Mưu sinh ở chợ lao động

18/03/2013 03:57 AM


Có một khu vực nhỏ trong cái chợ quê ở ven sông, bán - mua một loại "hàng hóa" đặc biệt: sức lao động. Ngày ngày, hàng trăm lao động nghèo không nghề nghiệp đều tập trung về đây chờ người đến... thuê sức lao động.


Hầu hết những người mưu sinh ở chợ lao động Nhơn Phú đều rất nghèo

"Chợ"... người nghèo

Tôi đến "chợ lao động" Nhơn Phú, huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long trong vai người cần bán sức lao động. Bóng đêm còn dày đặc nhìn không rõ mặt người. Sương khuya đẫm ướt, lạnh thấu cả thịt da. Vậy mà bên bờ sông Lưu đã có hơn chục người đứng ngồi lố nhố chờ ghe đến để "bán" mình. Vài người may mắn được các chủ ghe chọn "mua", rồi nổ máy lao đi vội vã cho kịp con nước lúc hừng đông.

Hơn 5 giờ sáng, mặt trời vừa lên khỏi ngọn cây bên bờ sông đối diện, chiếu những tia nắng đầu tiên. Nắng chui qua kẽ vách, làm anh Hà, chủ quán cà-phê ven bờ sông Lưu tỉnh ngủ. Anh lật đật đi nhóm bếp, nấu ấm nước sôi chuẩn bị đón những người khách cần lao. Khói bếp xông ra khỏi mái nhà, buông là đà trên mặt nước. Anh Hà vác chổi gom chút lá khô, vỏ tràm đốt đống hun cho đỡ lạnh. Những dòng người cũng bắt đầu đổ về phía bến sông. Họ vây quanh đống lửa, hơ tay, vuốt lên mặt. Miền Tây không rét buốt như vùng khác, nhưng vì không quen lạnh nên chỉ se se đã cóng hết cả tay chân. Biết vậy nên sáng nào anh Hà cũng quét mớ lá khô, nhóm lửa phục vụ người lao động. Ðó cũng là lúc "chợ" nhóm họp đông đúc nhất.

Tất cả những người đến "chợ" đều nghèo, rất nghèo. Người có ít ruộng đất, người không nghề nghiệp nên chỉ biết bán sức lao động, mưu sinh nặng nhọc. Mấy chục con người, già có, trẻ có, sồn sồn có, đàn ông, đàn bà đều có. Lớp đứng, lớp ngồi, mắt cứ hướng về phía ngã ba sông mà chờ đợi. Trên tay mỗi người đều có một cái ghế gỗ, đồ nghề để bưng, cõng gạch thuê. Với phụ nữ thì còn có thêm một giỏ xách với thố cơm chuẩn bị sẵn ở nhà. Tôi cũng tiến đến bên đám đông. Thấy tôi lạ mặt, mọi ánh mắt đổ dồn dò xét. Nhưng với cái vẻ "hai lúa" và mầu da đen nhẻm của mình, không cần hóa trang thì tôi vẫn  giống người lao động thực thụ. Thêm lời nói hộ của anh Khương, cán bộ Hợp tác xã khai thác và kinh doanh chợ Nhơn Phú: "Thằng em không có việc làm nên tới chợ coi có ai mướn thì đi bưng gạch", những ánh nhìn được giải tỏa, tôi nhanh chóng hòa đồng cùng những người đang chờ việc.

Sau một hồi bắt chuyện, tôi làm quen được với anh Lắm và anh Lực. Phải nài nỉ khá lâu, nếu có người mướn cho tôi được cùng làm để "tập sự" vào nghề. Lực bảo, nhóm đã đủ năm người, trong đó có ba phụ nữ rồi, nếu nhét cả tôi thì số tiền ít ỏi kiếm được của một ngày lao động lại bị xé ra manh mún. "Nhưng thôi, đều là dân lao động nghèo với nhau, mọi người chia sẻ tý công việc lại cho cậu cũng không là mấy", anh Lực ra chiều thông cảm. Anh Lắm kêu tôi vào chợ mua vắt xôi hay ổ bánh mì ăn lót dạ để có sức mà làm. "Buổi trưa bị kẹt nước ròng về trễ là nhịn đói đó nghen. Coi mua mì gói hay cơm hộp đem theo. Những nơi làm việc đều sâu tuốt trong quê, không quán xá, cũng chẳng ai bán đồ ăn", anh Lắm nhắc nhở. Thoáng thấy mấy chiếc ghe bầu lù lù xuất hiện đằng xa, mọi người đã bắt đầu nhấp nhỏm, xôn xao. Vài chiếc cặp bến thuê người, còn chiếc khác thì chạy tuốt. Nhóm của anh Lực được chủ ghe tên Toản gọi đi bưng gạch nên tôi được đi cùng. Mấy chiếc ghe còn lại tìm được người cũng nhanh chóng nhổ sào, lui bến. Ghe rời khỏi bến sông, nhắm hướng kênh Bà Nữ lao đi. Tôi ngoái lại, trên bờ, nơi bến chợ vẫn còn rất nhiều lao động nghèo chờ người đến, để bán sức lao động.

Vắt sức, đổi chén cơm

Nhơn Phú là thủ phủ của vương quốc gạch ngói ở Vĩnh Long. Hai bên bờ kênh, lò gạch san sát. Những bãi gạch mầu đỏ thẫm đủ mọi kích cỡ chất tràn ra tận mép kênh. Anh Toản chủ ghe cho máy nổ nhỏ rí, lết tà tà trên dòng kênh nhỏ để tìm lò có gạch đẹp, tấp vào mua. Chốc chốc, anh Toản tấp ghe vô, nhảy lên bờ xem mẫu. Không được giá, lại nổ máy tà tà đi tiếp. Sau một hồi chọn lựa, chủ ghe quyết định mua gạch tại lò Út Nhất. Chiếc ghe bầu 30 tấn, có thể chở đến gần bốn muôn (một muôn là 10.000 viên) gạch ống (loại 7cm x 17cm) và gạch thẻ (6cm x 16cm). "Lấy trước một muôn tám gạch ống, rồi sẽ đi sâu vô Phước Chí tìm mua thêm hai muôn gạch thẻ", anh Toản cho biết.

Chiếc đòn dày bằng gỗ dài hơn bảy thước được bắc từ dưới ghe lên bờ kênh, làm cầu dẫn cho phu bưng gạch. Ba người phụ nữ là chị Hậu, chị Lùn và chị Hai Vinh cũng đã sẵn sàng cho một ngày lao động nặng nhọc. Sáu người chúng tôi bắt đầu chia nhau đóng gạch ống to tướng. "Tính tiền công sao hả anh?", tôi hỏi. Anh Lắm nói, tiền kiếm được từ công việc nặng nhọc này suốt 5 năm nay không thay đổi, chỉ 25 nghìn đồng/thiên (1.000 viên) gạch ống, gạch thẻ. Rồi anh "mở hàng" bằng một ghế gạch cao đến tận cằm, cả thảy 72 viên. Từng người một lần lượt bưng những ghế gạch đầu tiên. Tôi còn đứng xớ rớ chưa sẵn sàng nhập cuộc. Ghế gạch đã chất đầy, chưa nhấc lên khỏi mặt đất mà tay chân tôi đã túa mồ hôi. Cái cảm giác hồi hộp và lo lắng đã làm tiêu hao của tôi phần nào sức lực. Cố gồng mình bưng ghế gạch trước bụng, tôi lò dò từng bước chậm chạp trên chiếc đòn dày. Bưng gạch đã khó, chất gạch lại càng khó hơn và đòi hỏi phải biết kỹ thuật "trải lường", "kê be" thì chiếc ghe bầu này mới "nuốt" nổi bốn muôn. Có nhiều thứ phải học, phải làm quen trong chốc lát là một áp lực. Mồ hôi vã ra, dẫu không phải mệt, tôi luống cuống bước trở lên bờ. Anh Lực bảo, cả đống này là một muôn tám gạch ống, được chất thành 72 cây, mỗi cây 250 viên. Mỗi người phải bưng, cõng từng cây một, hết cây này đến cây khác chứ không lấy lộn xộn, để dễ tính tiền. "Ở đây làm theo năng lực, ai bưng nhiều thì hưởng nhiều, chứ không làm chung vì người mạnh, người yếu, người nhanh, người chậm, chia thế nào cũng không đều được. Tụi tui đã làm chung với nhau cả chục năm rồi, cứ vậy mà tính, khỏi mất lòng vì tiền bạc", anh Lực giải thích.

Mặt trời lên cao, nắng bắt đầu gay gắt. Không khí cũng trở nên ngột ngạt. Ba người phụ nữ, lúc đầu còn đeo khẩu trang, bịt kín mặt, nhưng một lúc sau thì phải tháo hết ra. Tôi đoán là họ không còn quan tâm nhiều đến sắc vóc, làn da của mình nữa, miễn là bưng càng nhiều gạch càng tốt, để kiếm tiền. Chị Hậu cứ thoăn thoắt tay chất gạch đầy lên ghế rồi bưng nó lao đi. Tôi đứng trên bờ kênh nhìn họ mà thầm cảm phục. Họ cứ lao động miệt mài, liên tục không ngơi nghỉ. Không bị áp lực kiếm tiền như họ nên nhịp độ lao động của tôi không hối hả lắm, nhưng cũng đủ để hiểu được nỗi nhọc nhằn của đời phu gạch. Họ oằn mình bưng những ghế gạch cao đến tận cằm. Chân rung, tay mỏi nhừ, mồ hôi ướt đẫm chiếc áo bạc mầu. Nắng, gió, bụi tro từ những lò gạch bay tứ tán, hắt thẳng vào mặt, len vào miệng, vào mũi trong hơi thở gấp gáp, hổn hển. Những giọt mồ hôi lẫn với tro chảy tràn xuống khóe môi mặn chát. Tranh thủ phút nghỉ ngơi ít ỏi khi ngừng tay uống ly trà đá và hút thuốc, tôi đến bên anh Lực gợi chuyện. Anh nói, nhà nghèo, không có đất ruộng, không nghề nghiệp nên hằng ngày phải đến chợ đi cõng gạch thuê. Biết làm sao được, không nghề nghiệp thì chỉ biết vắt sức, đổi lấy chén cơm. Chị Hậu trải lòng: "Hồi trước, chỉ có chồng tôi đi chụm lò (đốt lò để nung gạch), thức đêm thức hôm cực quá mà tiền bạc cũng chẳng được bao nhiêu. Hai đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn, rồi tuổi cắp sách đến trường nên bao nhiêu chuyện cơm áo gạo tiền đều oằn nặng trên đôi vai của ảnh. Tôi theo mọi người ra chợ "bán" sức lao động, kiếm tiền chia sẻ gánh nặng với chồng, rồi làm luôn cả chục năm nay". Hoàn cảnh chị Lùn thì lại khác, bỏ chồng, một mình bưng gạch thuê nuôi hai đứa con thơ. Hay như chị Hai Vinh, cận kề tuổi 50 vẫn phải lao động vất vả, nặng nhọc vì miếng cơm, manh áo. Cám cảnh nhất là bà Hai Ðồng, đã sang tuổi 63 mà vẫn phải đi bưng gạch thuê chạy gạo hằng ngày. Bốn giờ sáng tôi đã thấy bà Ðồng có mặt tại bến sông Lưu, nhưng lại là người lủi thủi ra về trong thất vọng. Ở cái tuổi của bà, không ai dám mướn. Phần vì không chạy việc, phần vì chủ ghe sợ bà trượt chân té ngã lại rầy rà. Mỗi lần bà Ðồng chỉ bưng được 12 viên gạch ống, vất vả cả ngày thì số tiền kiếm được chưa tới 40 nghìn đồng. Ngần ấy tiền vừa phải mua gạo, muối, nước mắm về nuôi đứa cháu ngoại và đứa con gái, nghe đâu bị mắc bệnh tâm thần. Nhiều người nói, lâu lắm rồi không thấy bà Ðồng mua cá hay thịt để ăn. Thương bà lắm, nhưng ai cũng nghèo nên chẳng biết phải giúp thế nào. Hai năm trước, chồng bà mất lúc bà đang đi cõng gạch thuê. Hàng xóm chạy đến báo tin, nghe xong bà bảo: "Chưa xong việc sao về?". Mới nghe nhiều người giận tím mặt, nhưng nghĩ lại mới thấy thương bà. Bởi lúc đó nhà không còn hột gạo, cũng chẳng có tiền. Thương quá, chủ ghe trả tiền công trước, còn cho bà thêm chút đỉnh để về lo hậu sự cho chồng. Hàng xóm góp mỗi người một tay để làm ma chay. Giờ thì chỉ còn mỗi mình bà là trụ cột trong nhà, tần tảo nuôi con, nuôi cháu.

Mỗi phu gạch là một cảnh đời, tâm sự nghe mặn đắng lòng. Tôi về tới bến chợ lúc chiều tà rủ bóng bên bờ sông Lưu. Từ rặng cây bên bờ sông đối diện có tiếng chim bìm bịp kêu chiều, gọi con nước lớn nghe như tiếng thở dài của những người phu gạch cần mẫn mà vẫn lẩn quẩn đói nghèo.

Theo Báo Nhân dân