Chuyển ngược bệnh nhân về tuyến dưới: Không dễ thực hiện

22/03/2013 01:40 AM


Đề án bệnh viện (BV) vệ tinh giai đoạn 2013 - 2020 đang được Bộ Y tế triển khai trên toàn quốc. Theo đó, không chỉ cấm BV tuyến dưới chuyển bệnh nhân trong khả năng điều trị lên tuyến trên mà việc chuyển ngược bệnh nhân về tuyến dưới cũng sẽ được thực hiện.


Sẽ có 45 bệnh viện vệ tinh

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhiều lần nhấn mạnh đến câu chuyện nhiều người mới chỉ "hắt hơi, sổ mũi" đã lên tuyến trên điều trị. Vậy nên, để hạn chế tình trạng này, trước tiên phải làm cho bệnh nhân tin vào tuyến dưới. Từ việc thí điểm triển khai Đề án BV vệ tinh tại BV Bạch Mai và Việt Đức với 2 chuyên ngành Ngoại khoa và Nội khoa hiệu quả, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án BV vệ tinh giai đoạn 2013 - 2020 và trình Chính phủ. Trong giai đoạn 2013 - 2015 sẽ ưu tiên đầu tư 45 BV tỉnh là BV vệ tinh của 14 BV hạt nhân, tập trung trước mắt cho 5 chuyên khoa: Ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản và nhi. Giai đoạn 2016 - 2020 tiếp tục duy trì kết quả của Đề án BV vệ tinh giai đoạn 2013 - 2015, đồng thời căn cứ vào thực trạng quá tải BV.

Cùng với chuyển giao các gói kỹ thuật, các BV hạt nhân sẽ đào tạo cán bộ cho BV vệ tinh về chuyên môn. Khi đó, bệnh nhân tuyến dưới không còn vượt tuyến, bệnh nhân tuyến trên ổn định hơn sẽ chuyển ngược về tuyến dưới. Mục tiêu đến năm 2015, giảm tối thiểu 15% tỷ lệ chuyển tuyến từ BV vệ tinh lên BV hạt nhân so với trước khi thực hiện đề án (năm 2012). 100% BV hạt nhân thực hiện việc chuyển bệnh nhân ở giai đoạn hồi phục về BV vệ tinh, giúp rút ngắn thời gian điều trị trung bình hợp lý tại BV hạt nhân.

Không đồng bộ, khó cấm vượt tuyến

Khi Bộ Y tế phê duyệt đề án này, nhiều lãnh đạo BV lo ngại, nếu đề án không được triển khai một cách đồng bộ, sẽ khó mang lại hiệu quả. Thực tế, tại một BV tỉnh Đắk Nông, lãnh đạo BV này thừa nhận: "Khi bác sĩ tuyến trên rút về thì có những lúc chúng tôi phải nhờ họ trở lại sửa chữa những thiết bị hư hỏng vì BV thiếu người, và dù có kỹ thuật được chuyển giao nhưng BV chưa thực hiện hiệu quả". Đây cũng là tình trạng chung của nhiều BV địa phương khác. Vì vậy, với BV vệ tinh, Bộ Y tế quyết tâm chuẩn bị tốt các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực từ cơ sở để sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật của BV hạt nhân; đảm bảo 100% các kỹ thuật mà BV hạt nhân đã chuyển giao cho BV vệ tinh đều được BV vệ tinh tự thực hiện tốt và duy trì bền vững.

Nhưng, trước thực tế các BV tuyến trên, đặc biệt những BV chuyên khoa ung bướu, nhi, tim mạch đều quá tải và thiếu nhân lực, các đơn vị vừa lo đảm bảo chuyên môn của BV, vừa "chạy" Đề án 1816, lại sẽ phải đảm trách chuyển giao công nghệ cho BV vệ tinh thì "quá sức". Bên cạnh đó là vấn đề thiếu kinh phí, Bộ Y tế dự toán mức kinh phí 20 tỷ đồng cho một BV vệ tinh. Tuy nhiên, với mức này, nhiều BV kêu khó triển khai. Chẳng hạn,  BV Nhi Đồng sẽ triển khai xây dựng vệ tinh tại khu vực Đông Nam Bộ là Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu; BV Sản Nhi Đà Nẵng; Tây Nguyên. Mức đầu tư trong kế hoạch xây dựng vệ tinh của Nhi Đồng 2 mới chỉ giai đoạn 1 đã lên tới 457,7 tỷ đồng. Những BV khác mức dự toán kinh phí đầu tư cũng cao hơn nhiều so với dự toán của Bộ.

Vì vậy, nếu không giải quyết được những vấn đề còn tồn tại trên, thì những kỳ vọng của BV vệ tinh sẽ khó thành hiện thực. Và khi đó, bệnh nhân vẫn vượt tuyến điều trị, chuyện quá tải của BV tuyến trên khó bề giải quyết.

Theo NLĐO