kê toa mà không có bệnh nhân là bác sĩ Tô Năng Thi - trưởng khoa nhiễm. Tương tự, bác sĩ Nguyễn Hữu Tĩnh - khoa khám bệnh - cũng kê toa thuốc mà không biết mặt mũi bệnh nhân thế nào. Tuy nhiên, số lượng toa kê của hai bác sĩ này không nhiều như ông Công.
Điều đáng nói là việc bác sĩ Lê Hữu Công kê toa thuốc “khống” đã diễn ra khá lâu và từng bị phát hiện. Qua tìm hiểu, ông Công được điều ra khám bệnh từ tháng 10-2012. Chỉ thời gian ngắn, nội bộ bệnh viện đã râm ran việc ông Công kê toa khống cho nhiều đối tượng ở ngoài lấy thuốc BHYT. Ban giám đốc Bệnh viện Gò Vấp đã họp hai lần (ngày 14-12-2012 và 7-1-2013) và lập biên bản “nhắc nhở bác sĩ
Công là không có bệnh nhân không được kê đơn thuốc”, “không lợi dụng chức vụ để lấy thuốc bảo hiểm không đúng quy định”. Cả hai lần họp ông Công đều nhận khuyết điểm và hứa khắc phục. Sự việc kê toa khống sau đó đến tai Bảo hiểm xã hội TP. Ngày 29-1-2013, bà Lê Thị Huệ - giám định viên Bảo hiểm xã hội TP - đã họp với Bệnh viện Gò Vấp và có ý kiến “khoa khám bệnh còn để xảy ra tình trạng một bệnh nhân lãnh nhiều toa thuốc khác nhau, trái với quy định của bảo hiểm...”. Tuy nhiên, một số bác sĩ vẫn tiếp tục kê toa khống, đặc biệt là bác sĩ Công.
Trả lời về trách nhiệm để xảy ra việc thất thoát thuốc BHYT, nguyên giám đốc Bệnh viện Gò Vấp Nguyễn Thế Gia (thôi làm giám đốc từ ngày 2-5) nói quy trình khám bệnh BHYT tại bệnh viện được niêm yết rõ ràng và công khai. Khi bệnh nhân đi khám bệnh phải có thẻ BHYT, sổ khám bệnh, giấy tờ tùy thân kèm theo, bác sĩ chỉ được kê toa khi khám bệnh nhân... Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng bác sĩ khám bệnh, kê toa không đúng quy trình, không có mặt bệnh nhân vẫn cấp thuốc trong thời gian dài có trách nhiệm của ông và ban giám đốc bệnh viện.
Thừa nhận sai phạm
PV Tuổi Trẻ đã làm việc với lãnh đạo Bệnh viện Gò Vấp về việc bác sĩ của bệnh viện kê toa khống và bệnh viện này đã yêu cầu các bác sĩ có liên quan làm kiểm điểm, giải trình sự việc. BS Công thừa nhận trong thời gian được giao nhiệm vụ khám bệnh BHYT đã làm sai nguyên tắc quy định là cho toa thuốc không có bệnh nhân. Đồng thời gửi đơn đề nghị bệnh viện và Bảo hiểm xã hội TP tha thứ và xin “khắc phục hậu quả khám BHYT” bằng cách: “Cho phép tôi được trả lại số tiền làm thất thoát trong thời gian khám bệnh”.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Tĩnh khi làm kiểm điểm và tường trình cũng thừa nhận sai phạm là đã kê toa thuốc khi không có bệnh nhân. Ông Tĩnh xin được tha thứ, khắc phục sai lầm bằng việc bồi thường những toa sai sót và hứa “không bao giờ tái phạm”. Riêng ông Tô Năng Thi - trưởng khoa nhiễm - tường trình là “tôi có tham gia và kê đơn thuốc khi không có mặt bệnh nhân” và thừa nhận “đây là việc làm sai vì nể nang chứ hoàn toàn không tư lợi cá nhân”.
Theo Tuổi trẻ
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT