Giải pháp tăng cường hiệu quả truyền thông về an sinh xã hội

14/05/2013 03:13 AM


Sáng ngày 09/05, tại trường Đại học Khoa học xã hội – Nhân văn, ĐHQG Hà Nội, đồng chí Dương Văn Thắng, Tổng biên tập Tạp chí Bảo hiểm xã hội đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ với Đề tài: Nghiên cứu hiệu quả Báo chí trong hoạt động truyền thông về an sinh xã hội ở Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế.


Luận án gồm 3 chương. Trong  chương 1, tác giả đã làm rõ hệ thống khái niệm liên quan đến đề tài nghiên cứu như: khái niệm truyền thông, truyền thông đại chúng, khái niệm an sinh xã hội, vai trò của báo chí trong hoạt động truyền thông về an sinh xã hội, các yếu tố tác động đến hiệu quả báo chí trong hoạt động truyền thông về an sinh xã hội, nhiệm vụ của báo chí và yêu cầu hiệu quả báo chí trong hoạt động truyền thông về an sinh xã hội thời kỳ hội nhập…

Bằng việc khảo sát 5 tờ báo in (gồm báo Nhân dân, Lao động, Lao động & Xã hội, Sức khoẻ & Đời sống, Báo Bảo hiểm xã hội) trong 6 tháng cuối năm 2011, Luận án đã làm rõ thực trạng thông tin về an sinh xã hội trong chương 2. Theo đó, chỉ có 1664/50.0000 tác phẩm phản ánh về các nội dung an sinh xã hội; trong đó có 43,9 % tác phẩm có nội dung phản ánh về BHXH; 19,5% phản ánh về BHYT, 17,3 % phản ánh về trợ giúp xã hội; 1,5% phản ánh về cứu trợ xã hội. Khảo sát các tờ báo trên cũng cho thấy thể loại tin vẫn được sử dụng nhiều nhất để chuyển tải các nội dung về an sinh xã hội (54,3%); đứng thứ 2 là thể loại phản ánh (25,54%); thể loại điều tra chiếm tỷ lệ (4,7%). Với các thể loại khác như phỏng vấn, xã luận, bình luận, tiểu phẩm, phóng sự... được sử dụng với số lượng rất thấp.

Khảo sát công chúng cho thấy, nhận thức của công chúng về an sinh xã hội còn rất hạn chế. 61,93% bệnh nhân đi khám chữa bệnh chỉ hiểu về an sinh xã hội ở mức độ sơ lược hoặc chưa hiểu gì; tỷ lệ này với với sinh viên là 50%; giám đốc doanh nghiệp là 45,56 %.

Từ những kết quả trên cho thấy công tác truyền thông về an sinh xã hội còn hạn chế về bộ máy tổ chức về đội ngũ cán bộ tuyên truyền; chưa có sự phối hợp đồng vộ với các cơ quan báo chí, hoạt động truyền thông thiếu trọng tâm, kinh phí thực hiện cho công tác này còn thấp…

Từ những phân tích kết quả khảo sát trong chương 2, tác giả đi đến khái quát đưa ra 9 giải pháp nâng cao hiệu quả truyền thông về an sinh xã hội trong chương 3. Các giải pháp đó bao gồm: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý báo chí trong hoạt động truyền thông về an sinh xã hội; Nâng cao nhận thức về truyền thông, đổi mới tư duy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả truyền thông; Tăng cường hợp tác, liên thông, nâng cao hiệu quả hoạt động báo chí khu vực an sinh xã hội; Nâng cao chất lượng nội dung và hình thức thông tin về an sinh xã hội; Ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong hoạt động báo chí khu vực an sinh xã hội; Hoàn thiện bộ máy tổ chức về an sinh xã hội; Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động báo chí của cơ quan trụ cột hệ thống an sinh xã hội; Đảm bảo tài chính, cơ sở vật chất cho công tác truyền thông an sinh xã hội.

Một số kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Chính phủ với các cơ quan Bộ, ngành liên quan cũng được nêu ra nhằm hướng tới mục tiêu tăng cường hiệu quả truyền thông về an sinh xã hội. Theo đó tác giả luận án kiến nghị: Đảng, Nhà nước, Chính phủ cần chỉ đạo xây dựng các văn bản nhằm tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo với hệ thống báo chí trong công tác truyền thông về an sinh xã hội. Với các Bộ, ngành có liên quan như Bộ LĐ TB-XH, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần quan tâm củng cố hoàn thiện bộ máy, tăng cường nhân lực, tài chính cho truyền thông; thực hiện phối hợp hiệu quả với các cơ quan báo chí. Với các cơ quan báo chí được khảo sát, cần khắc phục những nhược điểm về số lượng, nội dung, hình thức tác phẩm, nắm bắt kịp thời nhu cầu thông tin của công chúng…

Đánh giá về luận án Tiến sĩ của đồng chí Dương Văn Thắng, PGS TS Đinh Văn Hường, chủ tịch Hội đồng đánh giá luận án nhận xét: Luận án Nghiên cứu hiệu quả Báo chí trong hoạt động truyền thông về an sinh xã hội ở Việt Nam thời kỳ hội nhập có giá trị lý luận và thực tiễn cao, thể hiện sự nghiên cứu nghiêm túc công phu của nghiên cứu sinh. PGS TS Đinh Văn Hường cũng hy vọng nội dung của luận án sẽ được tiếp tục nghiên cứu làm rõ ở nhiều góc độ sâu hơn nữa. Các thành viên khác trong Hội đồng cũng đều đánh giá cao giá trị khoa học luận án và nhất trí công nhận Nghiên cứu sinh Dương Văn Thắng xứng đáng nhận học vị Tiến sĩ Báo chí - Truyền thông.


Tiến sĩ Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng Giám đốc BHXH VN tặng hoa chúc mừng đồng chí Dương Văn Thắng

Phát biểu tại buổi bảo vệ luận án, Tiến sĩ Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chúc mừng đồng chí Dương Văn Thắng đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ. Đồng chí nhấn mạnh: Đề tài nghiên cứu của luận án do đồng chí Dương Văn Thắng thực hiện là rất cần thiết, hữu ích với thực tiễn hoạt động của ngành BHXH, cũng như lĩnh vực an sinh nước ta hiện nay. Đồng chí mong rằng, kết quả nghiên cứu của luận án sẽ được ứng dụng tích cực trong sự phát triển của BHXH, của an sinh xã hội nước ta trong thời gian tới.

Nguồn TC BHXH