Dân nghèo đô thị và bài toán an sinh

18/03/2013 03:49 AM


Nền kinh tế Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng đang gặp nhiều thách thức do ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Do đó, đời sống của một bộ phận không nhỏ người dân đô thị, nhất là người nhập cư đang trở nên khó khăn hơn vì thu nhập giảm sút, giá cả tăng cao…


Năm 2012, TP Hồ Chí Minh có tới 316.873 người đăng ký thất nghiệp.

Trầy trật giữa đô thành

Theo chân một lao động từ Vĩnh Phúc đã vào làm việc tại TP Hồ Chí Minh hơn chục năm nay, chúng tôi đến khu phố 3, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, nơi có nhiều công nhân làm tại Khu chế xuất (KCX) Linh Trung ở trọ. Trong căn nhà trọ, anh Bùi Quốc Vinh và chị Tạ Thị Nhan kể rằng, khi đứa đầu lòng đủ tuổi học mầm non, đúng lúc nền kinh tế khó khăn, thu nhập giảm. Lương công nhân không đủ để trang trải, hai vợ chồng buộc phải gửi cháu về quê nhờ ông bà chăm nom.

Tương tự, cả một đại gia đình anh Nguyễn Văn Trung (anh, mẹ ruột, vợ và hai con) ở chung trong căn phòng trọ vỏn vẹn 12m2 đối diện với KCX Linh Trung. Anh Trung cho biết, mới thuê căn phòng này vì chỉ cần đi bộ cũng có thể tới chỗ làm, vừa tiết kiệm được tiền xăng vừa tiết kiệm thời gian. "Do gần KCX nên phòng trọ ở đây đắt lắm, phòng của tôi thuê tới 1,5 triệu đồng/tháng. Mà đâu có yên, mỗi lần nghe rục rịch thông tin tăng lương là chủ nhà trọ lập tức tăng giá phòng". Trong khi đó chi phí sinh hoạt cho gia đình 5 người mỗi tháng ngót nghét 7 triệu đồng đã là quá sức của hai vợ chồng công nhân. "Nếu vài tháng tới, tình hình không tiến triển, lương bổng không khá hơn chắc vợ chồng tôi phải gửi cháu lớn về quê. Dù sao ở quê chi phí sinh hoạt và học hành cũng rẻ hơn", anh Trung cho biết thêm. Chị Hà, công nhân KCX Linh Trung (Thủ Đức) cũng rơi vào cảnh khó khăn như vậy khi cùng chồng (đều là công nhân) đang phải nuôi hai con 6 tuổi và 2 tuổi. Lương hai vợ chồng cộng lại khoảng 7 triệu đồng/tháng, để chăm lo cho hai đứa trẻ với mức sống tối thiểu là một áp lực rất lớn. "Nhiều tháng tôi phải vay người thân hoặc nhờ cậy bố mẹ. Khi khỏe đã vậy nhưng không biết ốm đau sẽ lấy tiền đâu ra?", chị Hà giãi bày.

Ngoài nuôi sống bản thân, người lao động còn phải chăm lo cho người thân bằng cách dành dụm gửi tiền về gia đình. Chị Phạm Thị Hồng, công nhân tại KCN Tân Bình (quận Tân Bình) cho biết, thu nhập trung bình mỗi tháng được khoảng 3,5 - 4,5 triệu đồng nhưng phải gửi về quê 1 - 1,2 triệu đồng để phụ bố mẹ nuôi em ăn học. Chị Hồng nói: "Gia đình ở quê rất khó khăn, là con gái lớn phải có trách nhiệm chia sẻ với bố mẹ nên tôi chưa dám nghĩ đến lập gia đình".

Cắt giảm chi tiêu

Có mặt tại dãy nhà trọ dành cho công nhân ở KCN Sóng Thần 1 lúc tan ca, chúng tôi thấy hàng nghìn công nhân tìm đến các khu chợ tự phát nằm dọc các tuyến quốc lộ để chuẩn bị cho bữa ăn tối. Đây được xem là bữa ăn chính trong ngày. Nhiều công nhân nữ xúm xít tại các quầy bán rau, thay vì các quầy bán thịt. Nữ công nhân Bùi Thị Hoài cho biết: "Đầu năm, thời gian tăng ca giảm hẳn, thu nhập của em giảm theo. Trong khi đó, tiền phòng trọ, điện nước tăng, giá cả ngoài chợ cũng tăng. Công nhân chúng em chỉ còn biết tiết kiệm bằng cách giảm tiền ăn mỗi ngày".

