Đấu thầu thuốc tập trung: Bài 1 - Hết thời mỗi nơi một giá

19/08/2013 09:40 AM


Mặc dù đã hết gia hạn từ ngày 30-6 vừa qua và Sở Y tế TP đã đệ trình UBND Tp.Hồ Chí Minh về việc cho phép tiếp tục ký hợp đồng mua thuốc nhưng đến nay nhiều bệnh viện tại TP vẫn chưa được phản hồi. Trong khi đó, theo chủ trương của Sở Y tế và UBND TP đang yêu cầu các bệnh viện lên kế hoạch đấu thầu thuốc tập trung trong năm 2013 để dự trữ thuốc cho năm 2014.


Đấu thầu thuốc chưa hợp lý, người dân đang chịu thiệt

Loạn thầu, loạn giá

Câu chuyện đấu thầu thuốc vào các bệnh viện (BV) công lập có nhiều bất cập đã được bàn tán từ nhiều năm qua. Trong đó, việc mỗi BV làm chủ đầu tư đấu thầu mỗi kiểu không còn là chuyện mới mẻ. Tuy nhiên, điều này đã dẫn đến hàng loạt hệ lụy mà chỉ có bệnh nhân lẫn bảo hiểm xã hội “lãnh đủ”.

Nhìn qua kết quả trúng thầu thuốc, dịch truyền vào các BV công lập của TPHCM năm 2012 mới giật mình vì sự chênh lệch về giá trúng thầu giữa các BV dù rằng cùng loại thuốc, cùng hoạt chất, cùng nhà sản xuất và cùng nhà cung cấp. Chẳng hạn, cùng dung dịch tiêm truyền Glucose 10% của Công ty Hóa dược phẩm Mekophar (TPHCM) trúng thầu vào BV Nhi đồng 2 là 9.270 đồng/chai, nhưng trúng thầu vào BV Nhi đồng 1 là 9.000 đồng/chai. Cũng tại 2 BV nhi này còn có những loại thuốc “giống tất tần tật” nhưng lại có giá khác nhau rất lớn như bột đông khô pha tiêm Acyclovir 500mg (Acyclovir for Injection USP) do Benvenue (Mỹ) sản xuất được Công ty TNHH Dược phẩm Việt Pháp trúng thầu vào BV Nhi đồng 2 có giá 1.000.000 đồng/lọ, nhưng cũng loại bột này trúng thầu vô BV Nhi đồng 1 là 1.100.000 đồng/lọ. Có nghĩa, giá thuốc này chênh lệch nhau tới 100.000 đồng/lọ, không phải là nhỏ! Đó là chưa kể, cùng loại thuốc, hoạt chất và hàm lượng nhưng thuốc nhập khẩu lại có giá… trên trời so với thuốc sản xuất trong nước. Ví dụ như cùng hoạt chất Glucosamin sulfat hàm lượng 500mg của Công ty Probiotec Pharma (Úc) sản xuất có tên thương mại Joint Aid do Công ty cổ phần Dược phẩm Phú Yên cung ứng trúng thầu vô BV Đa khoa khu vực Hóc Môn có giá 3.985 đồng/viên, nhưng Glucoflex 500 do Ampharco USA (Việt Nam liên doanh Mỹ) sản xuất được Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn cung ứng trúng thầu vô BV Đa khoa khu vực Củ Chi là 880 đồng/viên…

Trên đây chỉ là một vài dẫn chứng, còn nếu đi vào liệt kê về kết quả trúng thầu thuốc, dịch truyền vào hơn 30 BV công lập tại TPHCM năm 2012 sẽ còn hàng chục loại thuốc được trúng thầu, lệch giá theo kiểu tương tự như trên. Thậm chí, có loại thuốc cùng hoạt chất, hàm lượng nhưng do 2 công ty trong nước sản xuất đều trúng thầu vào một BV nhưng lại có giá chênh lệch rất lớn. Điều này cho thấy không chỉ người dân phải mất những khoản tiền vô lý mà chính Quỹ Bảo hiểm y tế cũng không thể cáng đáng nổi khi thanh toán một cách vô lý cho cùng loại thuốc, hàm lượng với giá của mỗi BV đều chênh lệch nhau.

