Thành lập Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo đặt tại Sở Y tế 63 tỉnh, thành

14/05/2013 09:33 AM


(chinhphu.vn) - khám, chữa bệnh cho người nghèo sẽ được đặt tại Sở Y tế, có con dấu riêng, được mở tài khoản tiền gửi tại hệ thống kho bạc nhà nước. Sở Y tế có trách nhiệm tổ chức, quản lý và điều hành Quỹ theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh.


Đối tượng trợ cấp xã hội được hưởng lợi từ Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo vào khoảng 1,8 triệu người (ảnh minh họa)

Theo dự thảo Thông tư liên tịch của Bộ Y tế - Bộ Tài chính hướng dẫn tổ chức thực hiện hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo; quy định Điều lệ hoạt động của Quỹ; quy định cụ thể về trình tự, thủ tục và mức hỗ trợ đối với các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 1 Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo địa phương.

Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo được cân đối trong dự toán ngân sách hàng năm của địa phương. Việc lập, tổng hợp, phân bổ và giao dự toán, quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí thực hiện hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo theo các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, các văn bản hướng dẫn Luật và các quy định hiện hành. Riêng năm 2013, các địa phương chủ động bố trí kinh phí hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo và kinh phí quản lý hành chính của Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo trong dự toán chi ngân sách nhà nước đã được giao. Trường hợp có khó khăn về kinh phí, các địa phương có văn bản báo cáo gửi về Bộ Tài chính để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định.

4 đối tượng người nghèo được hỗ trợ khám, chữa bệnh

Hiện nay có 4 đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo theo quy định tại Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg, bao gồm:

Thứ nhất là, người thuộc hộ nghèo theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ về chuẩn hộ nghèo;

Thứ hai là, đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn theo quy định tại Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 của Thủ tướng chính phủ;

Thứ ba là, người thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật và người đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước;

Thứ tư là, người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim hoặc các bệnh khác gặp khó khăn do chi phí cao mà không đủ khả năng chi trả viện phí.

Các đối tượng trên được hỗ trợ thanh toán một phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh; được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại từ nhà đến bệnh viện, từ bệnh viện về nhà và chuyển bệnh viện khi điều trị nội trú tại các cơ sở y tế của Nhà nước từ tuyến huyện trở lên...

Theo số liệu của ngành LĐ-TB&XH, hiện cả nước có khoảng 1.760.000 người thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật và có 42.000 người đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước. Như vậy số đối tượng trợ cấp xã hội được hưởng lợi từ Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo là vào khoảng 1,8 triệu người. Với các bệnh hiểm nghèo, theo ước tính hàng năm có khoảng 8.000 ca phẫu thuật tim hở, 15.000 bệnh nhân can thiệp mạch kín, 200.000 bệnh nhân ung thư mới và khoảng 150.000 bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo. Tổng cộng các nhóm bệnh này là khoảng gần 400.000 người, chưa kể các bệnh hiểm nghèo khác. Hầu hết những bệnh nhân này đều rất khó khăn, cần được hỗ trợ. Như vậy, tổng số đối tượng bổ sung của 2 nhóm này là khoảng trên 2 triệu người.