Tìm lời giải cho bài toán thất nghiệp trẻ

21/03/2013 03:59 AM


Thất nghiệp đang gia tăng trên toàn cầu. Lực lượng lao động Việt Nam cũng không nằm ngoài “quỹ đạo” đó. Thực tế này đang đặt ra những thách thức không nhỏ với quá trình tạo việc làm cho người lao động.


Đối mặt với nguy cơ thất nghiệp

Theo một công bố mới đây của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), thất nghiệp toàn cầu trong năm 2012 gia tăng sau hai năm liên tiếp giảm. Theo báo cáo xu hướng việc làm toàn cầu 2013, số người thất nghiệp trên thế giới tăng thêm 4,2 triệu trong năm 2012 lên mức 197 triệu người, và tỷ lệ thất nghiệp là 5,9%. Gần 74 triệu người độ tuổi từ 15 đến 24 trên thế giới không có việc làm, tỷ lệ thất nghiệp trẻ ở mức 12,6%. Tỷ lệ này có thể tiếp tục tăng trong năm 2013. Trong tương lai vừa, dự báo mức độ hồi phục kinh tế toàn cầu không đủ mạnh để giảm nhanh tỷ lệ thất nghiệp, và số lao động tìm việc sẽ tăng lên hơn 210 triệu người trong vòng 5 năm tới. “Triển vọng kinh tế không chắc chắn và chính sách chưa đủ tầm đã kéo dài quá trình tụt dốc của thị trường lao động ở nhiều quốc gia, khả năng tạo việc làm suy giảm và gia tăng thời gian thất nghiệp, ngay cả ở một số nước trước đây vốn có tỷ lệ thất nghiệp thấp và thị trường lao động năng động”, Tổng Giám đốc ILO Guy Rider, cho biết.

Điều đáng lo ngại là ngày càng nhiều lao động trẻ phải chịu thất nghiệp dài hạn. Trong 5 năm tới, thất nghiệp trẻ sẽ gia tăng ở các nền kinh tế mới nổi ở Đông Âu, Đông và Đông Nam Á, và Trung Đông. Nếu thanh niên phải thất nghiệp kéo dài hoặc phải rời thị trường lao động ở giai đoạn đầu của sự nghiệp sẽ khiến tương lai bị ảnh hưởng. Điều đó làm xói mòn những kỹ năng nghề nghiệp và xã hội của họ, và họ không có cơ hội tiếp nhận kinh nghiệm làm việc thực tế. Riêng Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi thanh niên cao hơn tỷ lệ thất nghiệp chung của lực lượng lao động. Trong giai đoạn 2007 - 2011, tỷ lệ thất nghiệp thanh niên cao hơn 2 lần tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước.

Thúc đẩy tạo nhiều việc làm

Để tìm lời giải cho thất nghiệp trẻ, chuyên gia của ILO cho rằng, các nhà hoạch định chính sách đồng thời nên giải quyết 3 vấn đề liên quan với nhau – phối hợp hành động để hỗ trợ tổng cầu, đặc biệt thông qua đầu tư công khi đầu tư của tư nhân vẫn còn dè dặt; giải quyết sự khập khiễng đang gia tăng trong thị trường lao động thông qua các chương trình đào tạo và đào tạo lại kỹ năng; và tập trung vào vấn đề thất nghiệp trẻ.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, ngành đang nỗ lực triển khai những giải pháp để thực hiện mục tiêu về dạy nghề, giải quyết việc làm. Mục tiêu, đến năm 2017 sẽ tư vấn hướng nghiệp được 15 triệu thanh niên, học sinh và dạy nghề, giới thiệu việc làm cho 1,2 triệu thanh niên. Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hai tháng đầu năm 2013 tăng 19,9% so với cùng kỳ. Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, giải phóng hàng tồn kho, ngành công thương phải tiếp tục tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về chính sách đi kèm với các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, phát triển nông thôn gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản.

Cũng theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, quá trình giải quyết việc làm cho thanh niên còn không ít hạn chế. Một trong những giải pháp quan trọng để khắc phục trong thời gian tới là thực hiện Chiến lược dạy nghề giai đoạn 2011 - 2020, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, gắn kết giữa các cơ sở đào tạo, cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh… Đồng thời, tiếp tục triển khai đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 - 2015”. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, vay vốn tín dụng ưu đãi để thanh niên học nghề, tạo việc làm và xuất khẩu lao động. Ngành sẽ chú trọng nâng cao năng lực của hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm trong việc tư vấn, giới thiệu việc làm, định hướng nghề nghiệp cho thanh niên.

Việc hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, đẩy mạnh dự báo thị trường lao động trong ngắn hạn, dài hạn cũng được xem là một giải pháp quan trọng. Điều này giúp cung cấp các thông tin về cơ hội việc làm, khóa đào tạo… giúp thanh niên, sinh viên lựa chọn và quyết định học nghề, lập nghiệp, tham gia thị trường lao động. Tuy nhiên, để tạo việc làm cho lao động trẻ hiệu quả hơn, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cũng đề nghị Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh triển khai có hiệu quả chương trình phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH trong tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề và giải quyết việc làm. “Một trong những nội dung cụ thể là phối hợp nghiên cứu mở rộng đối tượng và định mức vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm thông qua kênh ủy thác của Đoàn; nghiên cứu việc đề xuất Thủ tướng Chính phủ thành lập Quỹ hỗ trợ thanh niên phát triển nghề và khởi sự doanh nghiệp”, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết.

Song hành với các giải pháp của ngành lao động, để giải quyết được gốc rễ vấn đề thất nghiệp, đòi hỏi phải kích thích nền sản xuất, giải phóng đầu ra cho sản phẩm của doanh nghiệp. Theo nhận định của Bộ Công Thương, năm 2013, khó khăn vẫn tiếp tục đeo bám doanh nghiệp, không chỉ có doanh nghiệp vừa và nhỏ mà ngay cả những tập đoàn kinh tế hàng đầu, tổng công ty lớn của Nhà nước cũng đang phải loay hoay với “bài toán” đầu ra cho sản phẩm và vốn cho mở rộng sản xuất. Đồng thời, tạo điều kiện phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trong nước, công nghiệp chế tạo, tăng cường tiêu thụ sản phẩm có chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh; quyết liệt tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước.

Theo ĐVO