Ứng phó biến đổi khí hậu: Doanh nghiệp cần chủ động

14/05/2013 01:18 AM


Trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ngày 8-5, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo duy trì sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp (DN) để phục hồi sau thảm họa thiên tai. Mục tiêu của hội thảo nhằm nâng cao nhận thức trong việc áp dụng lập kế hoạch, duy trì sản xuất kinh doanh để bảo vệ các DN, người lao động khỏi các tác động nặng nề của thiên tai.


Biến đổi khí hậu sẽ gây nên hiện tượng nước biển dâng

Phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Diệu cho biết: Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH). Trong vòng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình đã tăng khoảng 0,5 độ, mực nước biển đã dâng khoảng 20cm, những sự biến đổi dị thường này đã khiến thiên tai đến ngày một nhiều hơn và độ khốc liệt cao hơn. Đây không còn là chuyện của ngày mai nữa mà đã tác động trực tiếp đến đời sống sản xuất, tuy nhiên điều đáng phải đưa ra bàn bạc theo ông Diệu đó là, các DN vẫn thờ ơ với BĐKH, vẫn cho rằng chuyện đó xảy ra ở đâu đó. DN không chịu đưa ra các giải pháp phòng tránh thiên tai một cách có hiệu quả hoặc có những giải pháp thích ứng với BĐKH. Vì vậy, nếu thiên tai xảy ra người lao động sẽ là những người chịu thiệt thòi nhiều nhất, nếu DN không chống chọi nổi với thiên tai.

BĐKH với những tác động ngày một gia tăng và khó lường ở nhiều lĩnh vực, địa phương sẽ làm gia tăng mức độ cạn kiệt tài nguyên và suy thoái môi trường; làm tăng khả năng bị tổn thương, là nguy cơ làm chậm quá trình phát triển kinh tế - xã hội hoặc làm mất đi nhiều thành quả đã đạt được. Ông Leslie Williams, Giám đốc bộ phận phụ trách APEC, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia khẳng định. Biết trước những nguy cơ như vậy, các nước cần phải tìm phương án xây dựng, hoàn thiện và thực hiện các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành và địa phương có yếu tố phòng tránh giảm nhẹ thiên tai. Và các DN là một trong những lực lượng quan trọng giúp công tác phòng tránh giảm nhẹ thiên tai hiệu quả hơn. Chẳng hạn, đối với các vùng đồng bằng ven biển có hiện tượng nước biển dâng gây tác động nghiêm trọng đến sản xuất lương thực, đặc biệt là sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản, các DN đầu tư cho sản xuất lương thực và thủy sản phải trích quỹ phòng tránh giảm nhẹ thiên tai để chủ động phòng tránh cũng như giảm bớt những hậu quả do thiên tai mang lại. Tuy nhiên, tự mình ứng phó với thảm họa thiên tai là chuyện không dễ, vì vậy, cần những động thái tích cực từ phía Chính phủ để trang bị những kỹ năng cần thiết giúp DN đối diện, đối phó một cách có hiệu quả với thảm họa thiên tai.

Quan trọng là DN phải chủ động lập kế hoạch để ứng phó với BĐKH cũng như những hậu quả do thiên tai gây ra, bà Siobhan Ahem - Bộ trưởng Bộ du lịch Australia đề xuất. Theo bà Ahem, các DN không thể bó tay ngồi nhìn thiên tai quét qua DN mà phải lập kế hoạch duy trì sản xuất kinh doanh. Kế hoạch này phải đảm bảo cho DN tiếp tục hoạt động. Đặc biệt các DN phải luôn vạch sẵn các kế hoạch, có thể là kế hoạch để đối phó với tình huống  xấu nhất bằng việc tìm nhân viên thay thế, phương án bảo vệ máy móc trang thiết bị hay DN sẽ phải đối phó như thế nào nếu nhà cung cấp bị ảnh hưởng... Tóm lại, các DN phải chủ động xây dựng những kế hoạch cụ thể để ứng phó kịp thời với những thảm họa có thể xảy ra.

Theo Báo Đại đoàn kết