Những gam màu tối trong bức tranh việc làm của châu Âu

14/05/2013 09:10 AM


Chính phủ Hy Lạp vừa trình Quốc hội xem xét dự luật về những cải cách mà nước này phải thực hiện để được giải ngân phần cứu trợ 8,8 tỷ euro trong các gói cứu trợ mà Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cam kết hỗ trợ Hy Lạp giúp nước này thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ công. Dự luật mới chính thức hóa việc sa thải 15.000 viên chức trong thời gian từ năm 2013 đến năm 2014, trong đó 4.000 người sẽ bị sa thải trong năm nay. Đối tượng bị sa thải là những người hưởng trợ cấp, bị cách chức vì tội tham nhũng, thiếu năng lực, hoặc lực lượng dôi dư do tinh giản các cơ quan nhà nước. Dự luật cũng đẩy nhanh các thủ tục sa thải thông thường trong khu vực dân sự, tăng thời gian làm việc trong tuần đối với giáo viên, đặt một số ngành nghề vào tình trạng cạnh tranh và giảm 15% thuế bất động sản.  Để nhận được các gói cứu trợ, Athens phải thực hiện nhiều biện pháp "thắt lưng buộc bụng", gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế - xã hội.


Trong khi đó, số người thất nghiệp ở Pháp đã tăng kỷ lục với 3,224 triệu người không có việc làm, tăng thêm 36.900 người trong tháng 3, vượt ngưỡng kỷ lục về người thất nghiệp hồi tháng 1/1997 (3,195 triệu người). Chính phủ tiếp tục khẳng định mọi công cụ, đòn bẩy liên quan đến chính sách việc làm đang được triển khai song những động thái này chậm thu được kết quả. Dù chính phủ cánh tả cầm quyền đã cam kết thúc đẩy việc ký kết các hợp đồng thế hệ, với ưu tiên tuyển dụng lao động trẻ, hỗ trợ đầu tư, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm của Pháp, song với triển vọng khó khăn để phục hồi tăng trưởng kinh tế, giới chủ sử dụng lao động ở Pháp đang tìm cách hạn chế tối đa việc tuyển mới, thậm chí cắt giảm nhân công, điều chỉnh cơ cấu sản xuất. Các chuyên gia kinh tế tại Pháp đánh giá rằng để giảm tỷ lệ thất nghiệp, nước này phải đạt mức tăng trưởng ít nhất là 1,5%/năm. Nếu không sớm có các biện pháp hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp có thể đạt ngưỡng 11,6% dân số trong độ tuổi lao động vào cuối năm 2014, thay vì 10,2% vào cuối năm 2012.

Tại xứ sở sương mù, Tổ chức Fawcett Society dự báo trong vòng 5 năm tới, có 400.000 phụ nữ ở Anh có khả năng mất việc do tình trạng cắt giảm nhân lực trong lĩnh vực công. Hiện phụ nữ Anh làm việc trong lĩnh vực công chiếm tới 65% lực lượng lao động. Số phụ nữ làm việc bán thời gian nhiều gấp 3 lần nam giới, chủ yếu do phụ nữ có trách nhiệm lớn hơn trong việc chăm sóc con cái và những người lớn tuổi trong gia đình. Lượng người thất nghiệp ở Anh là 2,56 triệu người, chiếm gần 8% lực lượng lao động. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế tại Anh bước sang năm thứ 5 liên tiếp và tỷ lệ thất nghiệp tăng, số người cần trợ giúp từ các ngân hàng thực phẩm cũng ngày một tăng (tới gần 3 lần trong vòng 12 tháng qua). Ước tính có 350.000 người phụ thuộc vào hệ thống cung cấp lương thực, thực phẩm miễn phí cho người nghèo, do tổ chức từ thiện Trussell Trust thành lập. Từ chỗ chỉ có 2 ngân hàng vào năm 2004, tới nay, Trusell Trust đã thành lập 345 ngân hàng thực phẩm tại các khu vực khác nhau của Anh. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu khi số người cần được cung cấp thực phẩm miễn phí ngày một tăng, tại Anh cần thêm tới 600 ngân hàng như vậy. Trong tài khóa 2011-2012, khoảng 129.000 người ở Anh đã phải nhận trợ giúp từ hệ thống ngân hàng này, tăng mạnh từ 61.000 người trong tài khóa 2010-2011 và 41.000 người của tài khóa trước đó.

Nguồn TC BHXH