Theo các chuyên gia, thu nhập được coi là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá mức sống và chất lượng sống của các nhóm dân cư. Tại TP Hồ Chí Minh, phần lớn công nhân là lao động nhập cư nên ngoài chi phí chung cho sinh hoạt thì tiền thuê nhà, điện, nước họ phải trả cao hơn từ 20 đến 30% so với người dân sở tại. Ngoài ra, đối tượng này còn phải dành một phần tiết kiệm để gửi về quê phụ giúp gia đình. Do vậy, để có thu nhập đủ trang trải cuộc sống ở mức tối thiểu, người lao động luôn phải gồng mình tăng ca và cắt giảm chi tiêu, đặc biệt trong hoàn cảnh hiện nay thì mới bù đắp vào giá cả liên tục leo thang. Trong khi đó, theo thống kê của Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, suất ăn của công nhân ở các KCX - KCN chỉ dao động từ 8.000 đến 12.000 đồng, không bảo đảm chất dinh dưỡng chưa kể nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Không chỉ công nhân, về các địa bàn như quận 8, Bình Tân, Tân Phú… người dân sống bằng các nghề tự do như buôn gánh bán bưng, sản xuất hộ gia đình cũng giảm sút thu nhập. Ông Đặng Văn Hào, chủ một cơ sở kinh doanh nhỏ tại phường 15, quận 8 cho biết, trước đây, các mối quen đến lấy hàng, bây giờ để bán được sản phẩm phải đi chào hàng khắp nơi. Còn bà Thẩm, chủ một quán ăn trên đường Lũy Bán Bích (quận Tân Phú) cho biết, bây giờ ra chợ thứ gì cũng tăng giá, từ thịt heo, thịt bò, trứng đến rau củ quả. "Do đó, vốn đầu vào tăng đáng kể mà chúng tôi không thể tăng giá thực đơn, khách đã giảm rồi, nếu tăng giá nữa thì e rằng sẽ đóng cửa", bà Thẩm than thở.

Vấn nạn thất nghiệp

Thời gian vừa qua, thị trường lao động, việc làm tại TP Hồ Chí Minh diễn biến vô cùng phức tạp, tỷ lệ lao động bị thất nghiệp tăng cao, trong đó nổi bật là tình trạng lao động không thích ứng được môi trường làm việc, tự động bị đào thải. Khảo sát cho thấy, tại các công ty, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tỷ lệ lao động bị đào thải cao hơn rất nhiều so với các công ty, doanh nghiệp trong nước. Đây được xem là áp lực rất lớn, cả về sinh kế và tinh thần đối với đại bộ phận người lao động. Thống kê của Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh cho thấy, trong năm 2012 có tới 316.873 người đăng ký thất nghiệp. Thực trạng này dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp trong năm 2013.

Phân tích về vấn đề này, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam cho rằng, đối với nhóm thu nhập thấp, họ thường là lao động làm thuê nên khi các doanh nghiệp khó khăn thì họ là những người đầu tiên bị giảm lương hoặc mất việc. Không những thế, lạm phát đồng nghĩa với giá cả sinh hoạt tăng lên. Có thể bữa ăn hằng ngày của họ không thiếu cơm nhưng chất lượng bữa ăn sẽ giảm và không thể còn tiền để có thể tăng bất cứ nhu cầu nào khác trong cuộc sống vật chất và hưởng thụ các sản phẩm văn hóa.

Theo nhiều chuyên gia, chính khu vực nông thôn đang là "bà đỡ" giải quyết vấn nạn thất nghiệp tại các thành phố lớn. Vấn đề đặt ra là tác động của Nhà nước cho đào tạo nghề khu vực nông nghiệp, nông thôn còn nhiều bất cập và chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Nhà nghiên cứu các vấn đề xã hội, TS Hồ Bá Thâm cho rằng, đã đến lúc Nhà nước cần tổng kết chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn để sớm khắc phục những bất cập lâu nay. Đây cũng là một trong những "chìa khóa" để giải quyết vấn đề lao động, việc làm một cách bền vững nhất.

Theo Báo Hà Nội mới