Bức tranh dạy nghề: Chất lượng thấp, thất nghiệp nhiều

20/03/2013 09:31 AM


Vừa qua, tại TP. Cần Thơ, Bộ LĐ-TB-XH tổ chức hội nghị về việc làm, dạy nghề, quan hệ lao động các tỉnh phía Nam. Thông tin từ hội nghị cho thấy một bức tranh khá u ám về tình hình lao động và cuộc sống của người lao động hiện nay.


Học nghề chạy theo số lượng

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hoà An (Phụng Hiệp, Hậu Giang) Trần Ngọc Vũ, dạy nghề nông thôn hiện chưa gắn với nhu cầu của người dân. Ông kể, năm 2012, cấp trên giúp đỡ đào tạo nghề đan lục bình và dây cói cho 60 người ở xã nhưng học xong không có việc làm thường xuyên vì sản phẩm không có nơi tiêu thụ. Nghề may và sửa xe máy, quy định người chưa có nghề mới được học nhưng bất cập là học ba tháng không thể độc lập làm nghề. “Người dân muốn được dạy một số nghề gắn với nông nghiệp, khai thác tiềm năng địa phương nhưng không thuộc danh mục quy định nên không được hỗ trợ”, ông Vũ nói.

Báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH, hiệu quả dạy nghề “thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với đặc điểm của từng vùng, ngành kinh tế. Tình trạng một số nơi dạy nghề chạy theo số lượng, chất lượng thấp, chưa phù hợp nhu cầu của người học và người sử dụng lao động” nên kết quả thoát nghèo từ học nghề rất thấp. Đơn cử trong 3 năm từ 2010 đến 2012, khu vực phía Nam dạy nghề cho 427.942 lao động nông thôn, nhưng chỉ có 7.735 thoát nghèo, chiếm 1,8% lao động được học nghề. Có nhiều địa phương, tỷ lệ lao động nông thôn học nghề thoát nghèo vô cùng thấp, tỉnh Long An 0,01%; tỉnh An Giang 0,48%; tỉnh Cà Mau 0,7%.

Thanh niên thất nghiệp tăng

Cục Việc làm của Bộ LĐ-TB-XH cho biết, kết quả điều tra năm 2012, vùng ĐBSCL chỉ có 8,6% trong tổng số hơn 10 triệu lao động, đã qua đào tạo và đào tạo nghề có chứng chỉ, “thấp nhất cả nước”. Vùng Đông Nam Bộ, khu vực công nghiệp sôi động, tỷ lệ lao động qua đào tạo cũng chỉ có 19,5%. Còn TP Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế cả nước, tỷ lệ lao động qua đào tạo 27,5%. Thực trạng lao động như vậy dẫn đến nhiều người thất nghiệp. Đáng quan tâm, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên cao. Phó chủ tịch UBND xã Hoà An Trần Ngọc Vũ cho biết: “Khoảng 11% dân số của xã đang đi làm xa quê, chủ yếu là thanh niên và chỉ làm thuê công việc tay chân”.

Báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH cũng dẫn ra rằng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên tại cả hai vùng, vùng Đông Nam Bộ cao gấp 1,8 lẩn tỷ lệ chung; vùng ĐBSCL cao gấp 2,5 lần tỷ lệ chung. Còn lao động thiếu việc làm ở ĐBSCL là 4,6%. Trong lúc nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất cần tuyển lao động lại không có vì “tình trạng lao động không đáp ứng được nhu cầu tuyển lao động (kể cả lao động phổ thông) khá phổ biến”.

Năm 2012, cả khu vực phía Nam giải quyết được khoảng 853.000 lượt lao động, thì cũng có 84.779 lao động mất việc làm, bên cạnh còn nhu cầu tuyển trên 500.000 lao động nhưng chưa tuyển được. Chất lượng lao động thấp nên cả vùng ĐBSCL và Đông Nam Bộ chỉ đưa được 9.136 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong cả năm 2012. “Từ năm 2006 đến hết năm 2012, cả nước đã xảy ra 3.692 cuộc đình công, bình quân mỗi năm xảy ra 527 cuộc”, báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH. Bình quân mỗi cuộc đình công có 654 người tham gia, thời gian bình quân 1-2 ngày, “một số cuộc đình công có quy mô lớn, diễn biến phức tạp”. Đình công chủ yếu do tranh chấp về quyền, từ năm 2007 trở về trước, còn từ 2008 trở lại đây tranh chấp về lợi ích.

Theo NLĐO