Đói nghèo vẫn là một nỗi đau lớn đối với loài người

22/03/2013 01:30 AM


Một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với sự phát triển bền vững trên toàn cầu trong những thập niên tới là khả năng xảy ra nạn đói quy mô lớn.


Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, an ninh lương thực toàn cầu là một mối lo ngại lớn trong bối cảnh thế giới phải "còng lưng" sản xuất lương thực nuôi sống số dân ngày càng tăng, trong khi nguồn tài nguyên ngày một giảm. Hiện vẫn có hơn 870 triệu người sống trong tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm và bị tổn thương do biến đổi khí hậu, do tình trạng giá cả leo thang. Trên thực tế, hầu hết những cảnh báo đều đánh giá thấp vấn đề an ninh lương thực. Ví dụ, sự thiếu hụt chất dinh dưỡng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hai tỷ người.

Ngoài ra, một số vấn đề khác cũng được đánh giá chưa đúng mức, như tác động của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp, ngư nghiệp; xu hướng chuyển từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng sinh học sẽ tác động như thế nào đến sản xuất lương thực; hay hậu quả của nguồn nước ngầm bị sử dụng quá mức và tình trạng đất bạc màu. Thêm vào đó, phải thừa nhận rằng bản thân nông nghiệp là một trong những ngành chủ chốt gây thiệt hại nghiêm trọng cho đa dạng sinh học và "đầu độc" hành tinh.

Các nhà phân tích tính toán dân số toàn cầu sẽ tăng thêm 2,5 tỷ người vào năm 2050. Dự đoán gây ra mối lo ngại là làm thế nào để nuôi sống số dân đông đảo này khi mỗi năm có hàng triệu người chết vì suy dinh dưỡng. Năm biện pháp đã được đưa ra để giải quyết vấn đề thiếu lương thực gồm: ngừng tăng diện tích đất nông nghiệp để bảo vệ hệ sinh thái; nỗ lực gia tăng sản lượng; nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, nước và năng lượng; khuyến khích thêm số người ăn chay; giảm tình trạng lãng phí lương thực.

Song, tất cả những bước này đều đỏi hỏi những thay đổi lâu dài trong hành vi của con người. Trong khi đó hầu hết mọi người đều không thừa nhận tình trạng khẩn cấp phải tiến hành những biện pháp này do không hiểu rõ hệ thống nông nghiệp và tình hình phức tạp nội tại của ngành này, cũng như mối liên hệ giữa cơ chế hoạt động của nông nghiệp đối với môi trường. Trong hơn một thiên niên kỷ qua, nhiệt độ Trái Đất đang bị thay đổi, làm gia tăng những trận bão, lũ, hán hạn và gây khó khăn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Một động thái cần thiết được tiến hành là đưa ra những dự báo về tình trạng thiếu hụt nguồn cung lương thực. Từ đó, con người sẽ tự cân nhắc những lợi ích liên quan đến dinh dưỡng/sức khỏe, nhằm làm chậm lại quá trình tăng trưởng dân số, trước khi loài người đạt mốc 9 tỷ người.

Tại Geneva (Thụy Sĩ), 3 cơ quan thuộc Liên hợp quốc gồm Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) và Hội nghị Chống sa mạc hóa của Liên hợp quốc (UNCCD) đã tổ chức diễn đàn thảo luận về các biện pháp phòng chống và khắc phục hậu quả của tình trạng hạn hán trên toàn thế giới. Hội nghị đã thu hút khoảng 400 chuyên gia từ nhiều quốc gia trên toàn thế giới và kéo dài 5 ngày. Phát biểu tại hội nghị, các quan chức Liên hợp quốc khẳng định các nước cần hợp tác để vận dụng các kinh nghiệm, khoa học và công nghệ, từ đó xây dựng chính sách quốc gia phòng chống hạn hán. Trong bức thông điệp gửi hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon khẳng định phòng ngừa phải là ưu tiên của các quốc gia. Không một nước nào có thể tránh khỏi những cú sốc toàn cầu.

Đại diện Đặc biệt của Tổng Giám đốc FAO Ann Tutwiler được dẫn lời nói rằng mục đích chủ yếu của hội nghị Geneva năm 2013 nhằm giúp các nước làm quen với các biện pháp chuẩn bị đối phó với các đợt hạn hán, kể cả kiến thức kỹ thuật và các điều kiện nhằm phát triển thành công các chính sách phòng chống hạn hán. Các đợt hạn hán là nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng thiếu lương thực, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Theo số liệu của Văn phòng Liên hợp quốc về hạn chế rủi ro thảm họa thiên tai, từ năm 1900 đến nay hạn hán đã làm chết hơn 11 triệu người và ảnh hưởng đến cuộc sống của 2 triệu người. Các nhà tổ chức hy vọng hội nghị sẽ dẫn đến sự phát triển của các chính sách quản lý hạn hán quốc gia, trong đó chú trọng vấn đề hợp tác và phối hợp tất cả các cấp chính quyền và nâng cao khả năng của các chính phủ để đối phó với các giai đoạn khan hiếm nước kéo dài.

Tổng Thư ký WMO Michel Jarraud cảnh báo biến đổi khí hậu có thể làm gia tăng tần suất, mật độ và kéo dài thời gian hạn hán tại nhiều khu vực trên thế giới. Ông nhấn mạnh hiện các quốc gia đếu có kiến thức và kinh nghiệm trong việc hạn chế tác động của hạn hán và việc thiết lập cơ chế hành động chung là điều rất cần thiết. Hạn hán hình thành "chậm và âm thầm", không gây ra sự chú ý đặc biệt giống như các loại thiên tai khác như động đất, lũ lụt, sóng thần... nên nhiều khi các Chính phủ ít quan tâm. Hạn hán là một loại thiên tai có nhiều nạn nhân nhất, và số người tử vong nhiều khi còn nhiều hơn tỷ lệ tử vong do lốc xoáy, lũ lụt và động đất cộng lại.

Về phần mình, Tổng Giám đốc FAO, José Graziano da Silva cũng cảnh báo việc gia tăng tần số và mật độ các vụ hạn hán sẽ để lại hậu quả khôn lường đến an ninh lương thực, nhất là tại các khu vực dễ bị tác động. Do đó, ông cho rằng cần ưu tiên đầu tư dài hạn để người dân và hệ thống sản xuất lương thực có thể "chống chọi" được nếu xẩy ra hạn hán. Năm qua, nhiều vụ hạn hán gây hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra trên khắp thế giới, điển hình là tại Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và nhất là tại châu Phi.

Hội nghị quốc tế cấp cao năm nay diễn ra trước Ngày Nước thế giới được tổ chức vào ngày 22/3 hàng năm. Chủ đề năm nay của hội nghị là hợp tác quốc tế nhằm tích cực ủng hộ quyết định của Đại Hội đồng Liên hợp quốc lấy năm 2013 là Năm Quốc tế hợp tác về nước. Theo thống kê, gần một nửa số dân trên thế giới sẽ sinh sống ở các khu vực khan hiếm nước vào năm 2030. Hạn hán đã ảnh hưởng mạnh đến khu vực Sừng Lớn của châu Phi, đến Mỹ, Mexico, Brazil, các khu vực của Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Đông Nam châu Âu. Ngoài ra, 168 quốc gia trên thế giới tuyên bố bị ảnh hưởng nặng nề do tình trạng sa mạc hóa - một quá trình thoái hóa đất ở các vùng đất khô hạn ảnh hưởng đến sản xuất lương thực và tình hình càng trầm trọng hơn do hạn hán.

Theo TTXVN/Vietnamplus