Tỷ lệ việc làm có trình độ sẽ tăng trong 2011-2020

20/03/2013 09:35 AM


Kết quả dự báo nhu cầu việc làm giai đoạn 2011-2020 theo trình độ giáo dục cho thấy tỷ lệ việc làm có trình độ có xu hướng tăng và việc làm không có trình độ có xu hướng giảm.


Tỷ lệ việc làm có trình độ từ cao đẳng trở lên tăng từ 8% lên 14%, nhóm đã qua dạy nghề tăng 8% lên 9%. Tỷ lệ việc làm chưa qua đào tạo nghề giảm từ 85% (năm 2011) xuống còn 77% năm (2020). Tỷ lệ việc làm chuyên môn, trong ngành dịch vụ, có tay nghề trong nông nghiệp, thợ thủ công… sẽ tăng lên trong khi tỷ lệ việc làm của lao động phổ thông sẽ giảm đi đáng kể, từ 40,8%  (2011) xuống còn 25,1% (năm 2020). Dự báo việc làm theo ngành cho thấy tỷ lệ việc làm trong ngành nông nghiệp sẽ có xu hướng giảm từ 47% (năm 2011) xuống  42% (năm 2020). Ngược lại, tỷ lệ việc làm trong ngành xây dựng sẽ tăng từ 6,2% (năm 2011) lên 7,5% (năm 2020), việc làm trong ngành thông tin liên lạc tăng từ 4,1% (2011) lên 7,5% (năm 2020).

Các chuyên gia cho biết, dự báo cầu việc làm theo ngành, nghề, giáo dục… được thực hiện theo số liệu hiện có của Việt Nam. Tuy nhiên, dự báo cung lao động không thể thực hiện do không có số liệu. Các chuyên gia cho rằng  hàng năm Việt Nam cần tiến hành một cuộc điều tra về lực lượng lao động để đảm bảo dự báo việc làm chính xác và đầy đủ. Bên cạnh báo cáo về dự báo nhu cầu việc làm, các chuyên gia cũng cung cấp những kinh nghiệm trong xây dựng hệ thống thông tin việc làm cấp trung ương để Việt Nam tiến hành xây dựng Văn phòng thông tin việc làm trung ương của Việt Nam một cách hiệu quả và ít tốn kém hơn.

Lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết hiện nay Việt Nam có hơn 100 trung tâm giới thiệu việc làm, trong đó có 63 trung tâm giới thiệu việc làm thuộc các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, còn lại thuộc các tỏ chức chính trị, xã hội khác. Sắp tới, Việt Nam cũng sẽ  tiến hành xây dựng trung tâm thông tin việc làm trung ương. Lãnh đạo Bộ thừa nhận cơ sở hạ tầng của các trung tâm giới thiệu việc làm hiện nay còn kém. Vì vậy, trang thiết bị máy móc sẽ được tiếp tục đầu tư, tuy nhiên, vấn đề quan trọng mà phía Việt Nam đang gặp khó khăn là thiếu nguồn thông tin đưa vào cơ sở dữ liệu hệ thống việc làm và cần hỗ trợ trong thời gian tới về đạo tạo nhân lực và hỗ trợ kỹ thuật.

Theo NLĐO