Chính bác sĩ Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM, cũng từng thốt lên: “Cùng một loại hoạt chất, hàm lượng, dạng bào chế, chỉ khác tên thương mại do trong nước sản xuất nhưng khi trúng thầu vào BV lại chênh vênh giá đến mức khó tin. Cụ thể, Paracetamol là loại hoạt chất phổ biến trong điều trị giảm đau, hạ sốt có hàng chục công ty trong nước sản xuất với các tên gọi khác nhau nhưng giá trúng thầu vào BV lại chênh nhau từ vài chục đồng đến cả ngàn đồng/viên. Tại sao lại có chuyện ngược đời như vậy, hay là để được đưa thuốc vào mỗi BV, các nhà cung cấp phải chịu sự “lobby”, chia hoa hồng, “đi đêm” khác nhau nên mới sinh ra “bệnh” như vậy?”.


Sản xuất thuốc tại Công ty Dược phẩm 3 Tháng 2 (TPHCM)

Cắt “nguồn sữa” bệnh viện

Thực hiện chủ trương của UBND TPHCM, Sở Y tế TPHCM đã thành lập Trung tâm Mua sắm công trực thuộc sở này và phân công ông Trương Tử Gia (Phó phòng Tài chính - kế toán) làm Phó giám đốc thường trực của trung tâm. Trao đổi với chúng tôi mới đây, ông Gia cho biết chủ trương sắp tới là tiến hành mua sắm tập trung và Sở Y tế TP sẽ là đầu mối chủ đầu tư. Như vậy sẽ cắt “nguồn sữa” của BV! Trong đó, đấu thầu thuốc tập trung là một chủ trương lớn mà cách nay nhiều năm Sở Y tế TP đã từng đem ra bàn luận, lập đề án nhưng vẫn chưa triển khai được. Đến nay, trước những bất cập của đấu thầu thuốc vô BV công, ngành y tế thành phố đang chủ trương quyết liệt đấu thầu thuốc tập trung.

Theo tiến sĩ - dược sĩ Huỳnh Hiền Trung, Trưởng khoa Dược BV Nhân dân 115, việc đấu thầu thuốc tập trung sẽ đem lại lợi ích là giá thuốc trúng thầu vào các BV không còn chênh lệch nữa và hội đồng thẩm định, phê duyệt thầu sẽ được tập trung về Sở Y tế TP với những người có chuyên môn, có tầm quản lý sẽ hạn chế được ít nhiều tiêu cực khi mỗi BV đấu thầu mỗi kiểu.

Trong khi đó, PGS-TS Trương Văn Tuấn, phụ trách Khoa dược BV Đại học Y Dược TPHCM, cho rằng đấu thầu thuốc tập trung sẽ khiến BV “khỏe” hơn vì không phải mất công lần mò từng hồ sơ mời thầu như trước đây mà chỉ cần xây dựng kế hoạch mua thuốc và trình Sở Y tế TP là xong. Sau đó, khi Sở Y tế TP công bố kết quả trúng thầu, BV cứ thế mà ký hợp đồng mua thuốc. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo nếu một công ty dược trúng thầu sẽ cung ứng cho tất cả các BV có thể làm không xuể. Nếu cung ứng thuốc không kịp thời, sẽ xảy ra thiếu thuốc.Thực tế cho thấy ở các địa phương có ít cơ sở y tế nên việc đấu thầu tập trung rất thuận tiện, nhưng với TPHCM có hàng chục cơ sở y tế công lập lớn nhỏ, việc đấu thầu thuốc tập trung là một vấn đề cần cân nhắc kỹ. Trong đó, Hội đồng thẩm định, phê duyệt ở Sở Y tế TP phải thật sự công tâm và có trách nhiệm. Nếu không, chỉ cần một loại thuốc trúng thầu kém chất lượng hay bị “hớ” giá thì tất cả các BV đều lãnh đủ và đương nhiên sẽ gây thiệt hại cho người bệnh lẫn bảo hiểm y tế.

Một số BV tại TPHCM phản ánh dự trữ thuốc chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là hết sạch và nguy cơ thiếu thuốc đang hiển hiện. Trước đó, các BV được cho gia hạn ký hợp đồng mua thuốc với các nhà cung cấp theo đơn giá trúng thầu năm 2012 nhưng đã hết hạn và nhiều loại thuốc đang cạn kiệt.

Nguồn: Báo Sài Gòn giải phóng