Lương tối thiểu tăng, khó khăn chưa giảm
14/05/2013 09:38 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Mỗi lần điều chỉnh lương tối thiểu (LTT), CNLĐ vừa mừng, vừa lo. Lo nhiều hơn, bởi lương tăng lên thì “nhẹ nhàng”, còn giá cả lại tăng đến “chóng mặt”, nên đời sống CNLĐ vẫn muôn vàn khó khăn.
Tiền ít, không dám thuê nhà
“Người vất vả nhất Cty” là “danh hiệu” mà đồng nghiệp gán cho anh Phạm Quang Cảnh (thợ lắp ráp, sửa chữa động cơ xe máy Cty TNHH chế tạo động cơ ZONGSHEN VN, KCN Quang Minh – Hà Nội). Chủ tịch CĐ Cty ZONGSHEN VN Phan Quý Hợi cho biết: “Mức lương cơ bản Cty trả cho anh Cảnh là 2,5 triệu đồng/tháng, cộng tất cả các khoản phụ cấp thì tổng thu nhập đạt gần 3,9 triệu/đồng/tháng. Ngoài thu nhập từ Cty, anh Cảnh không còn khoản thu nhập nào khác.
Lương thấp, công việc của vợ không ổn định, nhà đông con, nên gia cảnh anh Cảnh thuộc diện khó khăn nhất của Cty”. Anh Cảnh tâm sự: “Nhà ở Lập Thạch (Vĩnh Phúc) cách Cty khoảng 50km. Hằng ngày, đến Cty làm việc tôi phải đi tới 8 chặng xe buýt (cả đi lẫn về). Mặc dù quãng đường xa như vậy nhưng tôi không dám nghĩ tới việc thuê nhà ở gần Cty. Bởi tổng thu nhập của vợ chồng tôi chỉ xấp xỉ 7 triệu đồng/tháng. Nếu thuê một phòng để gia đình 5 người ở, cũng mất gần 1 triệu, chưa kể chi phí điện nước, tiền ăn, sinh hoạt, tiền ăn học cho con...
Mong muốn được đi du lịch một lần là trường hợp của CN Nguyễn Văn Việt (29 tuổi, bộ phận SX động cơ Cty ZONGSHEN). “Tổng thu nhập một tháng vào khoảng 3 triệu đồng, nên việc chi tiêu sinh hoạt hằng ngày của gia đình tôi rất khó khăn. Làm ở Cty đã hơn 3 năm, nhưng mức lương cơ bản quá thấp, hầu hết các gia đình CN như tôi không có tích lũy. Do vậy, dù có được nghỉ lễ dài ngày như đợt 30.4-1.5 vừa qua, tôi cũng không dám nghĩ tới đi du lịch đâu cả. Nếu không có sự giúp đỡ của bố mẹ, gia đình tôi... chẳng dám nghĩ tới chuyện sinh con” - anh Việt tâm sự.
Tăng LTT - chưa đáp ứng cuộc sống CN
Mặc dù có đến 10 lần điều chỉnh LTT, nhưng thực tế mức LTT mới chỉ đáp ứng 60% nhu cầu tối thiểu của NLĐ. Tại các KCN-KCX Hà Nội. Việc làm và thu nhập của CNLĐ trực tiếp được tăng lên, song cũng chỉ đạt bình quân từ 2,8 triệu đến trên 3,2 triệu đồng/người/tháng, trong khi giá các mặt hàng thiết yếu liên tục tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của đa số CNLĐ.
Chiều 6/5, tại KCN Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội), nhiều CNLĐ đang làm việc tại một số DN như Cty TNHH điện tử ASTI Hà Nội, Cty TNHH chế tạo động cơ ZONGSHEN VN, Cty TNHH TERUMO VN... đều nói rằng: Dù được tăng LTT, cộng với các khoản phụ cấp, trợ cấp khác từ DN, thì đời sống của CNLĐ vẫn rất khó khăn. Nhất là CN ngoại tỉnh về Hà Nội làm việc phải đi thuê nhà trọ, không có nơi gửi con nhỏ, không được thụ hưởng các hoạt động VHTT, vui chơi giải trí lành mạnh... Khó khăn về kinh tế luôn là nỗi ám ánh CNLĐ, đến nỗi CN Nguyễn Thị Hải Nga - Cty TNHH chế tạo động cơ ZONGSHEN VN - đã có con gái 10 tuổi nhưng không dám đẻ thêm đứa nữa vì thu nhập của vợ chồng CN như cô chẳng dư dật, nhà chưa có phải đi ở nhờ tập thể bên Cty chồng.
Theo Nghị định 103/2012/NĐ-CP quy định mức LTT vùng đối với NLĐ làm việc ở DN (áp dụng 1.1.2013), thì LTT trong DN các KCN-KCX Hà Nội thuộc vùng I là 2.350.000 đồng/tháng. Từ thực tế cuộc sống của CNLĐ, ông Nguyễn Đức Nhân - Chủ tịch CĐ Cty TNHH điện tử ASTI Hà Nội (có 1.300 CNLĐ) - nói rằng “Dù LTT của CNLĐ hiện nay đã tăng, kể cả các khoản phụ cấp, trợ cấp của Cty như tiền chuyên cần, đi lại, sinh hoạt, thâm niên, ăn ca... cũng chưa đáp ứng được cuộc sống tối thiểu của NLĐ”. Để “giữ chân” NLĐ, trước khi có NĐ 103/CP về LTT, nhiều DN KCN-KCX Hà Nội đã thực hiện LTT cao hơn NĐ. Tuy nhiên, CĐ và Ban Quản lý Các KCN-KCX Hà Nội vẫn động viên NSDLĐ dù LTT tăng lên vẫn phải tăng thêm các khoản phụ cấp, trợ cấp để đảm bảo cuộc sống cho NLĐ, đồng thời thực hiện chế độ tăng lương hằng năm cho NLĐ theo TƯLĐTT của DN.
Chủ tịch CĐ các KCN-KCX Hà Nội Đinh Quốc Toản: Tại khoản 2, Điều 93 Bộ LLĐ sửa đổi năm 2012 có quy định khi xây dựng thang bảng lương, định mức LĐ, NSDLĐ phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể NLĐ tại cơ sở và có trách nhiệm công bố công khai tại nơi làm việc của NLĐ trước khi thực hiện. Đồng thời, phải gửi thang bảng lương, định mức LĐ tới cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp về LĐ. Do LTT chưa đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho NLĐ, nên các DN phải tăng các khoản phụ cấp, trợ cấp để gắn bó NLĐ với DN. CĐ có vai trò giám sát việc thực hiện LTT, thang bảng lương, định mức LĐ, TƯLĐTT qua các đợt thanh toán tiền lương, các kiến nghị của CNLĐ với CĐCS và CĐ cấp trên cơ sở để kịp thời giải quyết nếu có những vi phạm.
Sẽ ra mắt Hội đồng tiền lương quốc gia trong tháng 7 tới
Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, trong tháng 7 tới sẽ ra mắt Hội đồng tiền lương quốc gia. Hội đồng có chức năng tư vấn cho Chính phủ các vấn đề liên quan đến chính sách tiền lương như: mức lương tối thiểu vùng hằng năm và từng thời kỳ, mức lương tối thiểu theo giờ áp dụng với một số công việc… sao cho hợp lý. Dự kiến có 15 thành viên đang công tác tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, và đại diện tổ chức người sử dụng lao động ở Trung ương.
Sau khi được thành lập, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ nghiên cứu đưa ra lộ trình, thời điểm điều chỉnh, mức điều chỉnh lương tối thiểu hàng năm theo yêu cầu của Chính phủ. Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, thời gian điều chỉnh tiền lương tối thiểu thường sẽ được áp dụng vào đầu năm tài chính. Và, điều chỉnh như thế nào sẽ được tính toán hợp lý và công bố trước 6 tháng hoặc một quý để doanh nghiệp có sự chuẩn bị.
Theo Vn Economy
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT