Thách thức với bác sĩ gia đình
18/03/2013 03:54 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Có lẽ chưa bao giờ bác sĩ gia đình (BSGĐ) được nhắc nhiều như lúc này. Sau nhiều năm xa lạ, giờ đây người ta ngày càng nhắc đến mô hình BSGĐ như là giải pháp duy nhất để quản lý tốt nhất sức khoẻ cho người dân và giảm tải hiệu quả tuyến trên. Thế nhưng, trong thực tế, mọi chuyện còn quá xa vời.
Gặp GS Didier Giet, trưởng khoa Y học tổng quát, đại học Liège – Bỉ, bên lề hội thảo đào tạo chuyên khoa 1 BSGĐ do đại học Phạm Ngọc Thạch tổ chức tuần qua, ông cho biết: “Để xây dựng hệ thống BSGĐ ở Việt Nam các bạn phải đối mặt rất nhiều thách thức. Nếu muốn triển khai một kỹ thuật mới như ghép gan, chủ yếu bạn chỉ cần đào tạo các bác sĩ phẫu thuật biết ghép gan. Còn với BSGĐ, bạn phải thực hiện một khối lượng công việc đồ sộ, từ đào tạo bác sĩ, thay đổi suy nghĩ bệnh nhân cho đến cải tổ hệ thống y tế”.
Mô hình chưa chuẩn
GS Didier Giet nói đúng, mặc dù hơn chục năm qua cả nước đã đào tạo được khoảng 500 bác sĩ chuyên khoa 1 về y học gia đình và nhiều phòng khám BSGĐ ra đời, nhưng mô hình BSGĐ đúng chuẩn vẫn còn khá xa lạ. Điều này không phải là ngoại lệ với TP.HCM, dù đây có thể xem là địa phương đi đầu cả nước về xây dựng BSGĐ. N., một bác sĩ đang học lớp định hướng BSGĐ của đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch nói: “Quan trọng nhất của y học gia đình là bệnh án điện tử để xây dựng cây phả hệ theo dõi sức khoẻ bệnh nhân, nhưng đến nay chưa ai xây dựng được bệnh án này”.
Tuy nhiên, ngay cả khi xây dựng được bệnh án điện tử riêng cho BSGĐ, việc làm bài bản cũng không dễ. Tại nước ta, tâm lý người bệnh khi đi khám bác sĩ là chỉ muốn khám cho nhanh rồi mua thuốc uống, chứ không quan tâm đến việc được quản lý sức khoẻ toàn diện và liên tục như tinh thần y học gia đình. “Hỏi một người về tiền sử cá nhân, tình trạng dị ứng thuốc, số bệnh được chích ngừa họ còn không nhớ huống hồ gì khai thác bao nhiêu yếu tố khác”, N. nói.
Chuẩn mực còn xa, nên thực tế những gì diễn ra tại các phòng khám thí điểm BSGĐ hiện nay không khác mấy một phòng khám thông thường. Tại phòng khám BSGĐ ở bệnh viện Bình Tân TP.HCM, không có chuyện sàng lọc bệnh nhân từ khâu tiếp nhận, ngoài những bệnh nhân có tính theo dõi dài lâu, còn có những bệnh nhân thông thường. Có bệnh nhân bị bác sĩ hỏi quá nhiều, tỏ vẻ bực mình không chịu hợp tác.
Cần sự quyết liệt
Nghiên cứu của Kerr White tại Mỹ và Anh cho thấy trong một tháng cứ 1.000 người trong cộng đồng có 750 người có vấn đề về sức khoẻ và trong đó 500 người tự chữa bệnh mà không cần đến bác sĩ. Trong 250 người đến bác sĩ, có năm người được giới thiệu đến bác sĩ chuyên khoa, chín người nhập viện và chỉ có một người cần chữa ở bệnh viện cao nhất.
Số liệu trên cho thấy bệnh nhân thực sự cần đến bệnh viện là rất ít, đại đa số chỉ cần chăm sóc ban đầu bởi hệ thống y tế cơ sở. Như thế, không có gì lạ tại các nước phát triển, hệ thống BSGĐ đóng vai trò chiếc màng lọc, vừa giữ bệnh nhân lại để chữa trị hiệu quả vừa giảm được bệnh nhân đổ lên tuyến trên.
Với lợi ích như thế, cũng dễ hiểu khi trong hai năm gần đây bộ Y tế Việt Nam đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển hệ thống BSGĐ, xem đây như một trong những giải pháp hữu hiệu để giải bài toán quá tải bệnh viện. Đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án giảm tải bệnh viện giai đoạn 2013 – 2020, trong đó nhắc đến một trong những việc cần làm là xây dựng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ.
Thế nhưng mọi chuyện còn quá bừa bộn. TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp, quyền trưởng bộ môn y học gia đình đại học Phạm Ngọc Thạch, trăn trở: “Trước đây phần lớn người học chuyên khoa BSGĐ là lãnh đạo, họ cần học để lấy bằng chuyên khoa. Người học sau này là học thực sự, nhưng học xong họ lại không có mạng lưới để thực hành. Vì không có đầu ra, nên việc chiêu sinh ngày càng ít, bởi học viên học xong không ai công nhận, không biết nằm ở đâu trong hệ thống y tế”.
Một thực tế khác cũng đặt ra là để người dân quan tâm đến BSGĐ, cần có những quy định buộc người bệnh phải đi qua hệ thống BSGĐ trước khi lên tuyến trên. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay, chuyện này không hề đơn giản, không chỉ cho bệnh nhân mà còn cho cả bệnh viện khi tình trạng quá tải có khi là “nguồn sống” chính của các cơ sở y tế.
TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp nói: “Kinh nghiệm ở Thái Lan là làm quyết liệt, có cả Thủ tướng bắt tay vào, vì thế trong hai năm họ ra được hệ thống BSGĐ”.
Theo Báo SGTT
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT